1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 27 janvier 2007

The nao la Dan Chu (4) (Pham Hong Son)

Thế Nào Là Dân Chủ? (phần 4) Phạm Hồng Sơn

--------------------------------------------------------------------------------

(Tiếp theo phần 3)

VĂN HÓA DÂN CHỦ
MỘT NỀN VĂN HÓA CỦA CÔNG DÂN

Dân chủ không chỉ là một tập hợp các tổ chức hay các định chế của nó. Một nền dân chủ lành mạnh chỉ có được trên cơ sở một nền văn hóa dân chủ của công dân. Văn hóa ở đây không nói đến nghệ thụât, văn học hay âm nhạc mà nên hiểu theo nghĩa, theo Diane Ravitch, là “cách ứng xử, thói quen và các qui phạm nhằm xác định khả năng tự quản của người dân”.

Tác giả viết tiếp “ hệ thống chính trị độc đoán khuyến khích một nền văn hóa thụ động và lãnh cảm. Chế độ đó tìm cách tạo nên tính cách công dân dễ bảo và qui phục. Ngược lại, nền văn hóa công dân của một xã hội dân chủ được xây dựng bởi các hoạt động tự do lựa chọn của các cá nhân và các tổ chức. Các công dân trong một xã hội tự do được tự theo đuổi các ham muốn của họ, được thực hiện các quyền và tự chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của họ. Họ tự quyết định cho mình mọi vấn đề từ nơi làm việc, cái họ muốn làm, nơi sinh sống, có tham gia vào đảng chính trị hay không, cái họ muốn đọc,...Đó là các quyết định mang tính cá nhân chứ không phải là chính trị.”

Văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh - các thể hiện nghệ thuật của một nền văn hóa cũng tồn tại không phụ thuộc vào chính phủ. Xã hội dân chủ có thể ủng hộ hoặc khuyến khích các nghệ sĩ, nhà văn, nhưng không đặt ra các tiêu chuẩn nghệ thuật, không quyết định giá trị sáng tác hay kiểm duyệt các tác phẩm nghệ thuật. Các nghệ sỹ không phải là nhân viên của nhà nước hay là người phục vụ cho nhà nước. Sự đóng góp trước tiên của nền dân chủ cho nghệ thuật là sự tự do - tự do sáng tạo, tự do thể nghiệm, tự do thể hiện thế giới của tinh thần và trí tuệ của nhân loại.

DÂN CHỦ VÀ GIÁO DỤC

Giáo dục là bộ phận xương sống của bất kỳ xã hội nào và càng đặc biệt quan trọng đối với nền dân chủ. Thomas Jeffeson đã viết: “ nếu một dân tộc nào hy vọng trở nên ngu dốt và tự do trong một kỷ nguyên văn minh tức là dân tộc đó đã mong muốn một điều chưa bao giờ xảy ra và cũng sẽ không bao giờ xảy ra.”

Trái với các xã hội độc đoán luôn tìm cách khắc sâu thái độ chấp nhận thụ động vào dân chúng, mục đích giáo dục trong một xã hội dân chủ là đào tạo nên những công dân có tính cách độc lập, khả năng lập luận, đầu óc phân tích mà hiện nay các tính cách công dân đó đã trở thành các phương châm, tập quán hết sức quen thuộc của thể chế dân chủ. Giáo sư Vanderbilt Chester E.Finn, Jr. đã phát biểu trước các nhà giáo dục ở Nicaragua:” Có thể ngay khi sinh ra con người đã có niềm khát khao tự do cá nhân, nhưng để có được sự tự do đó cho chính họ và con cháu họ thì con người cần phải được giáo dục, huấn luyện để có những hiểu biết về xã hội và chính trị để đòi hỏi các quyền tự do đó.”

Từ quan điểm đó, nhiệm vụ của giáo dục trong một thể chế dân chủ không chỉ để ngăn chặn sự tuyên truyền cho các chế độ độc đoán hay chỉ mang lại các giá trị chính trị trung lập. Điều đó là không thể, vì mọi nền giáo dục đều truyền tải được các giá trị có chủ đích hoặc không có chủ đích. Trên thực tế, các sinh viên có thể được dạy về các nguyên lý của dân chủ theo một tinh thần tranh luận cởi mở mà bản thân tinh thần này cũng đã là một giá trị dân chủ quan trọng, đồng thời các sinh viên cũng được khuyến khích phê phán, đả phái lối tư duy cổ điển bằng các lý luận và các nghiên cứu cẩn trọng. Có thể đó sẽ là các tranh luận gay gắt, nhưng các giáo trình giảng dạy của nền dân chủ không né tránh các sự kiện, hiện tượng có thể gây tranh cãi hoặc không dễ chịu.

Finn cho rằng: “ giáo dục đóng một vai trò độc lập trong các xã hội tự do. Trong khi các nền giáo dục của các chế độ khác chỉ là công cụ cho chính chế độ đó. Trong thể chế dân chủ thì chế độ là người phục vụ cho nhân dân - những người có khả năng lập nên, duy trì và cải tổ chế độ đó, khả năng này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng và hiệu quả của nền giáo dục mà họ đã tiếp thu. Có thể nói rằng giáo dục trong thể chế dân chủ giúp cho sự tự do phát triển mãi mãi.

XUNG ÐỘT, THỎA HIỆP, ÐỒNG THUẬN

Loài người mang trong mình rất nhiều ham muốn đôi khi trái ngược nhau. Con người vừa muốn an toàn, lại cũng ưa thích mạo hiểm; con người khát vọng tự do cá nhân nhưng lại cũng đòi hỏi sự bình đẳng.

Dân chủ cũng như thế. Rất nhiều các vấn đề căng thẳng, thậm chí nghịch lý, luôn hiện diện trong bất kỳ một xã hội dân chủ nào. Theo Laray Diamond - đồng chủ bút tạp chí Dân chủ ( Journal of Democracy) và là nhà nghiên cứu tại học viện Hoover, một nghịch lý trung tâm là sự tồn tại giữa xung đột và đồng thuận. Theo nhiều cách định nghĩa thì dân chủ không có gì khác là một tập hợp các nguyên tắc nhằm quản lý được các xung đột. Đồng thời, các xung đột cần phải được giải quyết trong khuôn khổ một số nguyên tắc nhất định và phải dẫn tới kết quả là thỏa hiệp, đồng thuận hoặc các thỏa thuận khác mà tất cả các bên đều chấp nhận nó có tính hợp pháp. Bất kể một sự thiên vị cho bên nào cũng có nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn của cam kết chung đối với xã hội. Nếu các nhóm, các tổ chức chỉ nhận thức dân chủ không hơn một diễn đàn để áp đặt các yêu cầu của mình thì xã hội có thể tan vỡ ngay trong diễn đàn đó. Nếu chính phủ dùng áp lực thái quá để đạt được sự đồng thuận hoặc đàn áp tiếng nói của dân chúng thì xã hội cũng có thể bị tan nát ngay.

Câu trả lời sẽ là không có câu trả lời đơn lẻ hoặc dễ dàng. Dân chủ không phải là một cỗ máy có thể tự hoạt động với các nguyên tắc và các cơ chế hoạt động thích hợp. Xã hội dân chủ đòi hỏi sự cam kết của các công dân cùng chấp nhận tính chất không tránh khỏi của xung đột cũng như sự cần thiết của dung hòa.

Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức được rằng rất nhiều các xung đột trong một xã hội dân chủ không phải là vấn đề loại bỏ cái “đúng” hay “ cái “sai” mà là sự diễn đạt khác nhau về quyền dân chủ và các ưu tiên trong xã hội. Có rất nhiều các tranh luận như thế tại Hoa kỳ. Ví dụ: liệu có hợp lý không khi phân bổ một tỷ lệ công việc nào đó cho các nhóm thiểu số trước đây đã bị phân biệt đối xử? Nhà nước có quyền lấy nhà của ai để mở một con đường không cần thiết? Ai có lợi khi nhà nước tìm cách cấm đốn gỗ với lý do bảo vệ thế giới hoang dã, nhưng lại ảnh hưởng tới việc làm và kinh tế của một số người sống phụ thuộc vào ngành công nghiệp gỗ? Quyền công dân có bị vi phạm không? hoặc quyền lợi của cộng đồng có được bảo vệ không? khi cảnh sát có thể bắt mọi người dừng lại một cách ngẫu nhiên để kiểm soát buôn lậu ma túy. Đó là những vấn đề không đơn giản và những qui tắc rộng lớn của dân chủ chỉ có ý nghĩa như các chỉ dẫn giúp cho việc đề cập và phân tích các vấn đề đó. Trên thực tế thì câu trả lời cũng thay đổi theo thời gian. Đó cũng là lý do nền văn hóa dân chủ được phát triển mạnh mẽ. Tối thiểu thì các cá nhân, các nhóm khác nhau buộc phải có thiện chí dung hòa sự khác nhau của các bên khác, phải thừa nhận mỗi bên đều có quyền và quan điểm hợp pháp. Các bên tham gia tranh cãi, cho dù ở cấp độ địa phương hay nghị viện, sau đó đều có thể gặp nhau trên tinh thần thỏa hiệp để tìm một giải pháp cụ thể để cùng nhau xây dựng trên những nguyên tắc chung của đa số và quyền thiểu số. Trong một số trường hợp có thể phải viện tới hình thức bỏ phiếu, nhưng thường các nhóm có thể đạt được sự đồng thuận thân thiện hoặc sự hòa giải thông qua tranh luận và thỏa hiệp. Các quá trình tranh luận, hòa giải đó sẽ mang lại lợi ích cho việc xây dựng sự tin cậy cần thiết cho các bên trong việc giải quyết các vấn đề trong tương lai.

Theo Diane Ravitch: “ Liên minh để Xây dựng” là “ Tinh hoa của hoạt động dân chủ”. Nguyên tắc đó dạy cho các bên biết cách thương lượng với nhau, biết cách thỏa hiệp và biết cách hoạt động trong khuôn khổ qui định của hiến pháp. Với mục đích để xây dựng sự liên minh, các nhóm khác nhau sẽ biết được cách tranh luận một cách hòa bình, cách theo đuổi mục đích riêng của mình một cách dân chủ và sau cùng là biết cách sống trong một thế giới của sự đa dạng.”

Dân chủ không phải là các chân lý được khám phá và bất biến, dân chủ là một cơ chế mà qua đó con người có thể đạt được chân lý một cách không hoàn hảo thông qua các va chạm và thỏa hiệp giữa các tư tưởng, giữa các cá nhân và các định chế khác nhau. Dân chủ là thực dụng. Các tư tưởng và các giải pháp cho các vấn đề không phải được dùng để chống lại một ý thức hệ cứng nhắc nào đó mà là được cố gắng thực hiện trong một thế giới thực, nơi mà các tư tưởng, các giải pháp đó được mang ra bàn luận và có thể bị thay đổi, được chấp nhận hay bị loại bỏ.

Sự tự quản cũng không thể tránh được các sai lầm hay chấm dứt được các đấu tranh về sắc tộc hoặc đảm bảo sự thịnh vượng cho kinh tế. Tuy nhiên, nó cho phép tranh luận và kiểm định lại để có thể thấy rõ sai lầm và giúp cho các nhóm, các tổ chức gặp gỡ nhau để giải quyết các khác biệt và tạo ra các cơ hội cho đổi mới và đầu tư là các động lực chính cho sự phát triển kinh tế.


CHÍNH PHỦ DÂN CHỦ
DÂN CHỦ VÀ QUYỀN LỰC

Những người theo chủ nghĩa độc đoán và một số nhà phê bình thường có một nhận thức sai lầm chung là dân chủ sẽ không đủ sức mạnh để trấn áp và không đủ quyền lực cho chính phủ để lãnh đạo. Quan điểm này sai lầm về cơ bản: các thể chế dân chủ chỉ yêu cầu sự giới hạn cho chính phủ chứ không yêu cầu chính phủ phải yếu đi. Xem lại dòng lịch sử, thực tế khi mới xuất hiện các nền dân chủ đều yếu ớt và lẻ tẻ, thậm chí ngay cả vào thời điểm thuận lợi trong thập kỷ trỗi dậy của dân chủ. Các nền dân chủ cũng không thể chống lại được qui luật của lịch sử, nó cũng bị suy sụp do các thất bại về chính trị, bị thua cuộc do các chia rẽ nội bộ hay bị phá hủy do nạn ngoại xâm. Tuy nhiên, thời gian qua các nền dân chủ cũng đã chứng tỏ được sự hồi sinh kỳ diệu của nó và chứng minh rằng: bằng sự cam kết và sự ủng hộ của các công dân, nó có thể vượt qua được các khó khăn khắc nghiệt về kinh tế, hòa giải được các chia rẽ dân tộc và xã hội và khi cần thiết thể chế dân chủ cũng chiến thắng trong các cuộc chiến.

Đó thực sự là những vấn đề về dân chủ được các nhà phê bình đề cập nhiều nhất, và đó cũng chính là các yếu tố làm cho dân chủ được hồi sinh. Các quá trình tranh luận, bất đồng và thỏa hiệp mà một số người cho là điểm yếu thì chính đó lại là các điểm rất mạnh của dân chủ. Chắc chắn, chưa có ai kết tội dân chủ vì đã đạt được hiệu quả đặc biệt khi cân nhắc các vấn đề trong tranh luận: quá trình quyết định theo cách dân chủ trong một xã hội lớn và phức tạp có thể diễn ra hỗn độn, mệt mỏi và tiêu tốn nhiều thời gian. Nhưng cuối cùng, chính phủ được thành lập dựa trên sự nhất trí của nhân dân có thể phát ngôn và hành động với sự tự tin và quyền lực mà những điều này không có trong một chế độ mà sức mạnh của nó được đặt bấp bênh trên sức mạnh quân sự hoặc trên một bộ máy của đảng không được dân bầu.

KIỂM TRA VÀ CÂN BẰNG

Một trong những đóng góp quan trọng nhất cho việc thực hiện dân chủ là sự phát triển hệ thống Kiểm tra và Cân bằng nhằm đảm bảo quyền lực chính trị được phân tán, phi tập trung. Đó là hệ thống được thiết lập trên niềm tin sâu sắc là chính phủ ưu việt nhất khi các khả năng lạm dụng quyền hạn của nó bị khống chế và khi nó càng gần gũi dân chúng.

Theo thuật ngữ thông thường thì Kiểm tra và Cân bằng có 02 nghĩa : chế độ liên bang và phân quyền.

Chế độ liên bang là sự phân chia lãnh đạo ở các mức độ địa phương, tỉnh lỵ, các bang và quốc gia. Ví dụ, Hoa kỳ là một nước cộng hòa liên bang bao gồm nhiều bang, mỗi bang đều có luật pháp riêng và quyền lực độc lập với chính phủ liên bang. Không giống như kiểu phân tán chính trị ở các quốc gia Anh, Pháp, các nước này đều có một cấu trúc chính trị nhất thể, các bang của Hoa kỳ không thể bị xóa bỏ hoặc thay đổi bởi chính phủ liên bang. Mặc dù sức mạnh ở cấp độ quốc gia tại Hoa kỳ tăng lên rất nhiều so với quyền lực của các bang trong thế kỷ 20, các bang vẫn lĩnh các trách nhiệm lớn trong các lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, giao thông và thực thi pháp luật. Trong các hệ thống chính trị tập trung hoặc nhất thể, các lĩnh vực đó do chính phủ quốc gia quản lý. Đổi lại, mỗi bang của Hoa kỳ thường phải tuân theo kiểu mẫu của liên bang bằng cách ủy quyền nhiều chức năng như trường học, sở cảnh sát cho các cộng đồng địa phương. Sự phân chia sức mạnh và quyền lực trong một hệ thống liên bang chưa bao giờ diễn ra một cách suôn sẻ, trật tự. Ví dụ, các tổ chức liên bang, bang và địa phương có thể có các kế hoạch trùng nhau hoặc mâu thuẫn với nhau. Nhưng chính quyền liên bang vẫn muốn tăng tối đa các cơ hội cho công dân của mình tham gia tích cực vào các hoạt động của xã hội dân chủ.

Ở nghĩa thứ hai, Kiểm tra và Cân bằng nhằm nói đến sự chia tách quyền lực mà các nhà xây dựng hiến pháp Hoa kỳ 1789 đã dày công dựng lên để đảm bảo sức mạnh chính trị sẽ không bị tập trung vào trong một nhóm thế lực của chính phủ quốc gia. James Madison, người được coi là giữ vai trò chính trong việc soạn thảo bản hiến pháp Hoa kỳ, sau này là tổng thống thứ 04 của Hoa kỳ, đã viết:” Sự tập trung tất cả quyền lực, quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp vào trong cùng một bàn tay có thể chính thức được gọi là sự bất công và bạo tàn.”

Phân chia quyền lực là một thuật ngữ gây hiểu sai trong một số cách dùng vì hệ thống bị phân chia bởi Madison và những người soạn thảo Hiến pháp khác đề cập đến có ý nghĩa là một hệ thống bao gồm nhiều phần hơn là quyền lực bị tách biệt. Ví dụ, quyền lập pháp là thuộc quốc hội, nhưng các luật đã được thông qua quốc hội có thể bị phủ quyết bởi tổng thống. Ngược lại, để phủ quyết lại quyết định của tổng thống, quốc hội buộc phải tập hợp đủ 2/3 đa số biểu quyết trong cả hạ viện lẫn thượng viện. Tổng thống chỉ định các đại sứ, các thành viên chính phủ và chịu trách nhiệm đàm phán các hiệp ước quốc tế, nhưng tất cả các quyết định đó phải có sự chấp thuận của thượng nghị viện. Việc chọn các thẩm phán cũng tương tự như thế. Với một ví dụ khác, hiến pháp qui định chỉ có quốc hội mới có quyền tuyên bố chiến tranh, mặc dù tổng thống là tổng chỉ huy các lực lượng quân đội, đó cũng chính là nguồn gốc của sự căng thẳng giữa hai phe trong suốt thời gian chiến tranh Việt nam những năm 1960 và đầu những năm 1970 và trong cuộc xung đột ngắn vùng vịnh 1990-1991. Do sự cần thiết phải có chấp thuận của quốc hội thì các dự án chính trị mới có hiệu lực, nhà nghiên cứu chính trị Richard Neustadt đã mô tả quyền lực của tổng thống Hoa kỳ là “ không phải là quyền lực ra lệnh mà là quyền lực thuyết phục.”

Hiến pháp không thể qui định cụ thể mọi Kiểm tra và Cân bằng đối với chính phủ liên bang. Một số được rút ra trong quá trình thực hiện và qua các tiền lệ. Có thể coi một phát hiện quan trọng nhất cho Kiểm tra và Cân bằng là học thuyết tái kiểm tư pháp (judicial review), được rút ra trong một vụ án năm 1803, học thuyết này cho phép tòa án tối cao Hoa kỳ có quyền tuyên bố các quyết định trái với hiến pháp quốc hội.

Sự phân chia quyền lực trong hệ thống Hoa kỳ thường không đơn giản và nhanh chóng, nhưng nó mang lại một sự an toàn quan trọng để chống lại khả năng lạm dụng quyền lực của chính phủ - một vấn đề mà mọi nền dân chủ phải đối mặt.

THỦ TƯỚNG VÀ TỔNG THỐNG

Một trong các quyết định quan trọng nhất của một nền dân chủ là phương pháp bầu ra các vị lãnh đạo và các vị đại diện cho nền dân chủ đó. Nói chung, có hai cách lựa chọn. Một cách theo hệ thống nghị viện trong đó đảng chiếm đa số trong cơ quan lập pháp hoặc liên minh các đảng sẽ thành lập chính phủ, đứng đầu là thủ tướng. Hệ thống chính phủ nghị viện đầu tiên được thực hiện ở Anh, ngày nay được áp dụng tại phần lớn các nước châu Âu, vùng Caribê, Canađa, Ấn độ và nhiều nước tại châu Phi, châu Á ( thường là thuộc địa cũ của Anh). Một cách thường gặp khác là bầu trực tiếp tổng thống độc lập với cơ quan lập pháp. Hệ thống tổng thống ngày nay được áp dụng rất nhiều tại châu Mỹ-Latinh, Philipin, Pháp, Ba lan và Hoa kỳ.

Điểm khác biệt chính giữa hai hệ thống nghị viện và tổng thống là quan hệ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp. Trong hệ thống nghị viện, lập pháp và hành pháp nói chung là một và cùng như nhau, thủ tướng và các thành viên của chính phủ đều lấy từ nghị viện. Nhiệm kỳ của chính phủ được qui định rõ ràng ví dụ 4 hoặc 5 năm, trừ khi thủ tướng bị mất quyền đa số tại nghị viện. Khi đó chính phủ phải giải tán và tổ chức bầu cử lại, hoặc người đứng đầu nhà nước là tổng thống hoặc quốc vương lập hiến ( có vai trò lãnh đạo tượng trưng) cho phép chủ tịch một đảng khác đứng ra lập chính phủ mới. Sự phân chia quyền lực theo kiểu hệ thống tổng thống Hoa kỳ là không có vì nghị viện là định chế lãnh đạo tối cao. Đổi lại, để đảm bảo có sự kiểm tra và cân bằng đối với quyền lực của chính phủ, hệ thống nghị viện phụ thuộc cực lớn vào các động lực chính trị trong nội tại của nghị viện. Điều đó thường tạo nên dạng đảng đối lập có tổ chức đơn độc như “cái bóng” của chính phủ hoặc dạng cạnh tranh giữa rất nhiều các đảng đối lập.

Trong hệ thống tổng thống thì cả hai vị trí đứng đầu nhà nước và chính phủ đều thuộc văn phòng tổng thống. Tổng thống được bầu trực tiếp từ dân chúng cho một nhiệm kỳ xác định. Các thành viên của quốc hội cũng được bầu tương tự. Như một yếu tố phân quyền, các thành viên của văn phòng tổng thống thường không phải là các đại biểu quốc hội. Tổng thống thường chỉ bị phế truất trước nhiệm kỳ khi phạm những tội nghiêm trọng hoặc có những hành động nguy hiểm đối với nhà nước. Phần đa số trong cơ quan lập pháp ủng hộ cho đảng của tổng thống có thể tạo thuận lợi cho việc chấp thuận các chương trình chính trị, nhưng không như các thủ tướng, các tổng thống không phụ thuộc vào các đa số như thế để được tồn tại hay không.

NHỮNG NGƯỜI ÐẠI DIỆN

Một quyết định quan trọng khác của nền dân chủ là tiến hành bầu cử như thế nào. Chúng ta lại có 02 cách lựa chọn: bầu cử theo kiểu đa số tương đối hoặc bầu cử theo đại diện theo tỷ lệ.

Bầu cử theo đa số tương đối, đôi khi được hiểu như kiểu “ người thắng được tất”, có nghĩa là ứng cử viên chiếm đa số phiếu trong một khu vực xác định sẽ là người chiến thắng cho dù là đa số tương đối ( dưới 50% nhưng lớn hơn các đối thủ khác) hay là đa số tuyệt đối ( trên 50%). Tổng thống cũng được bầu theo cách đó, nhưng ở cấp độ quốc gia. Một số hệ thống cho phép bầu lại ( đua lại) giữa hai ứng cử viên lớn nhất nếu không có ai chiếm được đa số tuyệt đối trong vòng đầu. Bầu cử theo đa số có xu hướng phù hợp khi có hai đảng chính trị lớn có khả năng chi phối toàn bộ tình hình chính trị.

Ngược lại, các cử tri trong hệ thống bầu cử theo kiểu đại diện theo tỷ lệ, như thường thấy ở các nước châu Âu, tính phiếu bầu cho các đảng chứ không cho các cử tri cá nhân. Đại diện của các đảng trong cơ quan lập pháp phụ thuộc vào số phần trăm hay tỷ lệ số phiếu đảng đó thu được trong bầu cử. Trong hệ thống nghị viện, người đứng đầu đảng chiếm đa số tuyệt đối sẽ trở thành thủ tướng và có quyền lựa chọn các thành viên cho chính phủ từ nghị viện. Nếu không có đảng nào chiếm đa số tuyệt đối, các đảng phải cùng nhau thương lượng để thành lập một liên minh các đảng cầm quyền. Bầu cử theo kiểu đại diện theo tỷ lệ có xu hướng phù hợp với tình hình có nhiều đảng, thường các đảng phải tự tìm cách thương lượng với nhau để có được vị trí trong chính phủ liên minh, cho dù các đảng đều có một tỷ lệ tương đối nhỏ cử tri trung thành.

NGHỊ VIỆN VÀ TỔNG THỐNG

Một trong những tính chất cơ bản của hệ thống nghị viện (hệ thống ngày nay đã trở thành đa số của các nền dân chủ) là sự phản ứng nhanh và linh hoạt. Các chính phủ nghị viện, đặc biệt là các chính phủ được bầu theo đại diện theo tỷ lệ, có xu hướng tiến tới hệ thống đa đảng trong đó cả những nhóm chính trị tương đối nhỏ cũng được hiện diện trong cơ quan lập pháp. Như thế, kể cả các nhóm rất thiểu số vẫn có thể tham gia vào quá trình quyết định chính trị ở mức độ cao nhất của chính phủ. Tính đa dạng này tạo điều kiện cho các đảng đối thoại và thỏa hiệp khi phải cùng nhau thành lập liên minh cầm quyền. Do đó khi liên minh sụp đổ hay đảng mất quyền, thủ tướng từ chức, phải thành lập chính phủ mới hoặc cả khi tiến hành bầu cử lại vẫn không có sự khủng hoảng đe dọa hệ thống dân chủ.

Điểm yếu chính của hệ thống nghị viện nằm ở mặt tối của sự linh hoạt và sự phân chia quyền lực: đó là tính không ổn định. Các liên minh đa đảng có thể mong manh và sụp đổ ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng chính trị và dẫn tới chính phủ chỉ tồn tại được trong thời gian khá ngắn. Chính phủ có thể cũng phải viện tới sự khoan dung của các đảng cực đoan khi các đảng đó ép chính phủ phải đưa ra các chính sách đặc biệt bằng cách đe dọa rút khỏi liên minh cầm quyền hoặc buộc chính phủ từ chức. Hơn nữa, thủ tướng chỉ là người đứng đầu một đảng chứ không phải là người có quyền do nhân dân trực tiếp bầu ra.

Một vấn đề nữa là thiếu sự kiểm tra chính thức đối với quyền tối cao của nghị viện. Ví dụ, một đảng chính trị với đa số đủ lớn trong nghị viện có thể phê chuẩn một chương trình chính trị xa vời, phi dân chủ mà không có các giới hạn cần thiết đối với các hành động đó, khi đó sẽ tạo ra một viễn cảnh bất công của sự đa số.

Đối với hệ thống tổng thống, các tính chất cơ bản là trách nhiệm trực tiếp, tính liên tục và sức mạnh. Các tổng thống do nhân dân bầu cho một nhiệm kỳ nhất định có thể khẳng định quyền lực của mình từ bầu cử trực tiếp mang lại, cho dù vị trí đảng của tổng thống có vị trí nào trong nghị viện. Bằng cách tạo ra sự phân chia nhưng về lý thuyết thường các nhóm là ngang nhau trong chính phủ, hệ thống tổng thống tìm cách làm cho các định chế lập pháp và hành pháp mạnh mẽ, mỗi định chế đều có khả năng yêu cầu nhân dân cho quyền và mỗi định chế đều có khả năng kiểm tra và cân bằng các định chế khác. Những người lo sợ khả năng bất công trong hành pháp sẽ nhờ đến vai trò của quốc hội, những người lo lắng sự lạm dụng đa số nhất thời trong cơ quan lập pháp sẽ viện tới quyền của tổng thống.

Điểm yếu của việc bầu riêng biệt cơ quan lập pháp và tổng thống là khả năng bế tắc khi cần quyết định. Tổng thống có thể không đạt được biếu quyết của quốc hội cho các chương trình đề xuất, nhưng tổng thống cũng có thể tránh cho quốc hội phải thay thế các chương trình lập pháp bằng cách sử dụng quyền phủ quyết của mình.

Đương nhiên do được bầu trực tiếp, các tổng thống có thể có nhiều quyền lực hơn các thủ tướng. Tuy nhiên, tổng thống buộc phải đấu tranh với cơ quan lập pháp cho dù cơ quan lập pháp có bị khống chế bởi đảng đối lập hay không vì cơ quan lập pháp được bầu độc lập với tổng thống. Do đó, vấn đề kỷ luật đảng cũng không mạnh như hệ thống nghị viện, ví du: tổng thống không thể khai trừ hay kỷ luật các thành viên của đảng có ý chống đối như thủ tướng thường làm. Trong khi thủ tướng, với lợi thế đa số chắc chắn trong nghị viện, có thể đảm bảo được chấp thuận cho các chương trình lập pháp đề xuất. Ngược lại, tổng thống thường phải thương lượng kéo dài với cơ quan lập pháp với những nghi ngại về các đặc quyền của họ để đảm bảo đạt được sự chấp thuận cho các đề xuất của mình.

Hệ thống nào đáp ứng tốt nhất cho các yêu cầu của nền dân chủ lập hiến: kiểu nghị viện hay kiểu tổng thống? Câu trả lời thuộc về cuộc tranh luận đang còn tiếp diễn giữa các nhà nghiên cứu chính trị và các chính trị gia, một phần do mỗi hệ thống đều có những điểm mạnh và yếu riêng của nó. Tuy nhiên, chúng ta nên ghi nhận là cả hai hệ thống đó đều phù hợp với nền dân chủ lập hiến, mặc dù không có hệ thống nào đảm bảo cho sự thành công.

The nao la Dan Chu (5) (Pham Hong Son)

Aucun commentaire: