1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 26 janvier 2007

27. Dam phan gay go:Thoa thuan ve mot Chinh Phu Lien Hiep 46

VIỆT NAM, MỘT THẾ KỶ QUA

Nguyễn Tường Bách

27. Đàm phán gay go.Thoả thuận về một Chính Phủ Liên Hiệp lâm thời và về Quốc Hội

Đã lâu không về căn nhà ở phố Châu Long. Lần này, bước 1ên thang gác, người bếp cũ vẫn còn ở đấy, lộ vẻ vui mừng thấy tôi về. Tôi ít khi về nhà, nhưng Liên vẫn thường tới, dọn dẹp đồ đạc, quần áo. Dưới nhà, hai anh bạn là Phan Huy Đán và Nguyễn Gia Trí vẫn còn ở.

Liên bảo, có khi anh Tam cũng đến đây nghỉ, vì ngay bên cạnh trụ sở quốc dân đảng. Chiều hôm ấy, tôi được hưởng một bữa cơm ngon miệng, tuy đơn sơ, khác hẳn với những món tại toà báo.

Có thịt gà luộc và lạp xường. Do đương đàm phán tinh thành đoàn kết nên tình thế cũng tạm yên, ra ngoài đường không sợ bị bắt cóc.

Anh Đán và anh Gia Trí đều có vợ cả rồi, những truyện gia đình của các anh ấy tôi cũng không biết rõ, vì quá bận túi bụi. Tôi còn nhớ, hình như tôi có nhờ anh bếp cắt hộ tóc, vì đã quá dài, còn râu thì cũng nhân dịp rỗi cạo cho nó nhẵn nhụi một chút.

Sáng hôm sau, cùng với anh Chu Bá Phượng, tôi tới Bắc bộ phủ để bàn về mấy vấn đề quan trọng. Trụ sở quốc dân đảng có hai chiếc xe hơi, chúng tôi ngồi một chiếc xe Ford màu đen chạy khá êm. Nên nhớ lúc đó ngồi xe nhà là một điều hiếm có. Ngồi trên xe, nhìn qua các đường phố, thấy có vẻ vắng im hơn trước, nhưng các cửa hàng đều vẫn mở tại hàng Ngang, hàng Đào. Qua vườn hoa Paul Bert cũ, (tôi không nhớ lúc ấy đã đổi tên là gì) rẽ vào cổng lớn Bắc bộ phủ -tức phủ Thống Sứ cũ. Xế cửa, vẫn có nhà khách sạn Metropole sau đổi tên là khách sạn Thổng Nhất - Xe chúng tôi vừa vào đến trong cổng thì trong có một chiếc xe chạy ra. Người ngồi trên vẫy tay, nhìn không rõ đó là Phạm Văn Đồng hay Võ Nguyên Giáp. Từ cửa bên, lên gác, vào một phòng khách rộng, giữa bầy một bàn lớn. Hồ Chí Minh từ một phòng bên ra tiếp, vẫn mặc một bộ áo kaki vàng theo lối Trung Sơn cổ đứng, thái độ rất điềm đạm. Cùng với ông, có một cán bộ nữa, tôi không nhớ tên.

Lần thảo luận này chỉ có hai vấn đề: một là xếp đặt cho một cuộc họp rộng, thảo luận về thành lập Chính phủ Liên hiệp, hai là thảo một bản thông cáo chung, cho cả các tổ chức địa phương của hai bên, về thực thi việc đình chỉ công kích lẫn nhau về hành động cũng như về ngôn luận, cùng thành lập những ủy ban hỗn hợp của cả hai bên để duy trì trật tự.

Vấn đề thứ hai được giải quyết rất nhanh nhưng thực ra về sau có thực hiện hay không lại là một truyện khác. Còn vấn đề thứ nhất thì lại quá phức tạp và khó giải: nguyên tắc đoàn kết chung, thành phần trong chính phủ Liên hiệp, vấn đề quốc hội, quốc kỳ và quốc ca, vấn đề thống nhất quân đội. Nhiệm vụ của chúng tôi hôm ấy chỉ là đúc kết chi tiết cần thảo luận sau này, không phải là vì cách giải quyết, nên sau cũng kết thúc bằng một đề nghị về chương trình nghị sự.

Những cuộc hội họp diễn ra sau đó đưa tới thỏa thuận chính là thành lập một chính phủ kháng chiến lâm thời để tỏ quyết tâm tinh thành đoàn kết, hiệu triệu quốc dân nhất trí kháng Pháp, và cổ võ tinh thần đồng bào đương chiến đấu tại Nam bộ.

Cuộc tổng tuyển cử được hoãn tới đầu tháng Giêng năm 1946. Do tình thế đặc biệt, phe quốc gia không đủ thời gian để chuẩn bị ứng cử tại toàn quốc, nên Việt minh đề nghị giành 70 ghế trong Quốc Hội cho phe quốc gia, trong đó 50 ghế cho quốc dân đảng và 20 ghế cho Việt cách. Nhận thấy chưa đủ lực lượng và điều kiện để cản trở cuộc tuyển cử, phe quốc gia chấp nhận giải pháp này.

Việc lá cờ và quốc ca không thể thỏa thuận được. Vì nếu chấp nhận cờ đỏ sao vàng và bài Tiến Quân Ca thì cũng như đầu hàng rồi, mà Việt minh không thấy có lý do gì để thay đổi lá cờ và bài ca sẵn có.

Gay cấn nhất vẫn là việc thống nhất quân đội. Việt minh nhất định đòi quân đội phe quốc gia phải sát nhập vào Vệ Quốc quân.

Bên này thì đòi lấy tên Quốc Dân quân. Song dù lấy tên gì đi nữa, thì trên thực tế, số lượng quân đội của quốc dân đảng và của Việt cách rất nhỏ và yếu so với Việt minh có cả chính phủ trong tay, nếu sát nhập thì chẳng bao lâu sẽ tiêu vong.

Tuy đều biết việc đoàn kết chỉ là trên bề mặt, nhưng một chính phủ kháng chiến lâm thời đã được thành lập. Đây là chính phủ liên hiệp đầu tiên, vào đầu tháng 1-1940 chính phủ lâm thời này sẽ từ chức khi quốc hội họp, lúc đó một Chính Phủ Liên hiệp chính thức sẽ được ra đời.

Vấn đề cờ và quốc ca sẽ giao cho Quốc Hội quyết định. Việc thống nhất quân đội thì sẽ do một hội nghị liên tịch của đảng phái giải quyết sau. Tốn nhiều thì giờ nhất là việc phân chia các ghế bộ trưởng.

Tuy tôi không dự nhiều về những buổi cãi cọ ấy, song có lần, một đại biểu Việt minh đã phàn nàn thẳng thừng:

- Các anh có ít mà lại cứ đòi nhiều, vô lý!
- Nhưng vô lý hay không, nếu ai đòi được thì cứ đòi chứ.

Cuối cùng, danh sách các vị trong Chính Phủ Lâm Thời gồm có những nhân vật chính như sau (vì đã lâu quá mà thiếu tài liệu để tham khảo, tôi chỉ nhớ được một số nhân vật) cũng không khác với Chính Phủ chính thức sau này mấy.

Chủ Tịch: Hồ Chí Minh
Phó Chủ Tịch: Nguyễn Hải Thần
Cố vấn tối cao: Vĩnh Thụy
Bộ trưởng bộ Nội Vụ: Huỳnh Thúc Kháng
Bộ trưởng bộ Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam
Bộ trưởng bộ Tài Chánh: Lê Văn Hiến
Bộ trưởng bộ Quốc Phòng: Phan Anh
Bộ trưởng bộ Kinh Tế: Nguyễn Tường Long
Bộ trưởng bộ Tư Pháp: Vũ Trọng Khánh
Bộ trưởng bộ Thanh niên: Dương Đức Hiền
Quốc Phòng ủy viên hội Chủ Tịch: Võ Nguyên Giáp
Quốc Phòng ủy viên Phó Chủ Tịch: Vũ Hồng Khanh.

Trên nguyên tắc, những bộ quan trọng chia đều cho các phe và những nhân vật không đảng phái.

Tôi được cử vào tiểu ban dự thảo bản Tuyên Ngôn của Chính Phủ Liên hiệp lâm thời. Không ngờ, trong buổi họp tại nhà Khai Trí Tiến Đức, tôi lại gặp lại anh Dương Đức Hiền. Đã hơn nửa năm rồi, hai người lại gặp nhau trong một trường hợp kỳ lạ, không thể ngờ tới.

Trông anh không có gì khác trước, chỉ bớt đen đi một chút. Anh rất ít nói, không biết có phải vì sự có mặt của tôi hay không? Hai người bạn, đồng chí thân thiết mấy năm trước đây, nay đã trở thành đối địch, trở thành phải e dè, giữ miếng với nhau. Tại sao cùng một chí hướng mà thành ra thế này? Chắc anh còn nhớ tới những ngày chạy tránh bọn Pháp, ngày anh tới thăm tôi mệt trên cái gác trọ ngõ Chân Hưng, ngày ngồi trên bờ sông Nhuệ anh khuyên tôi và Khái Hưng gia nhập Việt minh, nếu lừng khừng thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!. Quả nhiên hiệu nghiệm. Bây giờ anh đã thuộc phái cầm quyền, sức mạnh ở về phe anh ...

Chắc anh không tin gì nhiều về cái đoàn kết trong một chính phủ ... Tuy vậy, mọi người cũng cố gắng bàn cãi, cho tới khi bản tuyên ngôn đó ra đời, và được công bố trên toàn quốc.

Vì chính phủ lâm thời này chỉ là quá độ, nên không có tuyên truyền rùm beng, dân chúng cũng ít chú ý. Nhưng việc này phần nào cũng đưa tới hòa hoãn. Trong đầu năm, tại một số tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Nam định, Phát Diệm, Thanh Hoá và khu từ Thừa Thiên tới Quảng Nam, Phú Yên... tiếp tục thành lập đảng bộ Việt nam quốc dân đảng. Tại Đệ Tam Khu, tức từ Vĩnh Yên tới Lào Cai, các cơ cở sẵn có cũng được củng cố và tăng cường, mặc dầu vẫn bị phong toả.

28. Quốc Hội Và Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến
Thời kỳ hai tháng đầu năm 1946 rất phức tạp với sự đối chọi của nhiều thế lực. Phe quốc gia lúc đó giống như một con thuyền chênh vênh giữa sóng thác rập rềnh, mà hai bên lại là vách đá cheo leo. Chỗ dựa quốc tế duy nhất là Trung quốc, nhưng quân đội Tưởng không có ý muốn dẹp hẳn cộng sản Việt minh -mà dù có muốn cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là về phía Liên Xô. Đồng thời, việc cấp thiết cho họ là nguy cơ quân Mao Trạch Đông đương tràn lấn khắp nơi, Tưởng không muốn sa lầy tại Việt nam, thà để cho Pháp chế ngự cộng sản Việt nam! Mà số khí giới họ giúp theo chỗ tôi biết, thì bất quá là vài trăm khẩu súng của Nhật hay của Pháp đã cũ, nhiều cây không dùng được và thiếu đạn dược ... ứng phó thế nào khi quân Hoa rút? Phe Việt minh tuy nắm chính quyền, có số lính Bảo An, một số lính khố đỏ, có vũ khí dồi dào hơn, và đương mộ binh riết để huấn luyện, nhưng hãy còn non nớt, thiếu vũ khí hạng lớn. Theo lời của mấy lãnh tụ cộng sản hồi đó, họ rất lo lắng vì bị kẹp giữa ba lực lượng: quân Hoa, phe quốc gia, và quân Pháp đương đe dọa đổ bộ lên miền Bắc. Sách lược của Hồ Chí Minh tất phải là tạm hoà hoãn để tránh xung đột với quân Tàu, đòi họ rút về nước rồi thừa cơ Pháp chưa chiếm vững, sẽ dốc lực lượng để tiêu diệt đội quân nhỏ yếu của người quốc gia. Sách lược này rõ ràng, rất nguy hiểm.

Và cũng rất rõ ràng, phe quốc gia chỉ có một con đường để thoát khỏi diệt vong, là cấp tốc tăng gia quân đội và mở rộng, củng cố chiến khu, lợi dụng mâu thuẫn trong quốc tế để duy trì và phát triển, lãnh đạo dân chúng chiến đấu. Phải kiên quyết hành động bằng mọi cách, trong một chương trình chung cho mọi đoàn thể.

Có lẽ một phần còn hy vọng việc kết hợp còn kéo dài được, một phần cho rằng trước sự đe dọa của quân xâm lăng Pháp, Việt minh chưa dám quyết liệt và còn e lòng dân phản đối, nên đa số các người cầm đầu phe quốc gia vẫn còn bận rộn về việc tham gia Quốc Hội đề cử thành phần Hội đồng Bộ trưởng. Trung ương không phái cán bộ cao cấp tới các địa phương để lãnh đạo việc đảng. Mặt khác, một số thành phần trong đảng bất đồng ý kiến, đã có những hành động riêng rẽ, ảnh hưởng tới việc dốc sức vào gây dựng lực lượng chung. Còn có ít phần tử mới tham gia đàng vì thời cục xô đẩy, thiếu ý chí và thiếu kỷ luật

Tất cả những thiếu sót trên khiến phe quốc gia đã chưa xây dựng được lực lượng mạnh thống nhất, có sức chiến đấu để đương đầu với những ngày gay go về sau. Dù có những đánh phá, chỉ trích, cuộc tuyển cử vẫn cứ cử hành vào đầu tháng 1-1946. Vì có sửa soạn trước, đã chỉ định ứng cử viên, và đã lôi kéo người đi bầu theo lối xua gà, lại cũng có kèn có trống nên tỉ lệ đi bầu cũng khả quan.

Ngày họp ở Nhà hát lớn thành phố, vào cuối tháng 2-46 tôi có đến xem tình hình như một ký giả, chứ không như một đại biểu, và rút lui rất nhanh. Trong bụng tôi nghĩ, chẳng qua cũng là một màn kịch đóng trò thống nhất, song đủ mặt anh tài.

Quốc hội kỳ ấy đã phê chuẩn danh sách chính phủ Liên hiệp kháng chiến, đã biểu quyết giữ lại cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ và bài Tiến quân ca làm quốc ca.

Thành phần của chính phủ này ai cũng đều biết, chỉ xin nhắc lại sau đây để tham khảo:

Chủ Tịch chính phủ: Hồ Chí Minh
Phó Chủ Tịch chính phủ: Nguyễn Hải Thần
Cố vấn chính phủ: Vĩnh Thụy
Bộ trưởng Nội Vụ: Huỳnh Thúc Kháng (trung lập)
Quốc Phòng: Phan Anh (trung lập)
Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam (Quốc dân đảng)
Tài Chánh: Lê Văn Hiến (Cộng sản)
Kinh Tế: Chu Bá Phượng (Quốc dân đảng)
Giáo dục: Đặng Thái Mai (Cộng sản)
Tư Pháp: Vũ Đình Hoè (Dân Chủ Đảng)
Canh nông: Bồ Xuân Luật (Việt cách)
Công chính: Trần Đăng Khoa (Dân Chủ Đảng)
Y tế: Trương Đình Tri (Việt cách)
Ủy ban kháng chiến, chủ tịch: Võ Nguyên Giáp (Cộng sản)
Phó chủ tịch: Vũ Hồng Khanh (Quốc dân đảng)

Sau đó, chính phủ Liên hiệp đã ra mắt quốc dân trên bao lơn gác nhà Hát Lớn. Hồ Chí Minh tuyên bố vài câu về việc thành lập và cương lĩnh của chính phủ, sau tới lưọt ông Nguyễn Hải Thần diễn thuyết. Nhưng có lẽ vì ở ngoài lâu quá, nên ông nói rất khó nghe và đệm nhiều chữ Hán, khiến người ta thất vọng.

Chính phủ này khi ra đời lập tức phải đương đầu với những khó khăn ghê gớm, đối nội cũng như đối ngoại.

Lúc đó, với một thỏa hiệp ngầm, Trung quốc đòi thỏa thuận với Pháp, sẽ rút đi bắt đầu ngày 28-2-46, Pháp có một số nhượng bộ cho Trung quốc về các tô giới, ngược lại Trung quốc đồng ý quân Pháp sẽ thay thế mình tại Bắc Việt. Để thu xếp ổn thỏa việc này, tránh chiến tranh xẩy ra. Trung quốc đã đồng ý thành phần của chính phủ Liên hiệp này, và khuyên Pháp-Việt hai bên nên thảo ra một bản hiệp định về quan hệ giữa hai nước.

Quan điểm của Pháp lúc đó là chỉ để cho Việt nam là một quốc gia tự do trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Mặc dầu muốn thỏa hiệp, Hồ Chí Minh cũng không thể chấp nhận quan điểm ấy vì bị nhiều phe, kể cả trong nội bộ đảng cộng sản, chống đối cho là đầu hàng, phản bội dân tộc và sẽ bị quốc dân nổi lên chống đối.

Cuộc thảo luận vì thế giằng co rất lâu và không dám đưa ra công khai. Trọng điểm ở chỗ Pháp nhìn nhận Việt nam là độc lập hay chỉ là tự do, có quyền thế nào về mặt quân sự và ngoại giao, quân Pháp sẽ đóng tại đây bao lâu mới rút, và Nam Kỳ có tự trị hay không ?

Hắc búa nhất vẫn là tranh chấp về quân đội. Ai cũng hiểu một quốc gia chỉ có thể có một quân đội thống nhất, nếu không sẽ hỗn loạn, và lúc đó muốn đánh Pháp, cần thống nhất chỉ huy quân đội mọi phái. Nhưng võ trang lại là vấn đề sinh tử không còn võ trang thì chỉ ngày mai là sẽ phải đi chầu Diêm Vương thôi, ở trong một chế độ vô pháp vô thiên, giết người như ngoé.

Việt minh, căn cứ vào nguyên tắc thống nhất trong chính phủ liên hiệp, đòi tất cả các võ trang đều phải sát nhập vào Vệ Quốc Quân, bỏ danh nghĩa Quốc Dân Quân và đeo dấu hiệu cờ đỏ sao vàng. Điều này, không một cán bộ nào trong phái quốc gia có thể chấp nhận được. Nhìn trên lịch sử, những cuộc liên hợp Quốc-cộng đều kết thúc bằng sự đầu hàng của một bên nào đó, hay là chiến tranh trường kỳ.

Việt nam cũng không thể thoát ra khỏi quy luật này. Rút cục chóng chầy cũng sẽ đi tới bắn lẫn nhau thôi. Sau chiến tranh chống ngoại xâm, bi kịch chung cho Việt nam và các nước cộng sản khác là nội chiến, tàn sát lẫn nhau. Kết quả tất nhiên của các chính sách chuyên chính cực đoan của đảng cộng sản - cũng như tại Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba. Không bao giờ có thể đoàn kết, hoà giải chân chính với người cộng sản, trừ phi họ không có vũ khí trong tay, đó là bài học kinh nghiệm lịch sử.

Vì anh Chu Bá Phượng được cử làm bộ trưởng bộ Kinh Tế thay anh Hoàng Đạo, Trung ương lại điều động tôi về bên trụ sở Tổng Bộ, giữ nhiệm vụ bộ tổ chức của đảng. Nhiệm vụ bộ tuyên truyền giao cho anh Khái Hưng giữ.

Đó là vào hồi tháng 2 năm 46. Mới có nửa năm qua đi, mà đã có bao nhiêu thay đổi. Chính phủ Hồ Chí Minh, Bảo Đại thoái vị, các anh em ở hải ngoại về. Quân Trung Hoa tới tiếp quản. Đảng vụ quốc dân đảng phát triển, một số nơi có đảng bộ, có võ trang. Việt minh khủng bố tàn ngược. Quân Pháp xâm chiếm miền nam, và nay lăm le đổ lên miền Bắc. Dân chúng hoang mang. Nhiều nơi vẫn còn nạn đói rớt lại.

Chưa bao giờ, chưa bao giờ chúng tôi - trước đây mấy năm chỉ là thư sinh, nhà văn nhà báo nho nhã - đứng trước một tình thế phức tạp, khẩn trương và nguy nan như vậy. Trước mặt toàn là những kẻ địch gian hiểm, tàn ác khó lường, mà trong đó trước đây đã có những bạn cùng chiến đấu cho dân tộc. Một điều không ngờ lại nghe nói rất nhiều về những chiến sĩ lưu vong ở hải ngoại, đinh ninh là có lực lượng mạnh và có tài kinh luân cái thế để giải phóng và xây dựng đất nước, song sự thực đã không được như thế. Phải kính phục tinh thần hy sinh, chịu đựng của các vị đó, song về mặt hoạt động thì lại kém nhóm cộng sản.

Đặt quá nhiều hy vọng vào quân Trung Hoa, song hy vọng nhiều thì thất vọng cũng nhiêu. Bảo là quân Trung Hoa không giúp được gì cho phái quốc gia thì cũng không đúng, không có quân Hoa yểm trợ thì đã không thể xây dựng được một số đảng bộ và khu căn cứ. Trung quốc có mục tiêu và lợi ích của nước họ. Không có ai làm cỗ cho mình sơi cả, mà phải tự mình kiếm gạo, kiếm thịt trước đã. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm lịch sử quá cay đắng.

Hôm đó, trời còn lạnh. Tôi đến toà báo lần cuối. Lá bàng vẫn rụng trên sân và trên hè đường. Bụi tre Đằng Ngà vẫn còn đứng tại một bên sân.

Lấy ít giấy má rồi, cùng anh Khái Hưng cáo biệt. Đến nay, hình ảnh nhà văn gầy nhỏ vẫn còn như trước mắt tôi, Qua mấy tháng làm việc ngày đêm, căng thẳng trong đấu tranh anh lại gầy thêm, thêm mấy nét răn trên trán. Cũng như tôi, anh bị lôi cuốn vào một cơn bão táp không biết bao giờ mới ngừng.

Nhưng anh vẫn lạc quan, đôi mắt anh vẫn sáng, vẫn hay pha trò.

Con người nhiều khi cũng kỳ lạ. Một nhà trí thức hiền từ đã biến thành một chiến sĩ kiên cường, bất khuất, chống đế quốc, chống độc tài.

Đối với tôi một người trẻ nhất trong các anh em, Khái Hưng như là một người anh lớn. Chỉ với sự hiện diện của anh với tinh thần chịu đựng của anh, cũng là một sự cổ võ vô hình cho tôi. Và tờ Việt nam là thành quâ lớn của sự cố gắng của anh cùng các anh em cộng sự.

Thực tình, tôi không muốn rời toà nhà này, nơi mà tôi đã làm báo, viết văn, làm việc chung mười ba năm dài. Đã có biết bao vui buồn, thành công và thất bại ở đây. Dù sao, những tờ báo Phong Hoá, Ngày Nay, Tự lực Văn Đoàn, phong trào ánh Sáng, Đại việt dân chính, và bây giờ, 1946, tờ Việt nam cũng đã đi vào lịch sử. Và giá trị của toà nhà này cũng vì đã là một nơi tập hợp hiếm có cả về văn hoá lẫn chính trị của bao nhiêu anh tài đất nước. Trong đó có một số người dù muốn dù không, trước và sau người ngày biến chuyển kinh thiên động địa, cũng đã tham gia vào sự nghiệp chung của đất nước trong khi một thời đại cũ biến đi, một thời đại mới bắt đầu.

Cùng anh Vương Các Đạo, một anh em trong nhóm cảnh vệ lúc đó, chúng tôi sang trụ sở Đỗ Hữu Vị, rất gần đây. Anh Vương Các Đạo, thân hình đặc biệt cao lớn, da ngăm ngăm đen, trước đây trong Bảo An Binh, một người rất thẳng thắn, trung hậu. Trong lúc nói truyện, anh tỏ vẻ rất tin tưởng, tuy anh biết đương gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi cũng không muốn nói cho anh biết tình hình thực ra còn khó khăn hơn anh tưởng nhiều, và bao mối đe dọa đương ở trên đầu phe quốc gia.

29. Tại Bộ Tổ Chức Việt nam quốc dân đảng.
Tổ chức biểu tình đòi chính phủ không để Pháp đổ bộ.
Quốc Gia Thanh Niên Đoàn.
Trụ sở Tổng Bộ Việt nam quốc dân đảng đặt tại trường tiểu học Đỗ Hữu Vị, vừa trước đây cũng là một trại binh của Nhật. Cũng như các trường học khác ở Hà Nội, trường có sân rất rộng, trồng nhiều cây bàng. Mỗi lần nhìn thấy cây bàng, lá bàng rụng trên sân, tôi không khỏi nhớ lại quãng đời học sinh thơ ấu và hồn nhiên. Tuy nói là bộ tổ chức, những cũng chỉ có một phòng lớn ở ngoài và một gian nhỏ ở trong để họp bí mật. Hồ sơ các địa phương cũng rất ít vì lúc đó đa số phải tự lực cánh sinh, có khi phải trốn tránh không có chỗ trú nhất định. Anh em giao thông cũng hiếm, cần lắm mới phải dùng đến ... Liên lạc không những khó khăn mà nguy hiểm. Chỉ có một số địa phương phái người lên xin ý kiến, trong đó có người đến rồi sau không về được nữa, hay là đã mất liên lạc với địa phương mình. Ngay tại Hà Nội, lực lượng đảng cũng rất thưa thớt. Chỉ có một số ít đảng viên Việt nam quốc dân đảng cũ trước kia nay lại bắt liên lạc.

Phần lớn anh em Đại việt dân chính cũ cũng nằm im, không Cộng tác với quốc dân đảng, một số đi với Việt minh. Bàn với anh Nguyễn Tường Long, anh cũng lắc đầu.

Tình hình nội vụ xem ra không lạc quan. Trung ương Việt nam quốc dân đảng quyết định tổ chức biểu tình ở các nơi để dấy động quần chúng. Khẩu hiệu được đưa ra là Chính phủ phải kháng chiến thực sự, Chống việc quân Pháp đổ bộ lên miền Bắc, Đoàn kết toàn dân, đình chỉ khủng bố.

Tại Hà Nội, cuộc biểu tình thu hút được độ 2 ngàn người diễu qua Bắc Bộ Phủ, bờ hồ Hoàn Kiếm, không được như ý muốn vì người dân còn sợ Việt minh khủng bố. Theo tin ở mấy nơi ở các địa phương, thì gặp rất nhiều trở ngại do Việt minh phá hoại, ngăn trở, nên đã không thành công mấy. Bên Việt minh có đoàn Thanh niên Cứu Quốc, lôi cuốn được nhiều học sinh, sinh viên tích cực. Bàn với Trung ương rồi, cùng với mấy anh em trẻ như anh Trần Văn Tuyên, Phan Kích Nam v.v.. từ miền Trung ra, tôi soạn thảo ra bản cương lĩnh và nội quy của một đoàn thanh niên, với mục đích đấu tranh cho dân tộc, thực hiện hoàn toàn độc lập, tiến tới xây dựng một tổ quốc giàu mạnh. Phản đối đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa cộng sản quốc tế.

Đoàn Thanh niên này lấy tên là Quốc gia Thanh niên đoàn. Tôi làm Đoàn trưởng, hai phó đoàn trưởng là Trần Văn Tuyên, Phan Kích Nam, về sau khi tôi rời Hà Nội, lại thêm một phó đoàn trưởng là anh Mai Ngọc Liệu (hiện nay anh Liệu và một số anh em Quốc gia Thanh niên đoàn cũ đã sang sống tại Hoa kỳ). Sau đó ít lâu, tôi bận nhiều việc tại Trung ương, anh Tuyên bận việc Chánh văn phòng bộ Ngoại Giao với anh Tam, nên việc Đoàn thực tế do anh Phan Kích Nam (Phan Xuân Thiện), người Quảng Nam đảm nhiệm. Nam là một cán bộ rất sốt sắng và có tài tổ chức. Lấy danh nghĩa phe quốc gia để hiệu triệu, thanh niên đến tham dự cũng đông. Buổi lễ khai mạc khoá đầu tiên ở Ngũ Xã, tôi có đến nói truyện, và sau đó giữ mục Đường lối cách mạng Việt nam, theo đúng chủ trương dân tộc dân chủ và đoàn kết kháng chiến.

Không ngờ, người tham gia đoàn thanh niên này cũng khá đông, đủ các giai tầng, và gồm cả một số nữ thanh niên. Họ đều hăng hái, sốt sắng, tuy thiếu kinh nghiệm và không hiểu biết nhiều về chính trị. Đa số đều phản đối Việt minh, song cũng có một số tán thành mọi phái đều nên hợp tác để chống Pháp trước đã. Họ không ưa quân Trung Hoa, song họ lại mong Hoa quân trực tiếp giúp phe quốc gia để chống lại với Việt minh. Tình thế phức tạp và gay go lúc đó, chúng tôi chưa thể nói hết cho các anh em biết rõ. Vì chính chúng tôi cũng chưa biết sẽ biến chuyển ra sao. Vậy đối với thanh niên, lúc này trước hết cần huấn luyện riết về chính trị cũng như về quân sự tối thiểu, để có thể ứng phó với mọi thay đổi. Như vậy, sau này các đoàn viên quốc gia Thanh niên Đoàn đã đóng góp nhiều vào công việc, và khi lên chiến khu cũng đã thành những chiến sĩ thực sự không kém gì các anh em đảng viên.

Ngoài đoàn Thanh niên Quốc gia, tôi cùng với một số anh em tổ chức một đoàn tự vệ bí mật, để bảo vệ cho rrung ương và những cơ quan trọng yếu. Ngày đó, có thể nói chúng tôi hoạt động trong vòng khủng bố, lúc nào nguy hiểm cũng có thể xẩy ra. Trong thành phố Hà Nội và nhiều nơi khác, thường thường xẩy ra những vụ bắt cóc hay ám sát, đa số đối với những cán bộ trung cấp. Ra khỏi trụ sở là phải đi hai, ba người một tốp, có súng càng tốt. Buổi tối, nhất luật không được ra ngoài, trừ có việc cần thiết.

Các anh em không ai tỏ ra sợ hãi, phần lớn rất bình tĩnh như không có gì nguy hiểm. Nhưng dù sao, cũng vẫn ở trong một vị thế đối địch, luôn luôn khẩn trương. Mọi người đều nghĩ tới ngày quân Tàu sẽ rút lui, nhưng không ai công khai nói ra.

Điều kỳ lạ là, sau khi đất nước đã độc lập, mối đe dọa hàng ngày không phải từ người ngoại quốc tới, không phải từ quân Hoa, vì họ sẽ rút đi, không phải từ người Pháp, vì họ chưa tới, mà dù có tới thì cũng chỉ là một trường chiến đấu, sống hay chết nào có quan hệ gì. Mà lại chính ngay từ người mình, cùng một dân tộc. Chúng tôi làm cách mạng để chống thực dân, chứ không phải để chống lại người Việt nam. Chúng tôi hoàn toàn thực lòng muốn hợp tác với tất cả các phe người Việt khác trong mục đích chung. Kể cả người cộng sản. Bi kịch của thời ấy là chính quyền không may đã rơi vào tay đảng cộng sản Việt nam, được thấm nhuần bởi lý thuyết Mác-Lê-Stalin, giai cấp đấu tranh và chuyên chính vô sản. Giành độc lập chỉ là một bước để thực hiện lý thuyết đó. Họ không thể chia quyền với các phái khác, và cái gọi là đoàn kết của họ chỉ là bắt mọi người đều phải phục tùng. Dù trên bề mặt, có đưa ra những khẩu hiệu Độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, cốt lõi chính sách của họ vẫn là thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết. Tuy vậy, một mặt, cũng phải công nhận là đảng cộng sản Việt nam có đấu tranh chống thực dân Pháp, vì họ hiểu ràng Việt nam không độc lập thì không thực hiện được mục đích. Đó là chỗ chủ trương của họ khác với nhóm Đệ Tứ, nhóm này cho rằng giai cấp vô sản vẫn có thể đấu tranh dưới bất cứ kẻ thống trị nào, dân tộc hay ngoại bang. Vì nhóm Đệ Tứ đi ngược lại với chủ trương của họ, và Đệ Tứ lại là nhóm có khả năng đoạt quyền lãnh đạo của giai cấp thợ thuyền nhất, nên mấy lãnh tụ như Tạ Thu Thâu đã bị cộng sản thủ tiêu ngay trong những ngày đầu. Cũng như Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn... hay Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi đã thành nạn nhân sớm nhất của cộng sản. Một phần đồng bào tin tưởng rằng Chính phủ Hồ Chí Minh thực sự kháng chiến, nên cho là người đảng phái quốc gia nhẩy ra quấy rối, vì quyền lợi địa vị, lại dựa vào thế lực quân ngoại quốc. Dân chúng rất dễ tin những người bị bắt, bị thủ tiêu là phản động, cường hào ác bá, là Việt gian. Phải công nhận thủ đoạn tuyên truyền và vu cáo của người cộng sản rất có mánh lới. Trình độ hiểu biết của quần chúng chưa đủ để nhận ra, nhất là giới thanh niên bồng bột. Thêm vào đó, việc tuyên truyền của phe quốc gia chỉ giới hạn vào những giai tầng trí thức, trung lưu, mà không đi vào sâu được những giới thợ thuyền, dân nghèo, nông dân nghèo khổ.

Những hoạt động của phe quốc gia không lôi cuốn được nhiều quần chúng cũng vì những lẽ trên. Ngay tại Đệ Tam Khu, tức là từ Vĩnh Yên cho tới Lào Cai, là nơi lực lượng quốc dân đảng tụ tập đông nhất, mạnh nhất, cũng có nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Nhìn vào những tài liệu anh Phượng để lại, và quan sát trên bản đồ Bắc Kỳ, thì việc đập ngay vào mắt tôi là những cứ điểm của quốc dân đảng giống như mấy cù lao nhỏ giữa đại dương Việt minh. Trừ khu Lào Cai - Bảo Hà chiếm được một mảnh địa bàn - khá rộng nhưng toàn rừng núi - tất cả đều chỉ là mấy thị xã tỉnh lỵ cô đơn. Mỗi chỗ chỉ có vài trăm anh em, và số súng trường mỗi nơi cũng không quá một trăm khẩu. Không cần phải học qua quân sự cũng hiểu rằng đây là một điều tối kỵ trong cách bố trí trận tuyến. Việt minh lúc nào cũng có thể tới quấy nhiễu, lại còn việc tiếp tế lương thực, đạn dược, lấy đâu ra ?

Ngay tại Hà Nội, việc duy trì sinh hoạt tất yếu của ban Trung ương và các trụ sở cũng đương gặp khó khăn. Anh Chấn, phụ trách về tài chính, cho biết rằng nguồn thu nhập nay chỉ còn trông vào việc mộ quyên, và vài cơ sở kinh doanh cũng không thuận lợi lắm.

Chinh Phủ Liên hiệp Kháng Chiến đã thành lập. Nhưng nguy cơ hỗn ìoạn không vì thế mà giảm đi, nguy cơ ngày càng gần.

http://ykien.net/ntb_nuaTK11.html

Mục Lục - Xem tiếp

Aucun commentaire: