1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 27 janvier 2007

The nao la Dan Chu (3) (Pham Hong Son)

Thế Nào Là Dân Chủ? (phần 3) Phạm Hồng Sơn

--------------------------------------------------------------------------------

(Tiếp theo phần 2)

NGUYÊN TẮC CỦA LUẬT PHÁP
SỰ BÌNH ÐẲNG VÀ LUẬT PHÁP

Quyền bình đẳng trước pháp luật hay sự bảo vệ bình đẳng của luật như vẫn được phát biểu là một yếu tố cơ bản đối với bất kỳ một xã hội công bằng và dân chủ nào. Bất kể giàu hay nghèo, đa số vô thần hay thiểu số tôn giáo, liên minh chính trị của nhà nước hay phe đối lập, tất cả đều được hưởng sự bảo hộ bình đẳng của pháp luật.

Nhà nước dân chủ không đảm bảo là cuộc sống sẽ đối xử bình đẳng với tất cả mọi người do đó nó cũng không có trách nhiệm để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, John P. Frank - chuyên gia về luật hiến pháp đã viết: “ Nhà nước không được áp đặt thêm các điều bất công cho xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà nước cần phải đối xử công bằng và bình đẳng với tất cả mọi người dân của nó”.

Không ai có quyền cao hơn luật, hơn nữa, luật chính là sáng tạo của con người chứ không phải là sự áp đặt lên con người. Công dân của thể chế dân chủ cầu viện tới luật vì họ hiểu rằng, bằng cách gián tiếp, họ đang cầu viện tới chính họ - là những người đã tạo ra luật. Khi luật được xây dựng bởi chính người dân - người phải phục tùng luật đó sau này thì khi đó cả luật và dân chủ sẽ cùng được thực thi.

THỰC THI ÐÚNG CÁCH

Frank chỉ ra rằng trong bất kỳ một xã hội nào của lịch sử thì những người nắm quyền quản lý hệ thống tư pháp hình sự đều có khả năng dẫn tới sự lạm dụng và dễ có hành động bất công. Nhân danh nhà nước, các cá nhân có thể bị bỏ tù, tài sản bị tịch thu, bị hành hạ, bị đi đầy và bị hành quyết mà không có sự chứng minh hợp pháp, và thường cũng không có một kết tội công khai nào. Không có một xã hội dân chủ nào chấp nhận những lạm dụng như thế.

Mọi nhà nước bắt buộc phải có quyền lực để duy trì trật tự và xử phạt tội phạm, nhưng các nguyên tắc và thủ tục để nhà nước thực thi pháp luật bắt buộc phải được công khai, rõ ràng, không che dấu, không tùy tiện, không được sử dụng vào mục đích chính trị của nhà nước.

CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN ÐỂ THỰC THI LUẬT ÐÚNG CÁCH TRONG MỘT THỂ CHẾ DÂN CHỦ




Cảnh sát không có quyền vào và lục soát bất kỳ ngôi nhà của người dân nào nếu không có lệnh của tòa án với lý do rõ ràng. Thể chế dân chủ không cho phép cảnh sát mật gõ cửa nhà dân vào lúc nửa đêm.

Không ai bị bắt, giam giữ nếu không có văn bản rõ ràng chỉ ra sự vi phạm. Những người đó không phải chỉ được biết lý do chính xác của sự kết tội chống lại họ mà còn phải được trả tự do ngay lập tức nếu tòa thấy sự kết tội đó không có chứng cứ và sự bắt giữ là vô lý.

Không được kéo dài thời gian giam giữ đối với người bị cho là có tội, họ cần phải được đưa ra xét xử trước công luận một cách không chậm trễ, được đối diện và chất vấn trước những người kết tội họ.

Nhà chức trách phải chấp nhận thả tự do khi người bị coi là có tội đã đóng tiền bảo lãnh hoặc theo một số điều kiện nào đó trong khi chờ phiên tòa xét xử, nếu như ít có nguy cơ người đó trốn chạy hay gây thêm tội ác. Các hình phạt độc ác hay bất bình thường so với truyền thống hay qui luật của xã hôi phải được ngăn cấm.

Không ai có thể bị cưỡng ép tự làm chứng chống lại họ. Cần phải nghiêm cấm tuyệt đối mọi hành động tự kết tội một cách cưỡng bức. Như một hệ quả tất yếu, cảnh sát không được sử dụng sự hành hạ hoặc sự lạm dụng về thân thể hay tinh thần đối với người bị tình nghi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hệ thống luật pháp trong đó ngăn cấm sự thú tội cưỡng bức sẽ làm giảm ngay lập tức động cơ của cảnh sát sử dụng sự hành hạ, đe dọa hoặc bất kỳ một hình thức lạm dụng nào để có được thông tin, ngay cả tòa án cũng không cho phép đưa các thông tin kiểu đó ra trước tòa xét xử để chứng minh.

Mọi người đều không thể bị kết tội kép: không thể bị kết tội hai lần cho cùng một tội. Bất kỳ người nào đã được tòa xử vô tội đều có thể không bao giờ bị kết tội lại với cùng hành vi đó.

Vì khả năng lạm dụng quyền của các nhà chức trách, do đó mọi luật ex post facto đều bị bãi bỏ ( luật ex post facto là các luật được xây dựng sau khi đã xảy ra sự kiện để người nào đó có thể bị kết án cho dù điều luật đó không có hiệu lực vào thời điểm xảy ra sự kiện).

Bị đơn có thể có thêm sự bảo hộ để chống lại các cưỡng bức của nhà nước. Ví dụ tại Hoa kỳ, người bị kết tội có quyền có luật sư làm đại diện cho họ trong suốt quá trình tiến hành tố tụng kể cả khi chính bản thân họ không đủ tiền để chi phí cho sự đại diện hợp pháp đó. Cảnh sát phải thông báo cho người bị tình nghi về các quyền của họ vào lúc bị bắt, kể cả quyền có luật sư, quyền giữ im lặng ( để tránh cưỡng bức nhận tội).


Một thủ đoạn bất công thường thấy là kết tội các bên đối lập vào tội phản bội tổ quốc ( phản quốc). Do đó, tội phản quốc bắt buộc phải được giới hạn một cách thận trọng về định nghĩa để nó không bị lợi dụng trở thành vũ khí dập tắt mọi phê phán, góp ý đối với chính phủ. Các giới hạn đó không có nghĩa là làm suy giảm quyền lực của nhà nước để thực thi luật pháp và trừng phạt tội phạm. Mà ngược lại, hệ thống tư pháp hình sự trong một xã hội dân chủ sẽ đạt được hiệu quả khi sự quản lý của nó được chính người dân đánh giá là công bằng và có tác dụng bảo vệ cho mọi quyền cá nhân cũng như lợi ích chung của xã hội.
Các thẩm phán có thể được chỉ định hay được bầu cho một nhiệm kỳ giới hạn hoặc vô hạn. Mặc dù được chọn, nhưng điều cốt yếu là họ phải độc lập, không bị phụ thuộc vào thế lực chính trị cầm quyền để đảm bảo tính vô tư trong công việc.

Các thẩm phán không thể bị truất quyền nếu chỉ vì các lý do không quan trọng hay chỉ thuần túy vì chính trị,họ chỉ bị truất quyền khi phạm các tội nghiêm trọng hoặc có hành động nguy hiểm và phải tiến hành theo đúng các thủ tục tố tụng và đưa ra tòa xét xử.

HIẾN PHÁP

Nền tảng chính xây dựng nên một chính phủ dân chủ đó là hiến pháp - đó là sự tuyên bố chính thức các qui định, các giới hạn, các thủ tục và các định chế. Hiến pháp của một quốc gia là bộ luật tối cao của lãnh thổ đó, và tất cả mọi công dân, từ thủ tướng tới người dân đều chịu sự chi phối của nó. Ở mức độ tối thiểu, hiến pháp ( thường được hệ thống hóa thành một văn bản duy nhất) xây dựng quyền lực cho chính phủ quốc gia, mang lại sự đảm bảo cho các quyền cơ bản của con người và đưa ra các thủ tục hoạt động cơ bản cho chính phủ.

Mặc dù phải có tính ổn định và phổ quát, hiến pháp cũng buộc phải có khả năng thay đổi và bổ xung khi hiến pháp trở nên lạc hậu. Hiến pháp bằng văn bản lâu đời nhất là hiến pháp Hoa kỳ, bao gồm bảy điều chính và 27 phần bổ xung. Tuy nhiên, văn bản này chỉ là nền tảng cho vô số các quyết định pháp lý, các đạo luật, các quyết định của tổng thống và các thực thi theo truyền thống đã được xây dựng qua suốt 200 năm tồn tại và làm cho Hiến pháp Hoa kỳ luôn sống động và thực tiễn.

Kiểu phát triển của hiến pháp như thế diễn ra ở mọi thể chế dân chủ. Nói chung, có hai trường phái tư tưởng về quá trình bổ xung hoặc thay đổi hiến pháp. Một trường phái chấp nhận quá trình thay đổi khó khăn, đòi hỏi nhiều bước và phải có sự chấp thuận của đa số lớn. Như thế, hiến pháp ít bị thay đổi và chỉ thay đổi khi có các lý do bắt buộc cùng với sự ủng hộ của công chúng. Đây chính là mô hình của Hiến pháp Hoa kỳ, là sự công bố ngắn gọn các nguyên tắc tổng quát, các quyền lực và các giới hạn đối với chính phủ, đồng thời liệt kê rõ ràng và chi tiết hơn về các trách nhiệm, các thủ tục của chính phủ, cũng như chỉ rõ các quyền cơ bản của công dân trong điều khoản về đạo luật các quyền.

Một cách khác đơn giản hơn để bổ xung, thay đổi hiến pháp mà nhiều quốc gia hiện đang sử dụng là các bổ xung có thể được chấp nhận bởi cơ quan lập pháp và được thông qua các cử tri trong lần bầu cử tiếp theo. Các hiến pháp thay đổi theo cách này có thể khá dài, với những điều khoản cụ thể mà chúng chỉ khác chút ít so với phần tổng quát của pháp luật.

Chưa có một hiến pháp nào như hiến pháp Hoa kỳ, được viết trong thế kỷ 18, lại có thể tồn tại không thay đổi cho tới tận cuối thế kỷ 20. Tương tự, không có một hiến pháp nào đang có hiệu lực ngày hôm nay có thể tồn tại cho tới thế kỷ tới mà không có khả năng thay đổi - mặc dù vẫn phải bám sát theo các nguyên tắc về quyền cá nhân, thực thi đúng cách và chính phủ dựa trên sự nhất trí của người dân.


BẦU CỬ
MẤU CHỐT CỦA BẦU CỬ

Bầu cử là một định chế trọng tâm của các chính phủ dân chủ kiểu đại diện. Vì trong một nền dân chủ, quyền lực của nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân ( người bị quản lý). Cơ chế căn bản để chuyển sự nhất trí đó thành quyền lực nhà nước là tổ chức bầu cử tự do và công bằng.

Tất cả các nền dân chủ hiện đại đều tổ chức bầu cử, nhưng không phải tất cả các cuộc bầu cử đều là dân chủ. Các chế độ độc tài cánh hữu (right-wing dictatorships), các chế độ Mácxít và các chế độ độc đảng cũng tiến hành bầu cử để hợp pháp hóa cho quyền lực của họ. Trong các cuộc bầu cử như thế, có thể chỉ có một ứng cử viên hoặc một nhóm ứng cử viên mà không có sự lựa chọn nào khác. Các cuộc bầu cử đó có thể đề cử nhiều ứng cử viên cho một vị trí, nhưng chỉ có các ứng cử viên được sự chấp thuận của chính phủ mới được đảm bảo chọn lựa với những thủ thuật hoặc sự hăm dọa các ứng cử viên khác. Một số cuộc bầu cử có thể có sự lựa chọn thực sự, nhưng chỉ được thực hiện trong nội bộ đảng cầm quyền. Tất cả các loại bầu cử đó đều không phải dân chủ.

THẾ NÀO LÀ BẦU CỬ DÂN CHỦ?

Jaene Kirkpatrick, nhà nghiên cứu và cựu đại sứ Hoa kỳ tại Liên hợp quốc đã đưa ra định nghĩa sau: “ Các cuộc bầu cử dân chủ không đơn thuần là biểu tượng cho một thể chế, mà là các hoạt động mang tính chất cạnh tranh, định kỳ, đầy đủ và xác định, trong đó các nhân vật chủ chốt của chính phủ được bầu lên do chính những công dân được hưởng quyền tự do phê phán, chỉ trích chính phủ, xuất bản các phê phán và đề xuất các lựa chọn khác một cách công khai.”

Nguyên tắc trên đây của Kirkpatrick muốn nói lên điều gì?

Đó là các cuộc bầu cử dân chủ mang tính cạnh tranh. Các đảng đối lập và các ứng cử viên phải được hưởng quyền tự do ngôn luận, quyền tập hợp nhau và biểu tình khi cần thiết để thể hiện tiếng nói phê phán chính phủ một cách công khai và giới thiệu các chính sách cũng như các ứng cử viên cho cử tri. Việc đơn giản chấp nhận phe đối lập tham dự bỏ phiếu kín cũng chưa đủ là dân chủ. Bầu cử mà trong đó phe đối lập bị cấm sử dụng các phương tiện thông tin phát sóng (radio, TV) hoặc bị sách nhiễu hoặc các tờ báo của họ bị kiểm duyệt thì cũng không phải là dân chủ. Đảng cầm quyền có thể được hưởng lợi thế trong phân chia vị trí trí cầm quyền, nhưng các nguyên tắc và cách thức bầu cử phải công bằng.

Tính Định kỳ của bầu cử dân chủ: Các thể chế dân chủ không bầu các nhà độc tài hay các tổng thống cho cả đời họ. Các công chức được bầu phải có trách nhiệm với nhân dân và họ phải quay lại gặp các cử tri theo định kỳ để có được sự nhất trí cho họ tiếp tục giữ quyền hay không. Nghĩa là các công chức trong thể chế dân chủ phải chấp nhận rủi ro có thể bị bãi miễn khỏi chức vụ. Chỉ có một ngoại lệ đó là vị trí thẩm phán, để ngăn cách họ khỏi áp lực của công chúng và đảm bảo tính vô tư trong công việc, các thẩm phán có thể được bầu hoặc chỉ định suốt đời và chỉ bị phế truất khi mắc các sai lầm nghiêm trọng.

Tính Đầy đủ của bầu cử dân chủ: Việc xác định các công dân và cử tri phải đủ rộng để bao gồm một tỷ lệ lớn các công dân trưởng thành. Một chính phủ do một nhóm nhỏ và độc quyền lựa chọn không phải là dân chủ, cho dù cách thể hiện hoạt động của nó là dân chủ. Một trong những đấu tranh vĩ đại của dân chủ trong lịch sử là cuộc đấu tranh của những nhóm bị khai trừ ( sắc tộc, tôn giáo,phụ nữ ) đòi quyền công dân đầy đủ để có quyền bầu cử và đề cử vào các vị trí lãnh đạo. Ví dụ, tại Hoa kỳ, khi Hiến pháp ký vào năm 1787 thì chỉ những người da trắng sở hữu tài sản mới có quyền bầu cử và đề cử. Tiêu chuẩn sở hữu này chấm dứt vào đầu thế kỷ 19 và tới năm 1920 phụ nữ mới giành được quyền bầu cử. Đối với người Mỹ da đen thì mãi tới phong trào đòi quyền dân chủ diễn ra vào những năm 1960 mới giành được quyền bầu cử đầy đủ tại phía nam Hoa kỳ. Và cuối cùng, tới năm 1971 các công dân trẻ tuổi mới được trao quyền bầu cử khi Hoa kỳ hạ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18 tuổi.

Tính Xác định của bầu cử dân chủ: bầu cử dân chủ để xác định sự lãnh đạo cho chính phủ. Những vị đại diện cho dân chúng được bầu thông qua hình thức phổ thông để nắm quyền lực mà quyền lực này sẽ bị luật pháp và hiến pháp chi phối, điều chỉnh. Họ không phải là những nhà lãnh đạo bù nhìn hay tượng trưng.

Sau cùng, các cuộc bầu cử dân chủ không bị hạn chế trong việc lựa chọn các ứng cử viên. Các cử tri cũng có thể phải quyết định các vấn đề chính sách một cách trực tiếp thông qua trưng cầu dân ý và các sáng kiến được đưa vào bỏ phiếu kín. Ví dụ, tại Hoa kỳ, các vấn đề lập pháp có thể phải quyết định trực tiếp trước các cử tri. Khi có một sáng kiến luật, chính các công dân có thể thu thập một số lượng chữ ký đủ theo qui định ( thường theo tỷ lệ % số cử tri đăng ký tại chính phủ) và yêu cầu vấn đề đó phải được đưa ra bỏ phiếu trong lần tiếp theo, ngay cả khi có sự phản đối của cơ quan lập pháp chính phủ hay thống đốc. Như tại bang California, các cử tri phải xử lý hàng tá các sáng kiến luật mỗi khi tổ chức bầu cử, từ những vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường tới vấn đề giá bảo hiểm ô-tô.

ÐẠO ÐỨC DÂN CHỦ VÀ PHE ÐỐI LẬP TRUNG THÀNH

Các nền dân chủ được phát triển trên cơ sở tính công khai và tính trách nhiệm, với một điểm đặc biệt quan trọng là hành động tự bầu cử. Để loại bỏ hình thức tự do bỏ phiếu kín và hạn chế tối đa khả năng hăm dọa khi bầu cử, cử tri phải được quyền loại bỏ các hoạt động bỏ phiếu kín bí mật, đồng thời phải bảo vệ được các thùng phiếu và việc kiểm phiếu phải được tiến hành công khai tối đa có thể, khi đó các công dân mới tin tưởng rằng kết quả bầu cử là chính xác và chính phủ đã được thành lập do chính sự nhất trí của họ.

Một trong những khái niệm khó khăn nhất để một số người chấp nhận, đặc biệt là ở những quốc gia đang trải qua thời kỳ chuyển giao quyền lực có tính chất lịch sử trước mũi súng là khái niệm “ phe đối lập trung thành”. Tuy nhiên, ý tưởng này lại có tính chất sống còn cho dân chủ, khái niệm này có nghĩa là các bên trong một thể chế dân chủ cùng chia sẻ một cam kết chung hướng tới các giá trị cơ bản của xã hội. Các đối thủ chính trị không cần thiết phải thương yêu nhau, nhưng họ phải biết chấp nhận nhau và thừa nhận vai trò quan trọng và hợp pháp của nhau. Hơn nữa, các nguyên tắc cơ bản của xã hội phải khuyến khích sự dung hòa và sự lễ độ trong các tranh luận xã hội.

Khi bầu cử kết thúc, người thua cuộc chấp nhận sự quyết định của cử tri. Nếu đảng cầm quyền thua cuộc, sự chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra một cách hòa bình. Cho dù ai thắng cuộc, các bên đều nhất trí hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề chung của xã hội. Những người thua cuộc, nay trở thành bên đối lập chính trị, biết rằng họ sẽ không bị mất cuộc sống hay phải ra tòa. Ngược lại, bên đối lập, cho dù họ gồm một hay nhiều đảng phái khác nhau, có thể tiếp tục tham gia vào đời sống xã hội với một nhận thức là họ đang đóng vai trò quan trọng trong một nền dân chủ xứng đáng với tên gọi như thế. Không phải họ trung thành với các chính sách cụ thể của chính phủ mà họ trung thành với tính hợp pháp cơ bản của nhà nước và trung thành với quá trình dân chủ.

Khi tới lần bầu cử tiếp theo, các đảng đối lập lại có cơ hội để cạnh tranh quyền lực. Hơn nữa, xã hội đa nguyên, do số người nắm quyền lực trong chính phủ chỉ có giới hạn, còn tạo cơ hội tranh cử cho những người thua cuộc vào các vị trí quyền lực công cộng khác ngoài chính phủ. Những người thua cuộc trong bầu cử có thể lựa chọn tiếp tục hoạt động như một đảng đối lập chính thức, hoặc họ cũng có thể quyết định tham gia vào các hoạt động chính trị, các tranh luận công cộng thông qua viết sách báo, giảng dạy hoặc liên kết với các tổ chức tư nhân quan tâm tới các vấn đề chính sách xã hội. Cuối cùng, bầu cử dân chủ không phải là cuộc chiến đấu một mất một còn mà chỉ là sự cạnh tranh để được phục vụ xã hội.

The nao la Dan Chu (4) (Pham Hong Son)

Aucun commentaire: