Thử xét lại yêu-cầu của cụ Phạm Quế Dương vềHiệp-Ước Biên-Giới Việt-Trung
Ngày 15 tháng 12 vừa qua, cụ Phạm Quế Dương đặt vấn-đề với nhà-nước qua một bài viết đăng trên báo Tổ-Quốc số 7, nội-dung yêu-cầu công-bố bộ bản-đồ đính-kèm Hiệp-Ước Biên-Giới Trên Đất Liền ký với Trung-Quốc ngày 30 tháng 12 năm 1999.
Bốn năm trước, tức năm 2002, cũng vì các bài viết liên-quan về biên-giới mà cụ bị nhà nước bắt bỏ tù. Chắc phải có những sự việc ray-rức trong lòng nên hôm nay cụ mới lần nữa bất chấp hiểm-nguy lên tiếng công-khai trước công-chúng. Hiệp-ước đã ký bảy năm mà bộ bản-đồ vẫn không ai biết. Tin đồn-đãi rằng Việt-Nam đã mất “ải Nam-Quan”, mất thác Bản-Giốc, mất 720km² đất… đến hôm nay vẫn không thể kiểm-chứng. Trưởng-ban phân-giới VN, có lần trả lời phỏng-vấn BBC, nói rằng việc phân-giới đến năm 2008 mới xong. Yêu-cầu của cụ Dương vì thế có hợp-lý không? Bài này xét lại tính hợp-lý về yêu-cầu của cụ Phạm Quế Dương.
1/ Vài điểm ghi-nhận về Hiệp-Ước Biên-Giới 1999
Nhà-nước CSVN đã ký lại với Trung-Quốc Hiệp-Ước Biên-Giới Trên Ðất Liền vào ngày 30 tháng 12 năm 1999 tại Hà-Nội. Hiệp-Ước này được thông qua do nghị-quyết của Quốc-Hội số 36/2000/QH10 ngày 09/6/2000. Điều đáng chú ý là các việc, từ thương-thuyết, ký kết hiệp-ước với Trung-Quốc cho đến Quốc-Hội thông qua, tất cả đều diễn ra trong bí-mật. Hầu hết đại-biểu Quốc-Hội đều không biết nội-dung của Hiệp-Ước này ra sao mặc dầu họ đã biểu-quyết thông qua. Còn người dân thì hầu như không ai biết. Người ta chỉ xôn-xao bàn-tán về hiệp-ước này khi việc phân-giới, cắm mốc được bắt đầu, tức vào khoảng cuối năm 2001. Từ đó có tin đồn rằng Việt-Nam mất 720km² đất, trong đó có “ải Nam-Quan” và thác Bản-Giốc.
Hiệp-Ước gồm có hai phần : 1/ phần văn-bản và 2/ là bộ bản-đồ đính kèm. Điều II của Hiệp-Ước, dài nhất và quan-trọng nhất, mô-tả đường biên-giới. Theo đó đường biên-giới được vẽ bằng “đường đỏ” trên bản-đồ tỉ-lệ 1/50.000. Hướng đi của đường biên giới, vị-trí các giới điểm, tọa-độ tương-đối các cao điểm… ghi trong Hiệp-Ước là dựa trên bộ bản-đồ này để mô-tả lại. Phần cuối điều II của Hiệp-Ước xác-nhận điều này: “Đường biên giới trên đất liền được vẽ bằng đường đỏ trên bản đồ tỷ lệ 1/50.000 do hai bên cùng xác định, độ dài và diện tích dùng trong mô tả đường biên giới được đo từ bản đồ này. Bộ bản đồ nói trên đính kèm Hiệp ước này là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp ước”.
Điều I Hiệp-Ước ghi: “Hai Bên ký kết lấy các Công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở”.
Công-ước lịch-sử ở đây chỉ phải là công-ước Pháp-Thanh 1887 về phân-định biên-giới. Ông Lê Công Phụng, Thứ-Trưởng Bộ Ngoại-Giao, Trưởng Ban Biên-Giới, người có trách-nhiệm Hiệp-Ước, trả lời phỏng-vấn của Việt-Nam Thông-Tấn Xã vào đầu năm 2002 xác-nhận việc này: “hai bên lấy các Công ước Pháp - Thanh năm 1887, 1895 cùng các văn kiện, bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo, cũng như các mốc giới cắm theo quy định để xác định lại đường biên giới trên đất liền. Đây là nguyên tắc cơ bản và quan trọng”.
Bộ bản-đồ của công-ước 1887 được thể-hiện qua bộ bản-đồ của Sở Địa-Dư Đông-Dương 1/100.000. Nó vẫn còn hiệu-lực pháp-lý 1 nếu hai bên – Trung-Quốc và Việt-Nam - không phủ nhận nó để ký kết một hiệp-ước khác. Hiệp-ước biên-giới giữa Lào và Việt-Nam (ký năm 1978), hay hiệp-ước Việt-Miên đang được thành-hình hiện nay là dựa lên bộ bản đồ Đông-Dương của Pháp.
Điều VI của Hiệp-Ước qui-định: “Hai Bên ký kết quyết định thành lập ủy ban Liên hợp phân giới và cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (dưới đây gọi là ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc) và giao cho ủy ban này nhiệm vụ xác định trên thực địa đường biên giới Việt - Trung như đã nêu trong Điều II của Hiệp ước”, cho thấy ban phân-giới chỉ có trách-nhiệm “xác-định trên thực-địa” đường biên-giới theo tiêu-chuẩn của bộ bản-đồ 1/50.000 đính kèm hiệp-ước. Có nghĩa là những người này sẽ làm các công-tác như đã được xác-định ở điều IV: “cắm mốc, xác định vị trí chính xác của đường sống núi, đường phân thủy, trung tuyến của dòng chảy hoặc dòng chảy chính, trung tuyến luồng chính tầu thuyền đi lại … xác định rõ sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông suối biên giới…”.
Như vậy, đường biên-giới theo Hiệp-Ước 1999, trước hết thành-hình trên bản-đồ, sau đó mới xác-định trên thực-địa qua các mốc giới. Việc cắm mốc chỉ cụ-thể hóa các chi-tiết của bộ bản-đồ trên thực-địa mà thôi.
Điều 1 ghi: “Hai Bên ký kết lấy các Công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở, căn cứ vào các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận cũng như các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới Việt – Trung…” cho thấy ngoài “các công-ước lịch-sử”, Hiệp-Ước Biên-Giới 1999 còn được đặt cơ-sở trên “các thỏa-thuận đã đạt được trong quá-khứ”. Các thỏa-thuận này là các thỏa-thuận nào? Khi nào? Người dân có biết không? Quốc-Hội có biết không? Nó đã làm đường biên-giới pháp-lý 1887 thay đổi như thế nào? Đến nay hình như chỉ có một số rất nhỏ người Việt biết đến những thay đổi này.
Phần văn-bản Hiệp-Ước được báo Nhân-Dân điện-tử công-bố vào tháng 8 năm 2002 sau nhiều phê-bình, phản-đối, chỉ-trích, lên án… của nhiều nhân-sĩ yêu nước trong và ngoài nước. Nhiều người cho rằng đảng CSVN “bán đất và biển cho Tàu”, mục-đích công-bố phần văn-bản chắc-chắn nhằm vào việc xoa-dịu dư-luận chứ không nhằm bạch-hóa vấn-đề. Một số nhân-sĩ ở trong nước, như cụ Phạm Quế Dương, anh Lê Chí Quang, anh Nguyễn Vũ Bình… đã bị nhà cầm-quyền bắt bỏ tù vì đã lên tiếng chỉ-trích mạnh-mẽ thái-độ của nhà-nước về việc không minh-bạch này. Riêng anh Nguyễn Vũ Bình đến nay vẫn chưa được trả tự-do. Bộ bản-đồ, “bộ-phận cấu-thành không thể tách rời của Hiệp-Ước”, vẫn bị tách rời, không công-bố. Bẩy năm sau khi hiệp-ước ký-kết không ai biết được bộ bản-đồ này ra sao.
2/ Hiệp-Ước biên-giới 12-1999 có làm cho Việt-Nam mất đất hay không?
Ông Lê Công Phụng trả lời phóng-viên VNTTX việc này như sau :“- Trước hết, với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi xin khẳng định tin về việc ta để mất đến 700 km2 đất là không đúng và không có cơ sở. Bởi vì, như trên đã nêu, sau khi đối chiếu đường biên giới chủ trương của hai bên theo đường biên giới Pháp - Thanh, thì toàn bộ diện tích hai bên tranh chấp ở 164 khu vực C chỉ khoảng 227 km2. Trong số đó khoảng 113 km2 thuộc Việt Nam và khoảng 114 km2 thuộc Trung Quốc; tức là diện tích được giải quyết cho mỗi bên xấp xỉ ngang nhau, thì không thể có việc ta bị mất hàng trăm cây số vuông được”.
Nhưng lời của ông Phụng không ai có thể kiểm-chứng vì bộ bản-đồ đính-kèm chưa công-bố.
Tuy-nhiên, theo hồi-ký “Hồi Ức và Suy-Nghĩ” 2 của nguyên Thứ-Trưởng bộ Ngoại-Giao Trần Quang Cơ thì Trung-Quốc đã có những hành-động xâm-lấn lãnh-thổ và lãnh-hải của Việt-Nam: “trong khi trên bộ, Trung Quốc không có dấu hiệu nào muốn giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lại còn làm xấu thêm tình hình (xâm canh xâm cư, xây kè cống làm thay đổi dòng chảy các sông suối biên giới có lợi cho Trung Quốc, lấn sang phía ta) thì trên biển Trung Quốc liên tiếp có những bước leo thang nghiêm trọng từ tranh chấp ngoài biển Đông, Trung Quốc đã từng bước ngày càng lấn sâu vào thềm lục địa…”.
Mặt khác cuốn “Tình-hình Trung-Quốc lấn chiếm lãnh-thổ Việt-Nam từ năm 1954 đến nay” 3 ghi: “Lợi-dụng đặc-điểm là núi-sông hai nước ở nhiều nơi liền một dải, nhân-dân hai bên biên-giới vốn có quan-hệ họ-hàng, dân-tộc, phía Trung-Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh-thổ Việt-Nam để làm ruộng, làm nương, rồi định-cư những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng, nương, cuối cùng nhà cầm-quyền Trung-Quốc ngang-ngược coi những khu-vực đó là lãnh-thổ Trung-Quốc”. 4
Vì thế việc Trung-Quốc lấn đất của Việt-Nam là việc có thật. Ông Phụng khẳng-định là Việt-Nam không có mất 700km² đất. Theo ông thì chỉ có tranh-chấp ở 164 khu-vực, diện-tích tổng-cộng 227km². Sau khi phân-chia thì phía VN được 113km² và phía Trung-Quốc được 114km².
Những chi-tiết trích-dẫn dưới đây làm cho người ta hoài-nghi lời nói của ông Phụng: “Khu-vực Trình-Tường thuộc tỉnh Quảng-Ninh là một thí-dụ điển-hình cho kiểu lấn-chiếm đó. Khu-vực này được các văn-bản và các bản-đồ hoạch-định và cắm mốc xác-định rõ-ràng là thuộc lãnh-thổ Việt-Nam: đường biên-giới lịch-sử tại đây đi qua một dải núi cao, chỉ rõ làng Trình-Tường và vùng chung-quanh là lãnh-thổ Việt-Nam. Trên thực-tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình-Tường, những người dân Trung-Quốc sang quá-canh ở Trình-Tường đều đóng thuế cho nhà đương-cục Việt-Nam. Nhưng từ năm 1956, phía Trung-Quốc tìm cách nắm số dân sang làm ăn ở Trình-Tường bằng cách cung-cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường, vải, và nhiều hàng khác, đưa họ vào công-xã Ðồng-Tâm thuộc huyện Ðông-Hưng, khu tự-trị Choang - Quảng-Tây. Nhà đương-cục Trung-Quốc ngiễm-nhiên biến một vùng lãnh-thổ Việt-Nam, dài 6 km, sâu hơn 1.300 m thành sở-hữu tập-thể của một công-xã Trung-Quốc. Từ đó, họ đuổi những người Việt-Nam đã nhiều đời nay làm ăn sinh-sống ở Trình-Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện-thoại, tự cho phép đi tuần-tra khu-vực này, đơn-phương sửa lại đường biên-gới sang đồi Khâu-Thúc của Việt-Nam. Tiếp đó họ đã gây ra rất nhiều vụ hành-hung, bắt cóc công-an vũ-trang Việt-Nam đi tuần-tra theo đường biên-giới lịch-sử và họ phá-hoại hoa-mầu của nhân-dân địa-phương” 5
Địa-danh Trình-Tường ghi lại ở trên đã cho thấy Trung-Quốc lấn sang Việt-Nam khoảng 8km². Việc lấn đất, sau đó nếu trả lại đất, có thể tha-thứ, nhưng hành-vi côn-đồ “hành-hung, bắt cóc” của “nhà đương cục Trung-Quốc” là một hành-vi không thể bỏ qua.
Ngoài khu-vực Trình-Tường, còn có trên 40 khu-vực khác cùng bị lâm vào tình-trạng tương-tự: “Trình-Tường không phải là một trường-hợp riêng-lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung-Quốc tranh-lấn với thủ-đoạn tương-tự như xã Thanh-Loa, huyện Cao-Lộc (mốc 25,26,27) ở Lạng-Sơn, Khẳm-Khau (mốc 17-19), ở Cao-Bằng, Tả-Lũng, Làn-Phù-Phìn, Minh-Tân (mốc 14) ở Hà-Tuyên, khu-vực xã Nam-Chay (mốc 2-3) ờ Hoàng-Liên-Sơn với chiều dài hơn 4 Km, sâu hơn 1 Km; diện-tích hơn 300 héc-ta.” 6
Hoặc:”Ở một số địa-phương, do địa-hình phức-tạp, điều-kiện sinh-hoạt của dân-cư Trung-Quốc gặp khó-khăn, theo yêu-cầu phía Trung-Quốc, Việt-Nam đã cho Trung-Quốc mượn đường đi lại , cho dùng mỏ nước, cho chăn trâu, lấy của, đặt mồ-mả... trên đất Việt-Nam, họ đã dần-dần mặc-nhiên coi những vùng đất mượn này là đất Trung-Quốc. Khu-vực Phia-Un (mốc 94-95) thuộc huyện Trà-Lĩnh, tỉnh Cao-Bằng là điển-hình cho kiểu lấn-chiếm này. Tại đây, mới đầu phía Trung-Quốc mượn con đường mòn, rồi tự ý mở rộng mặt đường để ô-tô đi lại đuợc vào khu-vực mỏ của Trung-Quốc, đặt đường dây điện, đưa dân đến ở ngày càng đông, lập làng bản mới. Dựa vào thực-tế đó, từ 1956 họ không thừa-nhận đường biên-giới lịch-sử chạy trên đỉnh núi Phia-Un mà đòi biên-giới chạy xa về phía Nam con đường, sâu vào đất Việt-Nam trên 500 mét. Lý-lẽ của họ là nếu không phải đất của Trung-Quốc sao họ có thể làm đường ô-tô, đặt đường điện-thoại được... Nguyên-nhân chủ-yếu của việc họ lấn chiếm là vì khu-vực Phia-Un có mỏ măng-gan” 7
Tài-liệu trên đây viết năm 1979. Sau cuộc chiến biên-giới 1979 (kéo dài đến nhiều năm sau thập niên 80) nhiều địa-điểm trên biên-giới thuộc Việt-Nam bị Trung-Quốc chiếm đóng. Đến nay không ai biết số-phận các vùng đất đó ra sao.
Theo ông Phụng thì những tranh-chấp về biên-giới đã được giải-quyết. Hai bên chỉ sai biệt 1 km² (114km² - 113km² = 1km²). Điều này hoàn-toàn không có tính thuyết-phục. Các tài-liệu trên cho thấy việc mất đất cho Trung-Quốc là có thật. Nhưng mất bao nhiêu thì không ai biết.
3/ Khu-vực Hữu-Nghị Quan
Đây là một địa-điểm hiểm-yếu, chiến-lược, ở trên đường biên-giới của hai nước Việt-Trung. Tên dân ta thường gọi là ải Nam-Quan, có giá-trị lịch-sử và tình-cảm quan-trọng đối với mọi người dân Việt. Địa-điểm này xưa nay có nhiều tên khác nhau như Trấn-Nam Quan, Trấn-Di Quan, Đại-Nam Quan, Hữu-Nghị Quan v.v… Vào thời Pháp đô-hộ nước ta, địa-điểm mang tên Trấn-Nam Quan; người Pháp gọi là Tchen-Nan Kouan, sau đó gọi tắt thành Nan-Kouan. Trên các văn-bản, vào thời “quân-quản” – “les Amiraux” - thì viết là Nan-Kouan. Sau đó, thời các Toàn-Quyền dân-sự, viết Nam-Quan hay “porte Nam-Quan” “cổng Nam-Quan”, có khi là Ai Nam-Quan, tức ải Nam-Quan. Có lẽ vì lý do này danh-từ “ải Nam-Quan” trở nên quen-thuộc với người Việt. Theo văn-bản của Công-Ước phân-định biên-giới 1887 là nghị-định thư (biên-bản cắm mốc) ký-kết giữa đại-tá Galliéni và ông tri-phủ Long-Châu tên Thái Hy Bân ngày 19 tháng 6 năm 1894, thì cột mốc cắm tại địa-điểm này mang số 18, cắm trên con đường từ cửa Nam-Quan về Đồng-Đăng, cách cửa 100m về hướng Nam (à environ 100m en avant de la porte de Nam-Quan). Tên của địa-điểm, trên văn bản tiếng Pháp là Nam-Quan và trên văn bản tiếng Hoa là Trấn Nam Quan Ngoại 鎭南關外.
Ông Lê Công Phụng trả lời câu hỏi liên-quan đến “ải Nam-Quan” như sau:”Khu vực Hữu Nghị Quan có liên quan đến đoạn biên giới đi qua đường bộ nối liền hai nước và đi qua tuyến đường sắt. Đối với đoạn đường bộ thì Biên bản hoạch định Pháp - Thanh năm 1886 quy định rằng đường biên giới “nằm ở phía Nam Ải Nam Quan, trên con đường từ Nam Quan đến làng Đồng Đăng”. Khi phân giới, hai bên đã cắm mốc số 18 để xác định đường biên giới và vị trí của mốc này cũng được mô tả là nằm trên đường từ Nam Quan đến Đông Đăng (mốc này đã bị mất); còn trên bản đồ cắm mốc Pháp - Thanh năm 1894 thì địa danh Nam Quan nằm ở phía Bắc đường biên giới. Như vậy, đường biên giới luôn luôn ở phía Nam của Nam Quan, chứ không phải đi qua địa danh đó. Đối với đoạn đường sắt, phía Trung Quốc cho rằng đường biên giới đi qua điểm nối ray, nhưng qua đàm phán hai bên đã đi đến giải pháp là đường biên giới nằm ở phía Bắc điểm nối ray 148 m, chứ không phải ở điểm nối ray như ý kiến của Trung Quốc”
Ông Phụng cắt nghĩa nhưng không đủ nghĩa, nói đúng nhưng không nói hết về biên-giới tại vùng Hữu-Nghị Quan. Ông Phụng chỉ nói đường biên-giới ở phía Nam của Hữu-Nghị Quan mà không nói cách là bao nhiêu. Ông cũng không nói lý-do vì sao cột mốc số 18 bị mất.
Theo tài-liệu của nhà-nước công-bố 1979:”Trung-Quốc đã ủi nát mốc biên-giới số 18 nằm cách cửa Nam-Quan 100m trên đường Quốc-Lộ để xóa vết-tích đường biên-giới lịch-sử, rồi đặt cột mốc ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh-thổ Việt-Nam trên 100m, coi đó là vị-trí đường quốc-giới giữa hai nước ở khu-vực nầy” 8
Nhân dịp trả lời phỏng-vấn báo điện-tử Vacs-Orient (tức ViệtNamNet hiện nay), ông Phụng nói thêm về biên-giới tại Nam-Quan như sau:”Còn cột mốc số không - nhân dân Lạng Sơn báo cáo với Trung ương, Chính phủ và các nhà đàm phán rằng cột mốc có từ khi những người già còn chưa ra đời. Chúng ta tôn trọng cơ sở pháp lý đã có, tôn trọng thực tiễn, nhất là vì lâu nay quản lý đã như vậy. Cho nên hiện nay chúng ta công nhận mục Nam Quan là của Trung Quốc, cách cột mốc số 0 trên 200m”
Ông Phụng quên cột mốc số 18 và nói về “cột mốc số không”. Giả-sử bây giờ có người hỏi ông Phụng nhân-dân nào ở Lạng-Sơn đã báo-cáo cột mốc đó có từ khi những người già chưa ra đời thì chắc-chắn ông Phụng sẽ không có đường trả lời.
Theo tài-liệu của nhà-nước công-bố:“Năm 1955, tại khu-vực Hữu-Nghị Quan, khi giúp Việt-Nam khôi-phục đoạn đường sắt từ biên-giới Việt-Trung đến Yên-Viên, gần Hà-Nội, lợi-dụng lòng tin của Việt-Nam, phía Trung-Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt-Trung sâu trong lãnh-thổ Việt-Nam trên 300m so với đường biên-giới lịch-sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên-giới giữa hai nước đi qua” 9
Biên-giới vùng Nam-Quan được Hiệp-Ước 1999 hoạch-định như thế nào? Dời về phía Việt-Nam 100, 200 hay 300m? Khu nối đường rầy dời về 300m hay 148m?
4/ Khu-vực thác Bản-Giốc:
Thác Bản-Giốc ở về hướng Ðông-Bắc phủ Trùng-Khánh, tỉnh Cao-Bằng, nằm trên sông Qui-Xuân (hay Qui-Thuận, Quây-Sơn). Sông Qui-Xuân bắt nguồn từ phủ Trấn-An (hay Thiên-Bảo), chảy vào Việt-Nam, theo các biên-bản phân-giới Pháp-Thanh, tại ải Lung (cột mốc 81), chảy lại sang Tàu ở khoảng cột mốc số 50. Từ cột mốc số 50 cho đến gần cột mốc số 53 sông Qui-Xuân là đường biên-giới hai nước. Thác Bản-Giốc là một loại thác nước bậc thềm, cao khoảng 30 mét. Cột mốc gần thác Bản-Giốc là cột số 53, tên Bách Nga Khẩu, cắm bên lề một con đường và trên phần nối dài của một khu rừng nhỏ (Au bord du chemin au SO et sur le prolongement d’un petit bois).
Theo các tài-liệu lịch-sử hiện đang tồn-trữ tại văn-khố Pháp thì thác Bản-Giốc hoàn-toàn thuộc về Việt-Nam.
Tài-liệu của nhà-nước công-bố cũng xác-nhận việc này:”Tại khu-vực cột mốc 53 (xã Ðàm-Thủy, huyện Trùng-Khánh, tỉnh Cao-Bằng) trên sông Qui-Thuận có thác Bản-Giốc, từ lâu là của Việt-Nam và chính-quyền Bắc-Kinh cũng đã công-nhận sự thật đó”
Ông Lê Công Phụng cũng mô-tả: “Về thác Bản Giốc, thì đây là điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc. Còn đối với chúng ta, thác này đã đi vào sử sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh, thành di tích, điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng”
Nhưng hiện nay thác Bản-Giốc có trên bản-đồ du-lịch tỉnh Quảng-Tây dưới một tên khác là Đức Thiên Bộc Bố (德 天 瀑 布) và được giới-thiệu như là “première grande chute d’eau transnationale de l’Asie”
Việc này cho thấy vùng thác Bản-Giốc đã được phân-định và thác này ở trên đường biên-giới. Vấn-đề phân-giới vì vậy đã kết-thúc. Vì kết thúc nên mới có thể khai-thác du-lịch.
Vì sao thác Bản-Giốc đang là của Việt-Nam lại chia hai với Trung-Quốc?
Ông Lê Công Phụng nói về việc này như sau:”Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thoả thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50 %. Hiện nay cả 2 bên đang tiến hành khai thác du lịch phía bên mình. Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu, bởi lẽ trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác”.
Điều này mâu-thuẫn với lịch-sử.
Nhà-nước đã tố-cáo vấn-đề Trung-Quốc lấn chiếm thác Bản-Giốc như sau:”Năm 1955-1956, Việt-Nam đã nhờ Trung-Quốc in lại bản-đồ nước Việt-Nam tỉ-lệ 1/100.000. Lợi-dụng lòng tin của Việt-Nam, họ đã sửa ký-hiệu một số đoạn đường biên-giới dịch về phía Việt-Nam, biến vùng đất của Việt-Nam thành của Trung-Quốc. Thí-dụ: họ đã sửa ký-hiệu ở khu-vực thác Bản-Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao-Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản-Giốc của Việt-Nam và cồn Pò-Thoong” 10
Hoặc:”Ngày 29 tháng 2 năm 1976, phía Trung-Quốc đã huy-động trên 2.000 người kể cả lực-lượng vũ-trang lập-thành hàng rào bố-phòng dày-dặc bao-quanh toàn-bộ khu-vực thác Bản-Giốc thuộc lãnh-thổ Việt-Nam, cho công-nhân cấp-tốc xây-dựng một đập kiên-cố bằng bê-tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên-giới, làm việc đã rồi, xâm-phạm lãnh-thổ Việt-Nam trên cồn Pò-Thoong và ngang-nhiên nhận cồn nầy là của Trung-Quốc” 11
Ngày 30 tháng 10 năm 2005, trưởng-ban biên-giới VN, nhân trả lời phỏng-vấn BBC, nói rằng việc phân-giới vùng Bản-Giốc chưa xong nên không thể kết-luận VN nhường ½ thác Bản-Giốc cho Trung-Quốc được.
Điều này khó có thể đúng, bởi vì Trung-Quốc đã khai-thác kinh-tế thác Bản-Giốc.
5/ Kết-luận:
Phần 1 đã chứng-minh bộ bản-đồ 1/50.000 đính kèm hiệp-ước có trước văn-bản. Phần mô-tả hướng đi đường biên-giới (điều II) là dựa lên bộ bản-đồ này. Phần này cũng chứng-minh giai-đoạn cắm mốc chỉ để cụ-thể hóa đường biên-giới trên thực-địa. Nhà nước vì thế không thể viện lý-do cắm mốc chưa xong để không công-bố bộ bản-đồ.
Phần 2 chứng-minh việc Trung-Quốc lấn đất là việc có thật. Tình-trạng này xảy ra trên toàn bộ chiều dài đường biên-giới.
Phần 3 và 4 cho thấy những bất-nhất của cấp hữu-quan về khu-vực Nam-Quan và Bản-Giốc và việc mất đất ở hai vùng này là có thật.
Bài này viết khi hiệp-ước biên-giới đã ký vừa đúng bảy năm. Dầu thời-gian có trôi qua, những vết thương máu chảy có thể đã lành da, nhưng chắc-chắn mỗi khi nghe lại vấn-đề biên-giới, vấn-đề “bán đất nhượng biển cho Tàu” mọi người đều chợt thấy xót-xa, cay đắng. Có người Việt nào không yêu-thương, gắn-bó với đất nước của mình? Các câu hỏi Việt-Nam có mất đất cho Tàu hay không? Mất bao nhiêu? Mất tại đâu? vẫn còn nguyên tính thời-sự.
Lời lên tiếng của cụ Phạm Quế Dương qua bài viết đăng ở Tổ-Quốc số 7 (15-12-2006) đòi hỏi chính-phủ phải công-bố bộ bản-đồ đính kèm hiệp-ước vì thế thật là hữu-lý và chính-đáng. Nhà-nước phải nhanh-chóng công-bố bộ bản-đồ này để giải-tỏa những ngộ-nhận (nếu có) nơi dân chúng và để chứng-tỏ nhà-nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam là một nhà-nước có tránh-nhiệm.
Riêng hành-động của cụ Phạm Quế Dương, phải nhìn-nhận đây là một hành-động can-đảm, thể-hiện lòng yêu nước nồng-nàn. Đó là khí-tiết của kẻ sĩ. Người viết trân-trọng ngã mũ kính-phục.
Trương Nhân Tuấn
1 Theo Công-Ước Vienne về Hiệu-Lực các Công-Ước thì Công-Ước 1887 về phân-định biên-giới giữa Pháp và nhà Thanh vẫn còn hiệu-lực pháp-lý.2 http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=10953 NXB Sự-Thật 1979. Sách này được tồn-trữ tại thư-viện Quốc-Hội Hoa-Kỳ dưới mã số A 87.4 Sdd, trang 8.5 Sdd, trang 8.6 Idem.7 Sdd, trang 12.8 Sdd, trang 10.9 Sdd, trang 10.10 Sdd, trang 14.11 Sdd, trang 11.
http://tiengnoitudodanchu.net/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3100
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire