1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mardi 6 février 2007

Nhan xet tong quat ve HP nuoc CHXHCN VN 1992

Luật Sư Đào Tăng Dực:

NHẬN XÉT TỔNG QUÁT VỀ HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 1992




(Trích cuốn “Việt Nam Dân Chủ Tranh Đấu Luận” của Luật Sư Đào Tăng Dực, Việt Luận Xuất Bản năm 1997,tt172-194, Tại Sydney, Úc Đại Lợi)

Trong khi hàng ngũ quốc gia chưa được củng cố thực sự thì người cộng sản đã có những biện pháp trên nguyên tắc để biện minh cho sự hiện hữu tiếp tục của họ trong lịch sử, và trên thực tế, để củng cố quyền hành của đảng.

Đó là sự sáng tạo và đề cao quan điểm mà họ mệnh danh một cách kiêu sa là “Pháp chế xã hội chủ nghiã”, được thể hiện trọn vẹn trong bản hiến pháp 1992. Sau khi đã đọc bản hiến pháp này rồi thì chúng ta nhận thấy rằng, nếu các đảng phái quốc gia làm cho chúng ta thất vọng vì tính chất thiếu chuyên nghiệp của họ như là những tổ chức chính trị, thì đảng cộng sản Việt Nam lại càng làm cho chúng ta thất vọng lớn lao hơn vì sự thiếu lương tri và lòng tham không đáy của họ.

Thật vậy ngày 19.7.1992, người cộng sản Việt Nam cho bầu quốc hội theo hiến pháp mới. Là những người Việt quan tâm đến vận mệnh của đất nước, khi đọc bản hiến pháp năm 1992, ở mặt tiêu cực chúng ta nhận thấy văn kiện này chỉ nhằm thể hiện quyền lợi cá nhân của một số lãnh tụ chóp bu của đảng cộng sản Việt Nam qua các phương thức sau đây:

1. Tạo ra một bản hiến pháp với một hệ thống quyền lực phức tạp nhưng dưới sự khống chế tuyệt đối của đảng CSVN, để đảng này có thể phân chia quyền lợi cho nhiều lãnh tụ và phe phái khác nhau trong giới lãnh đạo đảng, hầu tránh sự đổ vỡ nội bộ.

2. Với một tinh thần “sáng tạo” mà không một luật gia nào của thế giới văn minh có thể hiểu nổi, cộng sản Việt Nam đưa ra một quan niệm gọi là “pháp chế xã hội chủ nghĩa” để làm căn bản cho bản hiến pháp (điều 12). Bởi vì chế độ “pháp chế xã hội chủ nghĩa” là một chế độ rất “sáng tạo” nên, theo bản hiến pháp này, đảng Cộng Sản Việt Nam, qua các đoàn thể ngoại vi (nhất là Mặt Trận Tổ Quốc) muốn làm gì thì làm.

Chính vì vậy, chế độ “pháp chế xã hội chủ nghĩa” mang nhiều đặc tính mà các luật gia thế giới văn minh thấy rất gần gũi với “luật rừng”. Có nghĩa là thật sự không có luật lệ gì cả, vì luật lệ chỉ là sự phát huy (manifestation) ý chí của kẻ có sức mạnh.

3. Nới lỏng quyền tư hữu một chút, trong niềm tin tưởng chủ quan rằng người dân Việt Nam không giống những con người khác trên thế giới như Tân Gia Ba, Đài Loan, Đại Hàn, Úc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Pháp... Người Việt Nam chỉ cần có một chút cơm ăn là đủ, không cần suy nghĩ nhân phẩm, nhân quyền gì cả. Cộng sản Việt Nam hy vọng rằng như một đám súc vật, dân Việt Nam sau khi được cho ăn đủ sống sẽ chấp nhận làm nô lệ cho cộng sản Việt Nam cả đời.

Tuy nhiên ở bình diện tích cực, bản hiến pháp năm 1992 của cộng sản Việt Nam qui định chính thức vị trí đứng của đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ vị trí đứng “kỳ quặc” nhưng rõ rệt này, chúng ta có thể đả phá cộng sản Việt Nam một cách rốt ráo trên cả hai bình diện: đấu tranh quần chúng và quốc tế vận, để đưa đến sự cáo chung nhanh chóng của bản hiến pháp này, hầu thiết lập một thể chế dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên trên quê hương Việt Nam.

Vì các lãnh tụ đảng cộng sản Việt Nam mang nhiều bản chất của một tập thể lãnh đạo một quốc gia chậm tiến, sống nhiều với quá khứ, thiếu sự hiểu biết về những nguyên tắc căn bản để quản trị quốc gia hiện đại, cá nhân các lãnh tụ muốn chia chác quyền lợi, nên bản hiến pháp 1992 được uốn nắn để thể hiện các đặc tính nêu trên.

a. Lời nói đầu của bản hiến pháp

Trong một kỷ nguyên mà ý thức hệ đã hoàn toàn bị đẩy lui vào bóng tối của lịch sử, để nhường bước cho ánh sáng của trí tuệ và khoa học, thì hiến pháp này mở đầu bằng sự ca ngợi đảng Cộng Sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác Lê.

Sự kiện đảng Cộng Sản Việt Nam ngoan cố giam giữ tinh thần sáng tạo của dân tộc Việt Nam trong cái khung thoái hóa và nhỏ bé của ý thức hệ Mác-xít, mặc dù chính người cộng sản không còn tin tưởng nơi ý thức hệ này nữa, là một sự phản bội tổ quốc lớn lao nhất của lịch sử Việt nam.

b. Chế độ chính trị của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Chế độ chính trị được qui định bằng các điều khoản trong chương 1 của hiến pháp 1992. Chương 1 nói lên một cách rõ rệt tính cách độc tài đảng trị của chế độ qua các điều khoản sau đây:

1. Điều 4: Đảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

2. Điều 9: Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả.

3. Điều 10: Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Qua điều 4, đảng CSVN xác quyết tính cách độc đảng trên nguyên tắc. Qua các điều 9 và 10, đảng CSVN hiến định hóa sự cai trị độc đảng qua 2 cơ sở ngoại vi của đảng là Mặt Trận Tổ quốc và Công Đoàn. Chẳng hạn Mặt Trận Tổ Quốc có quyền “giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử” như theo điều 9 của hiến pháp.

Dưới con mắt của luật pháp tại các nước tự do thì đó là phản dân chủ và không nước nào dám làm, lý do là vì Mặt Trận Tổ Quốc không có tư cách đại diện dân cử và do một đảng chính trị giật dây. Tuy nhiên, dưới chế độ “pháp chế xã hội chủ nghĩa” thì đảng CSVN không có đối lập, nên không ai dám phản đối cả, cứ như thế mà làm ra hiến pháp.

Sự hiến định hóa chế độ độc tài đảng trị của đảng CSVN là thành quả đương nhiên của một hiện tượng thoái hóa mà các nhà xã hội học thường gọi là quá trình thể chế hóa phương tiện (Institutionalisaction des Moyens).

Đảng CSVN là một ví dụ rất dễ hiểu của quá trình này. Chẳng hạn, trên nguyên tắc đảng CSVN được thành lập với mục đích xây dựng độc lập và thiên đường cộng sản cho dân tộc Việt Nam. Như thế đảng chỉ là phương tiện, và một khi nước nhà đã được độc lập và thiên đường cộng sản được xây dựng, thì phương tiện đó phải triệt tiêu.

Tuy nhiên, mặc dù nước nhà tuy độc lập, và cộng sản chủ nghĩa đã đổ vỡ toàn diện trên khắp thế giới và ngay trong lòng của từng đảng viên cộng sản Việt Nam, thì những tay lãnh đạo già nua của đảng vẫn không chịu dẹp đảng. Trái lại, những người này biến đảng này từ một phương tiện trở thành một thể chế (institution), có tính cách trường tồn, không lệ thuộc vào các mục tiêu khởi đầu khi đảng được thành lập nữa.

Trong hoàn cảnh dân tộc Việt Nam lại càng bi đát hơn, vì đảng CSVN lại là “thể chế” nắm quyền duy nhất mà không có đối lập. Với một tình huống như vậy, hậu quả đương nhiên là việc quản trị hành chánh, kinh tế sẽ vô cùng thiếu hiệu năng. Đồng thời sự tham nhũng và bất công xã hội sẽ gia tăng mãi mãi, vì quyền lực được tập trung vào một đảng duy nhất, không có một cơ quan nào độc lập ngoài đảng để kiểm soát, thay thế để chấn chỉnh và đưa quốc gia tiến lên, cạnh tranh trong một thế giới mà sự làm việc hiệu năng là yếu tố tương tranh giữa các dân tộc.

Tóm lại từ một đảng phái là công cụ của dân tộc, quá trình thể chế hóa phương tiện đã biến cả dân tốc Việt Nam trở thành một công cụ khổng lồ để phục vụ cho quyền lợi và tham vọng cá nhân của một số lãnh tụ chóp bu của đảng. Hơn nữa, toàn bộ bản hiến pháp 1992 và đặc biệt là Chương 1 (chế độ chính trị), là bằng chứng hùng hồn rằng các lãnh tụ cộng sản đã mất đi khả năng ý thức khách quan về thời gian tính của lịch sử. Họ đang sống ở ngưỡng cữa của thế kỷ 21, ở thời điểm mà các quan niệm về tự do dân chủ, nhân quyền, đa nguyên đang nở hoa ngay tại cựu đế quốc xã hội chủ nghĩa Liên Sô, mà họ vẫn mơ mộng độc tài đảng trị của các thập niên 40 và muốn đi ngược trào lưu tiến hóa của nhân loại.

Thêm vào đó, sự bám víu trên nguyên tắc vào các điều 4, 9 và 10 của hiến pháp còn biểu lộ một thực tại bi đát nữa của nhóm lãnh tụ cộng sản này. Đó là họ không còn nhận thức một cách sáng suốt là đảng CSVN không còn khả năng kiểm soát hàng ngũ đảng viên và các cơ cấu ngoại vi một cách tuyệt đối nữa. Kết quả là hiến pháp khắc ghi trên nguyên tắc một thể chế chính trị sắt máu kiểu Stalin, trong khi những điều kiện khách quan cho thấy đảng CSVN không thể nào khống chế xã hội và chính quyền theo kiểu Stalin được nữa, vì cán bộ đã thoái hóa, tham nhũng cùng cực, mất niềm tin và bi quan cho tương lai của đảng.

c. Chế độ kinh tế

Chương 2, nói về chế độ kinh tế, có nhiều khía cạnh tương đối mới mẻ. Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy sự cải tổ kinh tế nửa vời này sẽ không giải quyết được vấn đề kinh tế dài hạn cho Việt Nam, vì cộng sản Việt Nam còn bị ý thức hệ giáo điều ràng buộc quá nhiều. Hơn nữa, các điều khoản qui định chế độ kinh tế (từ điều 15 đến điều 29) không thể được hiểu như những điều khoản độc lập, mà phải được hiểu như là những thành phần bất khả phân ly với toàn diện bản hiến pháp.

Chính vì thế, tính cách độc tài đảng trị của các điều khoản qui định chế độ chính trị, tính cách thiếu vô tư và độc lập của những điều khoản qui định quyền tư pháp (Toà án Nhân dân và Viện Kiểm soát nhân dân)... sẽ vô hiệu hoá phần lớn những khía cạnh tích cực của các điều khoản qui định chế độ kinh tế, nhất là các điều khoản qui định tư hữu và kinh tế thị trường.

Một cách tóm lược, sau đây là những điều khoản quan trọng của Chương 2:

1. Điều 15: Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.

2. Điều 18:...nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, xử dụng tiết kiệm đất, được chuyển quyền sử dụng đất được nhà nước giao theo qui định của pháp luật.

3. Điều 19: Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lãnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Cơ sở kinh tế quốc doanh được quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

4. Điều 20: Kinh tế tập thể do công dân góp vốn, góp sức hợp tác sản xuất, kinh doanh được tổ chức dưới nhiều hình thức trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. Nhà nước tạo điều kiện để củng cố và mở rộng các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

5. Điều 21: Kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân được cho hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp không bị hạn chế về qui mô hoạt động trong những ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh. Kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển.

6. Điều 23: Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định.

Nêu trên là những điều khoản quan trọng nhất của bản hiến pháp 1992, trên phương tiện cải tổ kinh tế. Đây là phương tiện duy nhất có những tiến bộ thật sự. Tuy nhiên dù ở phương diện này, sự cải tổ còn quá nhiều khuyết điểm, sẽ di hại về sau cho nền kinh tế quốc gia, nhất là khi nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn phát triển căn bản và đang đứng trước ngưỡng cữa của sự cất cánh thật sự.

Trước hết, cộng sản Việt Nam hy vọng rằng khi nới rộng về kinh tế, nhưng siết chặt về chính trị, họ sẽ khai phóng một phần nào khả năng sáng tạo vật chất của người Việt Nam, ổn định và phát triển kinh tế, đồng thời giữ được độc quyền chính trị theo kiểu Singapore, Đài Loan hoặc Nam Hàn và Nhật Bổn.

Tuy nhiên họ đã quên những sự sai biệt căn bản giữa thể chế chính trị tại Việt Nam và tại các nước nêu trên.

- Trước hết trên bình diện thể chế, các nước nêu trên không được dân chủ bằng các nước Tây phương mà thôi, chứ các nước đó không phải có những thể chế độc tài tuyệt đối hoặc độc đảng. Các đảng đối lập thật sự vẫn hiện hữu tại các quốc gia Á châu nói trên. Mọi người dân đều thật sự được ứng cử vào các chức vụ chính quyền, chứ không phải bắt buộc phải được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu mới được ra ứng cử như theo luật bầu cử quốc hội cộng sản Việt Nam.

Chính vì thế, tinh thần tự do sáng tạo của các dân tộc trên ở mức độ cao hơn tại Việt Nam.

- Thứ đến là các quốc gia Á châu nói trên đều đặt nền kinh tế của họ trên “một quan điểm tuyệt đối và triệt để về tư hữu”, không hề bị một chút hoen ố gì về ý thức hệ Mác-Lê. Chỉ có như thế, họ mới khai phóng được toàn diện khả năng sáng tạo vật chất của toàn dân, theo kịp cá nước Tây phương, trong một thế giới mà sự cạnh tranh về kinh tế vô cùng gắt gao.

Trong khi đó thì toàn thể hiến pháp 1992 và ngay cả chương 2 nói về chế độ kinh tế, đều bày tỏ rõ rệt ý thức hệ Mác-Lê lỗi thời. Chúng ta có thể ví dụ nước Việt Nam theo hiến pháp cộng sản này, như một người đã ốm yếu bệnh hoạn rồi, mà còn phải gánh thêm một sức nặng ngàn cân (ý thức hệ Mác-Lê) trong một cuộc chạy đua kinh tế với các lực sĩ Singapore, Đài Loan, Nam Hàn... đã khỏe rồi mà không phải khuân vác gì thêm cả.

Thật vậy, chỉ trong chương 2 thôi, chúng ta thấy rõ ý thức hệ Mác-Lê qua các quan điểm: “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.... theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” (điều 15).

Mặc dầu nền kinh tế gồm có 3 thành phần rõ rệt: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và kinh tế cá thể, bản hiến pháp hầu như qui định một cách rõ rệt thứ tự ưu tiên của 3 thành phần trên:

(i) Kinh tế quốc doanh là ưu tiên số một (điều 19).

(ii) Thứ đến là kinh tế tập thể như hợp tác xã (điều 20).

(iii) Sau chót là kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân (điều 21).

Thứ tự ưu tiên trên cho chúng ta thấy quan niệm về tư hữu trong hiến pháp là một quan niệm có thứ tự ưu tiên chót. Không thể so sánh với quan điểm tích cực và tuyệt đối về tư hữu của Singapore, Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bổn được.

- Ngoài ra, một hiểm họa lớn cho nền kinh tế quốc gia, là bản hiến pháp này sẽ tạo ra một hiện tượng “tê liệt kinh niên của nền kinh tế như các quốc gia Châu Mỹ La Tinh”, hoặc Ấn độ. Lý do là vì nền kinh tế quốc doanh, đã và đang là một nền kinh tế thiếu hiệu năng, tham nhũng, nay được chính thức hiến định hóa để trở thành căn bản của kinh tế quốc gia, sẽ làm cho quốc gia vỡ nợ nhanh chóng hơn. Thêm vào đó, kinh tế tập thể (một hình thức hợp tác xã) không phải là một hình thức tổ chức kinh doanh có hiệu năng cao nhất. Thật vậy, trong môi trường cạnh tranh ráo riết về kinh tế thế giới hiện nay, các hợp tác xã chỉ là những tàn tích của một quan niệm tổ chức kinh tế lỗi thời.

Hiến định hóa vị trí ưu tiên của kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể (hợp tác xã) so với kinh tế cá thể và tư bản tư nhân, trong thời điểm này, là một hành động cố chấp, vô trách nhiệm và sẽ di hại nặng nề cho nền kinh tế quốc gia. Trên phương diện luật hiến pháp (constitutional law) thì ngay cả khi chính phủ muốn tư hữu hóa những cơ sở kinh tế quốc doanh lỗ lã, thiếu hiệu năng, cũng chưa chắc được vì theo tinh thần của hiến pháp, sẽ là một hành động vi hiến.

Chính vì những khuyết điểm trên, Chương 2 của bản hiến pháp này sẽ đưa nước Việt Nam vào hàng ngũ của các quốc gia bệnh hoạn trầm kha về kinh tế như các quốc gia Châu Mỹ La Tinh, trong suốt nhiều thập niên của thế kỷ 21.

- Hơn nữa, điều 23 (dẫn thượng), trong một chế độ độc đảng, không thể bảo đảm quyền tư hữu được. Lý do là vì đảng Cộng Sản Việt Nam là trung tâm quyền lực bao trùm cả 3 ngành: Hành pháp (gồm quân đội và công an), Lập pháp (các dân biểu bù nhìn) và Tư pháp (tòa án thật sự chỉ theo lệnh đảng). Dù cho Hành pháp có trắng trợn vi hiến và tước đoạt quyền tư hữu của một cá nhân, thì không có một tòa án nào dám bênh vực cho cá nhân ấy.

Các dân biểu bù nhìn sẽ không ngần ngại tuân lệnh đảng, đưa ra những luật lệ ngang nhiên vi hiến, tước quyền tư hữu. Lúc đó cũng sẽ không có một tòa án nào lên tiếng được, vì ý kiến của đảng sẽ là tuyệt đối và không có đối lập.

Quan điểm “tư hữu” trong hiến pháp như vậy chỉ là một quan điểm nửa vời mà cộng sản Việt Nam buộc lòng phải xử dụng qua loa để mong sống còn, chứ không phải một sự cải tổ kinh tế thật sự để đưa quốc gia vào đà phát triển chung của thế giới.

Trên bình diện nhu cầu kinh tế, quốc gia Việt Nam, vì đã qua hơn 40 năm cộng sản tại miền Bắc, hơn 20 năm cộng sản tại miền Nam, không còn trì hoãn được. Yếu tố thời gian vô cùng cấp bách. Một quan điểm tích cực và toàn diện về tư hữu như các nước Singapore, Đài Loan cũng chưa chắc đã giải quyết được phương trình kinh tế Việt Nam, huống hồ là một quan điểm tư hữu què quặc, nặng mùi ý thức hệ và tham quyền cố vị của những người cộng sản Việt Nam. Những mức độ phát triển kinh tế tương đối khả dĩ hiện nay (GDP: 9.5% cho 1996, 9.5% cho 1995 và 8.8% cho 1994 theo tạp chí The Vietnam Business Journal,op. cit. tr.16) một phần phản ảnh sự bộc phát không kềm hãm được của một nền kinh tế từ lâu bị một bàn tay sắt khống chế, và một phần phản ảnh mức độ kinh tế thấp một cách cưỡng bách giả tạo của một quốc gia quá nghèo. Một khi nền kinh tế phát triển đến một mức độ cao hơn và đứng trước ngưỡng cữa của thế giới những quốc gia tự do về kinh tế thật sự, thì nội dung trên của bản hiến pháp sẽ biến thành một trở lực lớn lao cho dân tộc.

Chúng ta phải đau buồn mà kết luận rằng trong cuộc thử thách lớn lao này, người cộng sản Việt Nam cũng như giới sĩ phu triều Nguyễn, chứng tỏ rõ ràng với dân tộc và lịch sử rằng, họ đã đặt quyền lợi của phe nhóm và cá nhân trên quyền lợi của dân tộc Việt Nam.

- Sau cùng, bản hiến pháp 1992 một lần nữa hiến định hoá sự độc đảng. Với sự độc đảng này, tệ nạn tham nhũng vốn đã là một căn bệnh kinh niên không thuốc chữa (vì không có đối lập) sẽ trở nên tệ hại hơn đưa đến sự đổ vỡ xã hội và có thể kéo theo luôn sự cáo chung của chính đảng Cộng Sản Việt Nam. Có thể nói, bằng cách hiến định hóa sự độc đảng, cộng sản Việt Nam đã gián tiếp hiến định hóa sự tham nhũng theo câu châm ngôn phổ thông là “quyền lực tuyệt đối sẽ làm tham nhũng tuyệt đối” (Absolute power corrupts absolutely).

d. Chế độ văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ

Chương 3 của bản hiếp pháp qui định chế độ này. Điều đáng tiếc là chế độ văn hóa giáo dục có quá nhiều yếu tố ý thức hệ lỗi thời, trong một kỷ nguyên mà khoa học, nhân bản, nhân quyền đã chói sáng khắp nơi trên thế giới.



Thật vậy, điều 30 nói đến “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “nghiêm cấm truyền bá tư tưởng và văn hoá phản động”.

Điều 31: Yêu chế độ Xã hội Chủ nghĩa

Điều 34: Nghiêm cấm các hành động xâm phạm đến các di tích lịch sử cách mạng.

Điều 36: Các đoàn thể nhân dân, trước hết là Đoàn Thanh Niên Hồ Chí Minh... có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Thay vì, tôn trọng nhân phẩm và sự thông minh của người Việt Nam, bằng cách cho giảng dạy các văn kiện của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và dân quyền theo mô thức các nước Đông Âu, thì cộng sản Việt Nam muốn khuynh đảo tư tưởng của giới trẻ Việt Nam bằng ý thức hệ Mác-Lê.

Tuy nhiên, đây chỉ là một hành động tuyệt vọng của một tập thể không còn ý thức được thực trạng xã hội và giới hạn quyền lực của mình. Thực trạng xã hội là không còn ai tin tưởng đảng và ý thức hệ Mác-Lê nữa.

Có nêu ra trong hiến pháp cũng chỉ là hình thức suông. Giới hạn quyền lực của đảng là sự tham nhũng và thối nát đã quá hoành hành, quyền lực không còn vô giới hạn để thực thi các điều khoản nêu ra trong hiến pháp nữa.

e. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa

Chương 4 của hiến pháp qui định điều khoản này. Chương này qui định vị trí của vấn đề quốc phòng và an ninh nội bộ của quốc gia. Quốc phòng là trách nhiệm của “Lực lượng vũ trang nhân dân” nhưng đồng thời lực lượng vũ trang nhân dân còn có trách nhiệm “bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa và những thành quả cách mạng” (điều 45). Điều này có nghĩa là lực lượng vũ trang này phải có trách nhiệm đàn áp tất cả các phong trào, tổ chức và khuynh hướng chính trị đưa đến dân chủ đa nguyên và nhân quyền đúng theo nghĩa được qui định bởi Liên Hiệp Quốc.

An ninh nội bộ quốc gia là trách nhiệm của “Công an nhân dân cách mạng”. Ngoài ra, công an còn có trách nhiệm bảo vệ “tài sản Xã hội Chủ nghĩa” (điều 47).

Tóm lại quân đội và công an đáng lẽ phải bảo vệ tổ quốc, tài sản của dân chúng, nhân quyền một cách vô vị lợi và phi ý thức hệ như các quốc gia khác trên thế giới, thì lại được cộng sản Việt Nam qui cho trách nhiệm bảo vệ “Xã hội Chủ nghĩa”. Dĩ nhiên nếu cần thiết, các lực lượng trên sẽ đàn áp dân chúng và dẫm nát nhân quyền nhân danh Xã hội Chủ nghĩa.

f. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Chương 5 qui định quyền lợi và trách nhiệm của công dân là một trong những chương phức tạp nhất của bản hiến pháp. Chương này gồm 34 điều khoản. Các điều khoản quan trọng gồm có:

1. Điều 54: Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào quốc hội, hội đồng nhân dân theo qui định của pháp luật.



2. Điều 66: Thanh niên được gia đình, nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập... phát triển... lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ tổ quốc.

3. Điều 76: Công dân phải trung thành với tổ quốc. Phản bội tổ quốc là tội nặng nhất.

4. Điều 79: Công dân có nghĩa vụ... giữ gìn bí mật quốc gia.

5. Điều 82: Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình hoặc sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xem xét việc cho cư trú.

Trong tất cả các điều khoản của Chương 5, điều 54 quan trọng hơn cả. Điều này cũng là một điều khoản thông thường có mặt trong hiến pháp của mọi quốc gia dân chủ thực sự. Tuy nhiên, một phần vì tính cách độc tài đảng trị của toàn bộ hiến pháp, và một phần vì thiếu kiến thức về luật hiến pháp, cộng sản Việt Nam đã hiểu thành ngữ “theo qui định của pháp luật” như là: luật pháp muốn qui định như thế nào cũng được.

Chính vì thế, bản hiến pháp 1992 rất thường xuyên xử dụng thành ngữ này với mục tiêu che mắt mọi người bằng một bản hiến pháp “mờ ảo coi có vẻ được” nhưng kỳ thực đằng sau bản hiến pháp có những luật pháp khắc khe tước bỏ mọi nhân quyền và dân quyền. Bằng cớ rõ rệt nhất là “Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội” từ điều 25 đến điều 36 qui định rõ rệt là Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cơ quan ngoại vi của đảng CSVN) có tiếng nói quyết định trong việc giới thiệu người ra ứng cử, và chỉ có người được giới thiệu mới ra ứng cử được mà thôi.

Chắc chắn trong một quốc gia dân chủ thực sự, với một cơ quan Tư pháp (Tối cao Pháp viện) hoàn toàn độc lập, thì các điều khoản trên của luật bầu cử sẽ bị tuyên bố là vi hiến và vô hiệu lực. Lý do là vì thành ngữ “theo qui định của pháp luật” không cho phép pháp luật vi phạm tinh thần của điều 54 của hiến pháp. Tinh thần của điều 54 của hiến pháp là “mọi công dân đủ 21 tuổi đều có quyền ứng cử vào Quốc hội”. Trong khi đó thì trên thực tế Luật Bầu Cử đã sửa tinh thần của hiến pháp trở thành “mọi công dân đủ 21 tuổi, với sự cho phép của đảng Cộng Sản Việt Nam, qua Mặt Trận Tổ Quốc, đều có quyền ứng cử vào Quốc hội”.

Một luật bầu cử như vậy xung đột với tinh thần của điều khoản 54 của hiến pháp. Bởi vì hiến pháp là luật căn bản (fundamental Law) nên những điều khoản 25 đến 36 của Luật Bầu Cử phải triệt tiêu và vô hiệu lực vì “vi hiến”.

Tuy nhiên, như sẽ phân tích ở Chương 10 của hiến pháp, cơ quan tư pháp tối cao dưới chế độ cộng sản Việt Nam (Tòa án Nhân dân Tối cao) không có đủ sự độc lập mà hoàn toàn bị sự khống chế của đảng. Hơn nữa việc giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh (điều 91) đáng lẽ phải là trách nhiệm của Tư pháp, thì lại được qui là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dưới sự kiểm soát chặc chẽ của đảng). Điều này vượt ra ngoài những qui ước về luật pháp căn bản của những chế độ dân chủ tự do. Trong một chế độ dân chủ, thực sự không thể chấp nhận được việc một thực thể pháp lý vừa làm ra qui luật, vừa được quyền thẩm xét những qui luật mình đặt ra có đúng hay không. Lý do là vì sẽ thiếu sự khách quan, thiếu yếu tố nhân quyền, thiếu sự kiểm soát và sẽ đưa đến độc tài. Tuy nhiên theo chế độ “pháp chế Xã hội Chủ nghĩa” thì đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn trơ trẽn theo luật rừng vì quyền lực tuyệt đối phát xuất từ quân đội và công an chứ không phải từ công bằng và lẽ phải.

Điều 66 (nêu trên) là một trong nhiều điều khoản của bản hiến pháp có tính cách ý thức hệ thoái hóa và không thực tế. Hơn nữa giới thanh niên đã hoàn toàn đổ vỡ niềm tin với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Điều 76 và 79 (nêu trên) cũng chỉ là những xảo thuật để chụp mũ những cá nhân, thành phần chống lại sự độc tài của đảng mà không có một thực chất pháp lý nào cả.

Điều 82 (nêu trên) vừa thiếu thực tế, vừa gượng ép vì quá khôi hài. Hằng trịêu người bỏ nước CHXHCN/VN đi tìm tự do chứ có bao nhiêu người lại tìm đến nước CHXHCN/VN để tỵ nạn đâu?

g. Quốc Hội

Chương 6 từ điều 83 cho đến điều 100 nói về quyền lực và trách nhiệm của quốc hội. Điều 83 nói về quốc hội như sau:

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN/VN.

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến pháp.

Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

Quốc Hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước.

Cũng vì tính cách quan trọng của Quốc hội, cộng sản Việt Nam xử dụng nhiều mánh khoé nhất để khống chế Quốc hội trong bản hiến pháp này.

Thêm vào đó, như đã trình bày ở phần (f) trên, luật bầu cử đã qui định chỉ có những công dân trên 21 tuổi được sự giới thiệu của đảng (qua ngoại vi đảng là Mặt Trận Tổ Quốc) mới được ứng cử vào Quốc hội mà thôi. Những mánh khoé để khống chế Quốc hội trong hiến pháp gồm có:

1. Điều 85: Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm... trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất là 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình.

2. Điều 86: Quốc hội họp mỗi năm họp 2 kỳ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập.

3. Điều 87: Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao, Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội.

4. Điều 90: Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm có:

- Chủ tịch Quốc hội.

- Các phó chủ tịch Quốc hội.

- Các ủy viên.

Điều 85 (nêu trên) có hậu quả là mặc dù nhiệm kỳ được ấn định 5 năm, trên thực tế, nếu cần thiết, đảng CSVN (qua việc kiểm soát 2/3 đại biểu quốc hội) có thể miễn việc bầu cử một cách hoàn toàn hợp hiến.

Điều 86 phối hợp với điều 90 (nêu trên) sẽ làm cho việc đảng kiểm soát Quốc hội dễ dàng hơn nữa. Lý do là vì Quốc hội mỗi năm chỉ họp 2 kỳ do UBTVQH triệu tập. Bình thường thì tất cả quyền hành lớn lao của QH do UBTVQH hành xử theo điều 91 của hiến pháp. Đảng Cộng Sản Việt Nam không cần phải kiểm soát khoảng 400 đại biểu mà chỉ cần đưa những đảng viên cao cấp của mình vào UBTVQH và kiểm soát số người nhỏ này là quá đủ.

Tuy nhiên, để củng cố sự độc quyền tuyệt đối của đảng đối với một cơ quan “dân cử” (mặc dù “dân cử” theo kiểu XHCN) thì điều 87 nêu trên minh thị cho phép các cơ quan ngoại vi của đảng được quyền đưa ra các dự án luật như là những đại biểu Quốc hội. Điều này hoàn toàn phi lý và không thể chấp nhận được tại một quốc gia dân chủ bình thường, tuy nhiên theo “pháp chế XHCN” thì được hiến định hóa rõ rệt như là luật căn bản.

h. Chủ tịch nước

Chương 7 của hiến pháp từ điều 101 đến điều 108 qui định quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước vốn là nguyên thủ quốc gia. Điều 102 qui định Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Điều 103 qui định chi tiết hơn quyền hạn và nhiệm vụ của Chủ tịch nước.

Tuy nhiên một điều đáng tiếc là vì sự tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng quá cao, nhu cầu phân quyền hợp lý trong hiến pháp phải nhường bước cho nhu cầu phân quyền một cách phi lý và đôi khi dẫm chân lên nhau giữa quyền hạn của Chủ tịch nước (điều 103), Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Chu3 tịch Quốc hội (điều 91) và Thủ tướng (điều 112). Đây là một vấn đề vô cùng nan giải và sẽ đưa đến tình trạng xung đột, đổ vỡ trong tương lai trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Lý do là vì sự cố gắng thái quá để chia chác quyền lực và giải quyết vấn đề tranh quyền nội bộ, làm cho bản hiến pháp mất hẳn căn bản luận lý khách quan. Mầm móng tranh chấp giữa Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Chủ tịch nước sẽ phát xuất từ bản hiến pháp kỳ quặc này:

1. Chẳng hạn khi nói đến Hội đồng Nhân dân Tỉnh thì UBTVQH có quyền ”bãi bỏ các quyết định sai trái của Hội đồng” (điều 91(6)), trong khi đó Thủ tướng có quyền ”đình chỉ việc thi hành những nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Tỉnh... trái với hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị UBTVQH bãi bỏ” (điều 114 (5)). Thủ tướng lại có quyền cách chức và miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh (điều 114 (3)).

Vấn đề đặt ra là nếu không có sự đề nghị của Thủ tướng (mà qua sự đề nghị của Viện giám sát chẳng hạn) thì UBTVQH có quyền bãi bỏ các quyết định của Hội đồng Nhân dân Tỉnh hay không? Nếu có, và Thủ tướng không đồng ý với UBTVQH và Viện giám sát, thì khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ theo lời đề nghị của Viện giám sát, Thủ tướng có bắt buộc phải ra lệnh HĐND Tỉnh ngưng thi hành các quyết định sai trái hay không?

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong muôn vàn khó khăn mà sự phân chia quyền lực tạm bợ này sẽ gây ra.



2. Khi nói đến vấn đề bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức vụ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của chính phủ, thì sự chia chác quyền lực càng trở nên giả tạo và phức tạp hơn nữa. Lần này thì cả 3 trung tâm quyền lực dính vào: Thủ tướng thì “trình” lên Quốc Hội hoặc Ủy ban TVQH (nếu Quốc hội không họp) (điều 114(2)). UBTVQH thì “phê chuẩn” và Chủ tịch nước thì “căn cứ vào Nghị quyết của UBTVQH để bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm...” (điều 103 (4)).

Điều nan giải tại Việt Nam là các quốc gia XHCN vốn không có một truyền thống ước lệ về luật hiến pháp (constitutional conventions). Hậu quả là nếu hiến pháp không ghi rõ sự “bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm” các chức vụ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng... của Chủ tịch nước là “nhiệm vụ” hay là “quyền hạn” thì sẽ có những tranh chấp lớn. Chúng ta có thể lập luận rằng nếu là “nhiệm vụ” thì Chủ tịch nước chỉ là bù nhìn ở phần vụ này, nếu Thủ tướng “đề nghị” và Quốc hội (hoặc UBTVQH) “phê chuẩn” thì bắt buộc phải “bổ nhiệm”, “miễn nhiệm” hoặc “bãi nhiệm”, tùy theo trường hợp.

Tuy nhiên nếu là “quyền hạn” thì vấn đề trở nên vô cùng phức tạp. Thủ tướng có thể “đề nghị”, Quốc hội có thể “phê chuẩn”, nhưng trên nguyên tắc Chủ tịch nước có quyền hành xử hay không hành xử quyền “bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm” một Phó Thủ tướng, một bộ trưởng hoặc một thành viên nào đó.

Nếu Chủ tịch có quyền đi ngược lại sự “đề nghị” của Thủ tướng và sự “phê chuẩn” của Quốc hội, thì sẽ có một sự khủng hoảng quyền lực lớn lao.

Lãnh vực này của hiến pháp là một con dao hai lưỡi của đảng Cộng Sản Việt Nam. Sự phân chia quyền lực phi lý và tạm bợ này giải quyết những tranh giành nội bộ ngắn hạn. Tuy nhiên, trên đường dài sẽ đào sâu thêm hố chia rẽ giữa các phe nhóm và lãnh tụ đảng.

i. Chính Phủ:

Chương 8 nói đến quyền hạn và trách nhiệm của chính phủ “là cơ quan chấp hành của QH, cơ quan hành chánh cao nhất của nước CHXHCHVN” (điều 109). Ngoài việc qui định những quyền hạn và trách nhiệm bình thường của một cơ quan hành pháp, bản hiến pháp 1992 còn có những điều khoản đặc biệt sau đây:

1. Điều 110: Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác. Ngoài Thủ tướng, các thành viên khác của chính phủ không nhất thiết là đại biểu Quốc hội... Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng. Khi Thủ tướng vắng mặt thì một Phó Thủ tướng được Thủ tướng ủy nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác của chính phủ.

2. Điều 111: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân được mời tham dự các phiên họp của chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.

3. Điều 114: Thủ tướng chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: phê chuẩn việc bầu cử, miễn nhiệm điều động, cách chức Chủ tịch, các Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương... đình chỉ việc thi hành những nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ.



Điều 110 (nêu trên) là một kỹ thuật tiểu xảo nữa của đảng CSVN để kiểm soát chính phủ. Thật vậy, trong một bản hiến pháp mà mọi quyền lực trên nguyên tắc đều phát xuất từ Quốc hội dân cử (mặc dù thật sự do CSVN giật dây trắng trợn), thì việc một thành viên của chính phủ (cấp Bộ trưởng) không nhất thiết là đại biểu Quốc hội là một sự phản dân chủ lớn lao. Điều 110 cho phép đảng CSVN bổ nhiệm vào chính phủ một Thủ tướng (là một đại biểu Quốc hội) và toàn thể “nội các” (kể cả một hay nhiều Phó Thủ tướng không cần là đại biểu Quốc hội), và như thế nếu đảng CSVN cảm thấy cần cho Thủ tướng “nghỉ bệnh” dài hạn thì điều 110 sẽ cho phép một Phó Thủ tướng lên xử lý cho Thủ tướng mà không cần qui định thời hạn. Kết quả là dân Việt Nam sẽ có một chính phủ không cần phát xuất từ Quốc hội mà chỉ cần phát xuất trực tiếp từ Đảng CSVN.

Thêm vào đó, điều 111 là một xảo thuật để đảng CSVN, qua các tổ chức ngoại vi, có thể được “mời tham dự các phiên họp của chính phủ” nhưng kỳ thực để thanh tra hay coi chừng các thành viên của chính phủ giùm cho đảng.

Điều 114 cho ta thấy mặc dầu trên nguyên tắc, các chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được bầu, tuy nhiên Thủ tướng có quyền khống chế hoàn toàn các cơ cấu địa phương.

j. Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân

Đây là Chương 9 của hiến pháp, qui định sinh hoạt và quyền hạn trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đoạn này gồm 8 điều khoản từ điều 118 đến điều 125. Tuy nhiên, bản hiến pháp này hầu như không đặt nặng vấn đề chính quyền địa phương. Chính vì thế, Chương 9 của hiến pháp hoàn toàn không qui định rõ rệt việc bầu cử vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, mặc dù vị này có trách nhiệm quan trọng là “điều hành hoạt động của Ủy ban Nhân dân” (điều 124). Quả vậy, điều này chỉ được thoáng qua một cách gián tiếp ở chương 8, điều 114 (3), khi nói về quyền hạn và nhiệm vụ của Thủ tướng chính phủ, tức là chính quyền trung ương. Điều 114 (3) chỉ nói lờ mờ là Thủ tướng có quyền “phê chuẩn việc bầu cử, miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Phương thức bầu cử vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân địa phương (do dân bầu trực tiếp hay là do các đại biểu Hội đồng Nhân dân, hay do các Ủy viên của UBND bầu lên), rất mù mờ.

Điều 118 lại nói: “Việc thành lập Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ở các đơn vị hành chánh do luật định”.

Điều này có nghĩa là chính phủ cộng sản qui định luật bầu của các cơ quan hành chánh địa phương và có thể hoàn toàn độc tài khống chế bằng các phương thức bầu cử kỳ quặc như luật bầu cử đại biểu Quốc hội vậy.

Bản hiến pháp này cũng hoàn toàn bác bỏ quan niệm “địa phương phân quyền”. Điều 119 qui định “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.

Tuy nhiên, quyền hạn của Thủ tướng ở điều 114 quá lớn (có thể cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như đình chỉ, bãi bỏ các quyết nghị của Hội đồng nhân dân...), cho nên trên thực tế, các chính quyền địa phương không có thực quyền gì cả và điều 6 của hiến pháp (ghi rõ “nguyên tắc tập trung dân chủ” vốn là một chiêu bài của Lê Nin để thi hành nguyên tắc “tập trung quyền lực độc tài”) sẽ phủ quyết tuyệt đối chương 9.

Lộ liễu hơn nữa là điều 125 cho phép Mặt Trận Tổ Quốc quyền tham gia hội họp các kỳ họp của HĐND để hầu như canh chừng và kiểm soát cơ quan “dân cử” này.

k. Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm soát Nhân dân

Chương 10 từ điều 126 đến 140 nói đến 2 cơ quan tư pháp của chế độ.

Như chúng ta đều biết, trong một chế độ dân chủ pháp trị, theo tinh thần thượng tôn luật pháp, thì sự độc lập và tôn kính cơ quan tư pháp là tối quan trọng. Chính vì thế, tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Anh Quốc... các vị chánh án của những tòa án cấp cao đều phải được Quốc hội bổ nhiệm (theo sự đề nghị của Hành pháp). Nhiệm kỳ của các chánh án này thường thường vô hạn định, hoặc đến mãn đời, hoặc đến tuổi hưu trí, trừ khi can án hình sự hay mất khả năng trí tuệ, mục đích là đem lại cho các chánh án này sự độc lập tuyệt đối trong khi xử án. Thật vậy, nếu nhiệm kỳ các vị chánh án có giới hạn thì các vị này rất dễ dàng bị Hành pháp (Thủ tướng) hoặc Lập pháp (Quốc hội) ảnh hưởng, vì nếu không chịu ảnh hưởng sẽ không được tái bổ nhiệm sau khi mãn nhiệm kỳ.

Điều 126 của hiến pháp 1992 đưa ra mục tiêu sau đây cho cơ quan Tư pháp Cộng sản: Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm soát Nhân dân nước CHXHCN/VN, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Điều 126 cho thấy 2 cơ quan Tư pháp của chế độ cộng sản không mang ý nghĩa thượng tôn luật pháp bình thường của một nước dân chủ pháp trị. Trái lại “xã hội chủ nghĩa” sẽ là quan điểm chỉ đạo và qua quan điểm này, đảng CSVN sẽ đứng trên và đứng ngoài sự kềm chế của luật pháp.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (tương đương với Tối cao Pháp viện trong một chế độ dân chủ) sẽ có nhiệm kỳ “theo nhiệm kỳ Quốc hội” tức là 5 năm (điều 128).

Chương 10 của bản hiến pháp không nói đến phương thức bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức vị chánh án quan trọng này. Chỉ nói là đối với các vị thẩm phán thì các điều trên sẽ do luật định.

Tuy nhiên điều 103 (3), Chương 7, khi nói đến nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước, thì chúng ta thấy Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao.

Các điều này sẽ làm cho vị chánh án và những thẩm phán khác hoàn toàn lệ thuộc vào các cơ quan Hành pháp cho lẽ sống của mình, và sẽ thiếu sự vô tư để bênh vực cho người dân, trong khi đó sẽ tận lực phục vụ cho chế độ.

Tòa án Nhân dân Tối cao cũng sẽ không có khả năng giải quyết những sự xung đột giữa các chức năng do hiến pháp đề ra (chẳng hạn khi Chủ tịch nước xung đột quyền hành với Thủ tướng hoặc Chủ tịch Quốc hội...) và như thế sẽ không thể bảo vệ được “pháp chế xã hội chủ nghĩa” như điều 126 nêu ra. Nếu có một sự xung đột giữa các chức vụ chóp bu đó của hiến pháp thì có hai trường hợp xảy ra:

- Đảng CSVN quá yếu và đi đến sự thanh toán nội bộ, đổ máu và sụp đổ chế độ.

- Đảng CSVN còn mạnh và chính đảng sẽ dàn xếp cho êm thấm.

Như vậy là trên thực tế, Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ là một cái bánh vẽ, trang hoàng cho chế độ. Thực chất vẫn là một chế độ đảng trị, độc tài, chuyên chế.

Như đã bàn ở phần (f) nêu trên, Tòa án Nhân dân Tối cao không có quyền phán xét một bộ luật có vi hiến hay không, vì đó là quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (điều 91). Viện Kiểm soát Nhân dân là một cơ chế Tư pháp thứ hai, giữ một vai trò tương tự như một Giám sát viện và một Công tố viện cùng một lượt. Những khuyết điểm của Tòa án Nhân dân cũng áp dụng luôn cho viện này.

Tóm lại tự do, dân chủ, tư hữu và nhân phẩm của người dân sẽ không được bảo vệ đúng đắn vì không có một cơ quan tư pháp tự trị và độc lập.

Tiếp theo Chương 11 và 12 của hiến pháp, qui định những điều khoản liên hệ đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh (2/9/1945), hiệu lực của hiến pháp và việc sửa đổi hiến pháp, tôi nhận thấy không cần phải phân tích về các điều khoản này.

Sau khi phân tách xong bản hiến pháp 1992 của CSVN, chúng ta ý thức sâu sắc một thực tại đau thương của dân tộc. Đó là bản hiến pháp này không phải nhất thiết đơn thuần là kết quả của ý thức hệ Mác-Lê. Chúng ta phải thành thật nhận rằng bản hiến pháp này còn là kết tinh của hai tệ đoan của giới lãnh đạo dân tộc Việt nam trong suốt 200 năm cuối cùng của lịch sử dân tộc. Hai tệ đoan đó là sự vị kỷ và bảo thủ quá đáng của giới lãnh đạo.

Thật vậy, gần 200 năm về trước, khi tiếng đại bác của Tây Phương vang rền trước ngưỡng cửa nước ta thì giới sĩ phu lãnh đạo, vì vị kỷ và quá bảo thủ đã từ chối không chịu canh tân xứ sở.

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, qua đến các thời Đệ I và Đệ II Cộng Hoà tại miền nam Việt Nam, một số lớn giới lãnh đạo chỉ biết phụng sự cho ngoại bang để bảo vệ quyền lợi của mình, tôn thờ văn hóa ngoại lai.

Ngày hôm nay, đảng CSVN cũng thừa hưởng toàn diện hai tệ đoan cố hữu của những giai cấp thống trị trước.

Cứ theo bản hiến pháp 1992 thì đảng CSVN là đảng cộng sản ngoan cố và cực đoan nhất trong một vài đảng cộng sản còn tồn tại. Chính vì vậy, chúng ta cần đấu tranh quyết liệt hơn để khai phóng tiềm năng sáng tạo, trí tuệ tự nhiên của dân tộc Việt Nam thông minh, cần cù, ra khỏi gông cùm của giới lãnh đạo vị kỷ và quá bảo thủ, đã ngự trị tổ quốc VN suốt 200 năm dài của lịch sử.

Vào cuối thế kỷ thứ 20, lại một lần nữa, ánh sáng của khoa học, trí tuệ, tự do, nhân bản và dân chủ đang sáng lòa trước ngưỡng cửa Việt Nam, thì bản hiến pháp 1992 của CSVN lại phản ảnh một lần nữa thái độ quen thuộc của các quan lại triều Nguyễn là bịt mắt, bịt tai để bám víu quyền lợi của mình. Thái độ này làm cho quốc tế khinh khi và mọi người Việt Nam yêu nước phải ngậm ngùi căm phẫn.

Chúng ta có thể kết luận rằng có một điểm tương đồng sâu sắt giữa giới lãnh đạo triều Nguyễn vào những năm bị thực dân đô hộ, giới lãnh đạo đệ nhất và đệ nhị cộng hòa miền Nam và giới lãnh đạo CSVN ngày hôm nay, đó là số người có đủ lương tâm để nhìn nhận sự thật khách quan và có can đảm nói lên sự thật chỉ là một thiểu số ít oi. Cái điểm thiếu lương tâm này trong đa số giới lãnh đạo chính là thảm họa lớn lao nhất của dân tộc.

Luật Sư Đào Tăng Dực

Aucun commentaire: