1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 3 février 2007

Sai lam cua csvn trong viec ban nuoc cho Trung cong

Nhân hai nước Việt-Trung hợp-tác khai-thác Vịnh Bắc-Việt .


Trang số:2
Trở lại những sai lầm của nhà nước CSVN trong việc phân-định lại vịnh Bắc-Việt với Trung-Quốc


Trương Nhân Tuấn

Tuần vừa qua, liền sau khi bộ Ngoại-Giao hai nước Việt-Nam và Trung-Quốc ra công-hàm phản-bác lẫn nhau về chủ-quyền biển Đông và hai quần đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa, hai bên lại công-bố việc hợp-tác khai-thác dầu-khí tại một số vị-trí nằm vắt ngang đường phân-định biên-giới trong vịnh Bắc-Việt[1]. Tin này được BBC đăng-tải hôm 8 tháng 1 năm 2007. Vấn-đề chủ-quyền Hoàng-Sa và Trường-Sa sẽ được viết qua một bài khác nhưng rõ-ràng, những vùng sẽ được khai-thác sắp tới trong vịnh Bắc-Việt, lý ra hoàn-toàn thuộc về Việt-Nam, nếu Việt-Nam không ký lại (hay được ký lại trên căn-bản công-bằng của Công-Ước Quốc-Tế 1982 về Biển) Hiệp-Định Phân-Định Vịnh Bắc-Bộ. Hiệp-Định này do bộ-trưởng Ngoại-Giao Nguyễn Dy Niên ký với ông Đường Gia Triền ngày 25 tháng 12 năm 2000 và được Chủ-Tịch Nước Trần Ðức Lương ký Lệnh số 16-2004/L/CTN ngày 24 tháng 6 năm 2004 nhằm công-bố Nghị-Quyết về việc phê-chuẩn hiệp-định.

Bài này sẽ phân-tích những sai-lầm và hậu-quả việc phân-định vịnh Bắc-Việt của nhà-nước CSVN.
Nhà-nước CSVN đã phạm nhiều sai lầm trong lúc phân-định lại Vịnh Bắc-Việt với Trung-Quốc.

Bản đồ 1 : vùng trầm tích sông Hồng.

1. Sai lầm về nhận-định :

Trả lời phỏng-vấn báo báo Thanh-Niên ngày 1 tháng 7 năm 2004 về Hiệp-Ðịnh Phân-Ðịnh Vịnh Bắc-Việt, ông Nguyễn Dy Niên cho biết vịnh Bắc-Việt chưa được phân-định. Nguyên-văn như sau :

« Từ trước tới nay, Việt Nam và Trung Quốc chưa tiến hành phân định Vịnh Bắc Bộ. Điều này xuất phát từ thực tế khách quan là từ những năm 50 của thế kỷ XX trở về trước luật biển quốc tế chưa phát triển, các quốc gia ven biển thời kỳ đó chỉ có chủ quyền đối với lãnh hải rộng 3 hải lý và toàn bộ vùng biển nằm ngoài phạm vi lãnh hải được coi là biển quốc tế, không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh đó, Công ước Pháp - Thanh năm 1887 chỉ tập trung giải quyết vấn đề hoạch định biên giới trên đất liền giữa hai nước và vấn đề quy thuộc chủ quyền của mỗi nước đối với các đảo ở khu vực cửa sông Bắc Luân trong Vịnh Bắc Bộ.

Trước đó, Thứ-Trưởng Lê Công Phụng cũng có nhận-định tương-tự qua buổi trả lời phỏng-vấn VASC Orient ngày 2 tháng 2 năm 2002.
Nhận-định của ông Nguyễn Dy Niên và Lê Công Phụng có hai điểm sai : không đúng với sự thật lịch-sử và không phù-hợp với thực-tế của Luật quốc-tế về Biển.

1.1. Không đúng với sự thật lịch-sử :

Theo Công-Ước Pháp-Thanh 1887 về phân-định Biên-Giới giữa Tonkin (Bắc-Kỳ) và Trung-Hoa, vịnh Bắc-Việt đã được phân-định. Đường biên-giới phân-chia lãnh-hải được xác-định như sau : Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105° 43’ de longitude est, c’est-à dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-Kou ou Ouan-chan (Tra-Co) et formant la frontière, sont également attribués à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam... » ; tạm dịch là : Những đảo ở về phía Ðông của đường kinh-tuyến Paris 105° 43’ kinh-độ Ðông, có nghĩa là đường thẳng Bắc-Nam đi qua đông-điểm của đảo Tch’a-Kou hay Ouan-Chan (Trà-Cổ) và tạo thành đường biên-giới, được giao cho Trung-Hoa. Các đảo Go-Tho và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh-tuyến nầy thì giao cho An-Nam.

Bản đồ 2 : một góc bản đồ đính kèm công ước 1887.

Đoạn văn này có hai ý-nghĩa : 1/ xác-định chủ-quyền các đảo trong vịnh. Các đảo phía Đông của đường kinh-tuyến Paris 105° 43’ thì thuộc về Trung-Hoa, ở phía Tây thì thuộc về Việt-Nam. Đảo Bạch-Long-Vĩ ở phía Tây của đường này nên thuộc chủ-quyền của Việt-Nam. 2/ xác-định đường biên-giới trong vịnh. Nó là một đường thẳng Bắc-Nam, bắt đầu từ đông-điểm đảo Trà-Cổ và chấm dứt tại giao-điểm của đường này với đường nối cửa Vịnh.

Ý nghĩa thứ 2 « xác-định đường biên-giới » được trình-bày cụ-thể trên bản-đồ đính-kèm Công-Ước. Trên bản-đồ ta thấy dòng ghi-chú :

« Le méridien de Paris 105° 43’ qui passe par la pointe orientale de l’ile Tra-Co, forme la frontière à partir du point où s’est arrêté le traité de la convention ». Tạm dịch : Ðường kinh-tuyến Paris 105 độ 43 phút đi qua đông-điểm của đảo Trà-Cổ, làm thành đường biên-giới bắt đầu tại điểm mà điều-ước của Công-Ước chấm dứt.
Cho thấy là sau khi các điều-ước của công-ước phân-định biên-giới trên đất liền chấm dứt (tại đông-điểm đảo Trà-Cổ), đường kinh-tuyết Paris 105° 43’ tiếp-nối và làm đường biên-giới để phân-chia đảo và vùng biển.
Rõ-ràng Công-Ước 1887 đã phân-định Vịnh Bắc-Việt.

1.2. Không phù-hợp với thực-tế của Luật quốc-tế về biển.

Quan-niệm về quyền chủ-quyền trên biển chỉ mới có vào thế-kỷ 20. Theo 3 của công-ước 1982 về Biển, lãnh-hải của mỗi nước được xác-định không quá 12 hải-lý. Nhận-định của ông Nguyễn Dy Niên như sau : « Vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ, mà cụ thể là phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ được đặt ra sau khi có sự phát triển tiến bộ của luật biển quốc tế từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước trở lại đây. Theo quy định của luật biển quốc tế hiện đại, quốc gia ven biển được hưởng lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối đa 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không quá 100 hải lý. Do bờ biển hai nước vừa kế cận vừa đối diện nhau, nơi rộng nhất không đến 200 hải lý, nên các vùng biển và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh đều bị chồng lấn lên nhau, cần phải được phân định để xác định rõ ràng biên giới lãnh hải cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước. »

Nhưng không phải vì vậy mà công-ước 1887 không có hiệu-lực trên biển.

Điều 15 của Công-Ước 1982 Luật về Biển như sau :

Article 15 : « Délimitation de la mer territoriale entre Etats dont les côtes sont adjacentes ou se font face :

Lorsque les côtes de deux Etats sont adjacentes ou se font face, ni l'un ni l'autre de ces Etats n'est en droit, sauf accord contraire entre eux, d'étendre sa mer territoriale au-delà de la ligne médiane dont tous les points sont équidistants des points les plus proches des lignes de base à partir desquelles est mesurée la largeur de la mer territoriale de chacun des deux Etats. Cette disposition ne s'applique cependant pas dans le cas où, en raison de l'existence de titres historiques ou d'autres circonstances spéciales, il est nécessaire de délimiter autrement la mer territoriale des deux Etats. » Tạm dịch : « Phân-định lãnh-hải giữa hai quốc-gia kế-cận hay đối-diện. Khi hai quốc-gia kế-cận hay đối-diện, không một quốc-gia nào được quyền mở rộng lãnh-hải quá đường trung-tuyến mà mọi điểm trên đây cách đều những điểm gần nhất của các đường cơ-bản, từ những đường này đo chiều rộng lãnh-hải mỗi nước, ngoại trừ có sự thoả-thuận riêng giữa hai nước. Ðiều-lệ này không áp-dụng trong trường-hợp có sự hiện-hữu những văn-kiện lịch-sử hay những trường-hợp đặc-biệt, việc phân-định lãnh-hải vì thế phải được thực-hiện bằng một cách khác. »

Chúng ta thấy điều 15 đã dự-trù một ngoại-lệ, đó là trường-hợp những vùng biển đã có chủ, được xác-nhận qua một « titre de souveraineté » văn-kiện chứng-nhận chủ-quyền. Ðiều này cho phép ta kết-luận rằng luật quốc-tế về biển công-nhận sự hiện-hữu những văn-kiện liên-quan đến quyền chủ-quyền trong một vùng biển. Công-Ước 1887 là văn-kiện chứng-minh chủ-quyền của Việt-Nam và Trung-Hoa trong vịnh Bắc-Việt. Vịnh này được chia cắt bằng đường kinh-tuyến đông Paris 105° 43’.

Ông Nguyễn Dy Niên đã giải-thích điều 15 như sau : « Đối với lãnh hải, Công ước Luật biển năm 1982 (Điều 15) quy định các quốc gia không có quyền mở rộng lãnh hải quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có thỏa thuận ngược lại. Tuy nhiên, nếu có những danh nghĩa lịch sử hoặc các hoàn cảnh đặc biệt khác, ranh giới lãnh hải của hai quốc gia cần phân định một cách khác trên cơ sở thỏa thuận. »

Ông Nguyễn Dy Niên đã hiểu sai và giải-thích hoàn-toàn sai điều 15. « Những danh-nghĩa lịch-sử » như ông Niên nói không rõ ràng ; « titre historique » của điều 15 là « titre de souveraineté », tức là văn-kiện chứng-nhận chủ-quyền.

Điều này cho thấy, mặc dầu vấn-đề chủ-quyền trên biển của một quốc-gia chỉ được quốc-tế công-pháp công-nhận từ thập-niên 50, nhưng nó vẫn công-nhận « lãnh-hải » của một quốc-gia nếu quốc-gia này chứng-minh được cái « titre de souveraineté » văn-kiện chứng-nhận chủ-quyền thuộc về nước mình.

2. Sai-lầm về phân-định :

Việc phân-chia Vịnh Bắc-Việt theo Hiệp-Ước 2000 thì không đặt trên căn-bản công-bằng của Luật quốc-tế về Biển cũng như theo thực-tiễn quốc-tế mặc dầu Ông Nguyễn Dy Niên cho biết : «hai bên đã thống nhất và căn cứ vào luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc và quy định của Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 mà cả hai nước đều là thành viên để giải quyết vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Ông Lê Công Phụng cũng phát-biểu tương-tự trước đó : « Chúng ta cùng với Trung Quốc đàm phán dựa vào các cơ sở sau: Một là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, mà cả ta và Trung Quốc đều tham gia ký kết. Thứ hai, chúng ta căn cứ vào điều kiện tự nhiên của Vịnh Bắc Bộ và quan trọng nhất là địa lý về phía Việt Nam và về phía Trung Quốc và nguồn lợi trong vịnh như thế nào để phân định. »

Hình dưới : bản đồ phân định vịnh Bắc Việt theo hiệp ước tháng 12 năm 2000.

- Quan-sát bản-đồ phân-định theo hiệp-ước 2000, ta thấy điểm 10, việc phân-chia không công-bằng. Lý ra nó phải ở xa hơn theo hướng Đông-Bắc, cách đều hai đảo Vị-Châu của Trung-Quốc và Bạch-Long-Vĩ của Việt-Nam. Ở điểm này người ta chỉ ghi-nhận ảnh-hưởng của hai đảo Vị-Châu và Tà-Dương của Tàu mà bỏ qua hiệu-lực của đảo Bạch-Long-Vĩ của Việt-Nam theo điều 121 của Công-Ước 1982 về Biển.

- Các điểm 12, 13, 14, 15, 16 17 18 19 đều không cách đều với các điểm gần nhất trên hai bờ biển Hải-Nam và Việt-Nam như theo điều 15 luật Biển 1982. Các điểm nầy đều lấn sang Việt-Nam nhiều hải-lý.

- Ðiểm 21, cho thấy đảo Cồn-Cỏ hoàn-toàn không có hiệu-lực như định-nghĩa của điều 121 của Công-Ưóc về Biển 1982.
Ðiều thứ 121 của Công-Ước về Biển 1982 định-nghĩa về đảo như sau : 1. Une île est une étendue naturelle de terre entourée d'eau qui reste découverte à marée haute. (Ðảo là một dải đất tự-nhiên, có nước bao-bọc chung-quanh và không bị nước phủ lúc thủy-triều lên)

2. Sous réserve du paragraphe 3, la mer territoriale, la zone contiguë, la zone économique exclusive et le plateau continental d'une île sont délimités conformément aux dispositions de la Convention applicables aux autres territoires terrestres. (Một đảo có hải-phận, vùng tiếp-cận, vùng kinh-tế độc-quyền và thêm lục-địa riêng, ngoại trừ điều-kiện ghi dưới phần 3)

3. Les rochers qui ne se prêtent pas à l'habitation humaine ou à une vie économique propre, n'ont pas de zone économique exclusive ni de plateau continental. (Những bãi đá (cồn đá) mà người ta không thể sinh-sống, hoặc tạo một nền kinh-tế tự-tại thì không có vùng kinh-tế độc quyền cũng như không có thềm lục-địa).
Ðảo Bạch-Long-Vĩ cũng như đảo Cồn-Cỏ là những « dải đất tự-nhiên, có biển bao-bọc, không bị nước phủ khi thủy-triều cao », có dân sinh-sống và có một nền kinh-tế tự-túc là du-lịch, trồng-trọt và đánh cá. Các đảo này tương-tự như các đảo Hải-Nam, Vị-Châu, Tà-Dương… của Trung-Quốc.

Trên căn-bản pháp-lý nào các đảo của Trung-Quốc được hưởng mọi đặc-quyền như lãnh-hải, vùng tiếp-cận, vùng kinh-tế độc-quyền, thềm lục-địa…, trong khi các đảo của Việt-Nam, cũng là đảo, thì lại không ? Theo Luật Quốc-Tế về biển thì không có một điều-khoảng nào cho phép một đảo nầy có nhiều đặc-quyền hơn một đảo khác.
Ông Nguyễn Dy Niên cho rằng Hiệp-Ðịnh 2000 được đặt trên căn-bản « luật-pháp và thực-tiễn quốc-tế ». Ðiều nầy không hoàn-toàn đúng.

3/ Thiệt hại : So-sánh đường biên-giới theo Công-Ước 1887 và đường phân-định theo Hiệp-Ước 2000, Việt-Nam bị thiệt-hại khoảng 11.000 km² lãnh-hải. Nhưng điểm quan-trọng, nhìn lên bản-đồ, vùng biển nhượng cho Trung-Quốc nằm trên vùng trầm-tích Sông Hồng, tức là vùng có triển-vọng có mỏ dầu-khí.

Để ý, nếu phân-chia theo Luật quốc-tế về Biển 1982, ta thấy Việt-Nam sẽ không bị thiệt-hại nhiều đến như vậy. Các điểm 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 không ở trên vị-trí phải có của nó nếu được phân-chia công-bằng theo tập-tục quốc-tế cũng như theo Luật quốc-tế về Biển 1982.

Trả lời phỏng-vấn, ông Lê Công Phụng tiết-lộ một điều quan-trọng : « Với suy nghĩ của một người Việt Nam, mà đặc biệt là người trực tiếp tham gia, chúng tôi cho rằng càng để lâu thì càng khó. ».

Vì sao lại « càng để lâu càng khó ? » Không lẽ càng để lâu Luật quốc-tế về Biển sẽ thay-đổi theo chiều hướng bất-lợi cho Việt-Nam ? Không lẽ để lâu sẽ mất nhiều hơn ? Điều không thể bỏ qua là Công-Ước 1887 vẫn còn hiệu-lực. Tại sao Việt-Nam không đưa vụ này ra một tòa-án trọng-tài phân-xử theo luật-lệ và tập-quán quốc-tế ? Ký-kết này đã làm cho Việt-Nam mất 11.000km² lãnh-hải.

Điều này xác-nhận Trung-Quốc đã có áp-lực với phía Việt-Nam trong lúc thương-thảo và Luật quốc-tế về Biển (Trung-Quốc và Việt-Nam đều có ký) đã không được áp-dụng trong lúc phân-định. Vì thế đây là một hiệp-ước bất bình-dẳng, một bên ký-kết bị áp-lực của phía bên kia trong lúc ký-kết.

Vịnh là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Nhìn lên bản-đồ ta thấy vùng nhượng cho Trung-Quốc (hay Trung-Quốc áp-lực để lấy ?) là vùng giữa của túi trầm-tích sông Hồng, tức là vùng có triển-vọng dầu mỏ nhất.

Hiện nay các công-ty dầu-khí hai bên chuẩn-bị thăm-dò và khai-thác các lô nằm vắt trên đường biên-giới. Giả-sử việc thăm-dò thất-bại, phía bên Trung-Quốc không lỗ nhiều vì chia hai phần chi-phí với Việt-Nam. Nhưng ngược lại, nếu các lô này có mỏ dầu hay khí đốt quan-trọng, không ai có thể lường được thái-độ của phía Trung-Quốc lúc đó. Họ có nhiều lý-do cũng như thủ-thuật để chiếm-hữu các mỏ này và độc-quyền khai-thác.

4/ Kết-luận :

Một nhà-nước độc-tài luôn đem lại tai-hại và tai-họa cho dân và nước. Họ có thể rất hung-dữ và ác-độc với nhân-dân nhưng lại tỏ ra nhún-nhường đến mức khiếp-nhược trước ngoại bang. Phân-định biên-giới trên đất liền đã làm cho Việt-Nam mất nhiều phần đất quan-trọng. Việc phân-định vịnh Bắc-Việt làm cho Việt-Nam mất 11.000km², một vùng biển mà thềm lục-địa của nó chứa nhiều khoáng-sản quí-báu. Nhưng hai việc phân-định trên đây xem vậy mà không phức-tạp. Khó-khăn còn ở tương-lai. Đó là vấn-đề đòi lại chủ-quyền quần-đảo Hoàng-Sa, khẳng-định chủ-quyền quần-đảo Trường-Sa và phân-định lãnh-hải biển Đông với nhiều nước chung-quanh.

Người viết cho rằng, nếu tình-trạng độc-tài, bưng-bít vẫn còn tiếp-diễn như hiện nay, rất có thể Việt-Nam sẽ mất rất nhiều, thiệt-hại rất nhiều, nhiều hơn trăm, ngàn lần thiệt-hại đã xảy ra do hai hiệp-ước phân-định biên-giới trên đất liền (30 tháng 12-1999) và phân-định lãnh-hải trong vịnh Bắc-Việt (25 tháng 12-2000).

Trương Nhân Tuấn

http://www.to-quoc.net/

1 commentaire:

VIET NAM QUE HUONG TOI a dit…

Hoang Viet co nhieu bai moi trong
su-that.blogspot.com
Nho quy vi danh may va dang len web, Hoang Viet cam on nhieu