Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền Đã Tử Đạo Thế Nào ?Lời Chứng của Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý
(LÊN MẠNG Chủ nhật 14, Tháng Giêng 2001)
1_1. Đức Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền trước 1975
Đức Cố TGM Điền, sinh năm 1921, nguyên là một Linh mục xuất sắc về đạo đức và trí thức của Giáo phận Sài Gòn. Làm Linh mục ít lâu, Ngài đã trở nên một trong những thành viên đầu tiên của Dòng Tiểu Đệ Phúc Ấm theo tinh thần của Cha Charles de Foucault do Cha René Voillaume thành lập. Từ đó, Ngài đạp xích lô để mưu sinh và gần gũi với giới lao động. Năm 1960, Ngài được chọn làm Giám mục Cần Thơ. Năm 1964, Ngài được chọn làm Giám quản Tông Tòa Tòa TGM Huế. Ít lâu sau Ngài chính thức làm TGM Huế. Ngài thánh thiện, hiền từ, kín đáo, tế nhị đến nỗi Ngài làm Giám mục ở Huế suốt 11 năm, trừ một căn phòng nhỏ Ngài dùng để ngủ, còn lại tất cả các phòng khác trong Tòa TGM Huế cách bày biện trang trí Ngài vẫn cố tình để y nguyên như thời Đức TGM Phêrô Ngô Đình Thục, để đợi Đức TGM Thục trở về, ngay cả cái ghế mỗi ngày Ngài quì chầu Mình Thánh Chúa cả tiếng đồng hồ, Ngài cũng để y nguyên như thời Đức TGM Thục vậy. Đặc biệt là Ngài rất cẩn thận để Giáo Hội tách biệt khỏi chính trị thế tục, đến nỗi suốt 11 năm làm Giám mục ở Huế từ 1964 đến 1975, Ngài không hề sử dụng một chuyến máy bay nào của Không lực Việt Nam Cộng Hòa và Không lực Hoa Kỳ, Ngài cũng không hề tiếp một Nhân viên nào của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hay Sĩ quan cao cấp nào tại Tòa TGM Huế với tư cách là quan quyền phần đời cả.
Đầu năm 1975, Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân Khu I, một Vị Tướng lúc đó rất có uy tín trong chế độ Sài Gòn cũ, muốn gặp Đức TGM Điền, Ngài đã trả lời : "Tôi là nhà tu hành, nếu Ngài muốn gặp tôi với tư cách là một con người đi tìm chân lý và bình an thì xin kính mời Ngài đến bình thường như mọi người lúc nào cũng được, nhưng nếu Ngài muốn đến thăm tôi với tư cách một Sĩ quan của Quân lực VNCH thì tôi không đủ tư cách tiếp Ngài". Nghe trả lời thế, Tướng Ngô Quang Trưởng đã không đến. Năm 1974, Ngài đi dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới ở Rôma, có Tạp chí phỏng vấn Ngài về Cộng Sản Việt Nam, Ngài đã trả lời rằng : "Người Cộng sản cũng là người anh em của tôi". Sau đó, có dư luận cho rằng Ngài là TGM "đỏ". Đầu năm 1975, Ngài tiên đoán quân CS Bắc Việt thế nào cũng đánh chiếm Huế, nên có bí mật thăm dò các Linh mục Giáo phận Huế để biết nếu quân Bắc Việt chiếm Quảng Trị - Thừa Thiên, thì liệu có bao nhiêu Linh mục tình nguyện ở lại để làm việc trong chế độ cộng sản. Cuộc thăm dò cho kết quả đáng buồn : chỉ có 6 / khoảng 120 Linh mục dám ở lại với CS mà thôi. Ngài tức khắc vào Sài Gòn tìm 1 Nhà hưu cho các Linh mục già lão của GP Huế di tản vào và bàn giao Hội Thừa Sai VN cho Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình để vội về lại Huế cho kịp.
Ngày 19.3.75 Ngài về đến Đà Nẵng bằng một trong vài chuyến Boing cuối cùng của Hàng Không VN lúc đó. Từ Đà Nẵng, xe của Tòa TGM Huế đưa Ngài về đến Huế lúc 2 giờ sáng ngày 20.03.75. Được biết chỉ còn khoảng hơn 6 Linh mục thật sự ở lại trong tỉnh Thừa Thiên, còn tỉnh Quảng Trị thì không còn Linh mục nào, Ngài vội nhờ đường dây điện thoại còn lại cuối cùng của phòng Tuyên úy Công giáo để gọi gấp vào Sài Gòn gọi tôi ra, là người đã tình nguyện theo Ngài ra sống trong vùng cộng sản. Tôi đang dâng Thánh Lễ tại Vườn Xoài trong một tuần giảng tĩnh tâm tại đây, nhận được tin Đức TGM Huế muốn tôi ra Huế lúc 6 giờ sáng. Tôi vội về lại cộng đoàn Thừa Sai thu xếp và ra Đà Nẵng lúc 12 giờ trưa ngay ngày hôm đó. Tôi chỉ ra Huế sau Đức TGM Điền 10 giờ đồng hồ, nhưng Đèo Đá Bạc đã bị quân Bắc Việt chiếm, nên từ Đà Nẵng, tôi phải dùng nhiều phương tiện, cuối cùng sau 5 đêm và gần 6 ngày trọn, tôi về được đến Tòa TGM Huế chiều 25.03.75.
1_2. Đức Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền sau 1975
Sáng 26.03.75, quân Bắc Việt treo cờ giải phóng trên Thành phố Huế. Quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam thực chất cũng là quân Bắc Việt thôi, nhưng phải lấy cớ là quân miền Nam giải phóng để tránh tiếng cho Hà Nội khỏi xâm lược miền Nam. Ngay ngày 01.04, ủy ban quân quản tỉnh Thừa Thiên đã mời Đức TGM Điền tham dự buổi mít-tinh để chào mừng ngày Huế giải phóng. Ngài đã phát biểu theo tinh thần tích cực, vui mừng vì chiến tranh chấm dứt tại một phần Đất Nước. Sau đó Ngài đều cổ vũ mọi người vui sống theo tinh thần lạc quan đó. Ngài phổ biến tập sách "Tôi Vui Sống" để hướng dẫn Dân Chúa sống Phúc Ấm trong hoàn cảnh mới một cách tích cực. Dịp 02.09.75, Ngài xin đi Hà Nội để chào mừng Đức Hồng Y Tiên Khởi của Giáo Hội Công giáo Việt Nam : Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê, đồng thời để 2 Vị Lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên. Trên đường đi, Ngài thăm 2 Đức Giám mục Gp Vinh và Thanh Hóa.
Tại Hà Nội, Ngài gặp Đức Giám mục Bắc Ninh hiện nay là Đức Hồng Y Giuse Maria Phạm Đình Tụng. Ngài lưu lại Tòa Tổng Giám mục gần 2 tuần, gặp Đức TGM Phó Hà Nội, sau nầy là Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, gặp Cha Fx. Nguyễn Văn Sang, hiện nay là Giám mục Thái Bình, Tổng Thư ký HĐGMVN, gặp Cha Tổng Đại diện Trọng, hiện nay là GM Phụ tá Hà Nội, gặp cha Nguyễn Tùng Cương, về sau làm Giám mục Hải Phòng, gặp Cha Tông, hiện nay là Tổng Đại Diện TGP Hà Nội, và nhiều linh mục quan trọng khác. Chuyến đi miền Bắc nầy giúp Ngài thấy rất rõ CSVN đối xử thế nào với các Tôn giáo tại VN và nhất là Giáo hội Công giáo VN. Về lại Huế, CSVN yêu cầu Ngài viết và nói lại chuyến đi ấy, Ngài nhất mực từ chối. CSVN cũng mời tôi, Linh mục Thư ký cùng đi với Ngài làm như thế, nhưng tôi cũng từ chối.
CSVN đàn áp các tôn giáo càng ngày càng rõ rệt, nhất là việc phân biệt đối xử các Tín hữu ghi rõ trong lý lịch mình là "công giáo". Biết bao nhiêu sinh viên công giáo không thể tốt nghiệp đại học, bao nhiêu học sinh công giáo không thể thi vào đại học, bao nhiêu nhân viên bị mất việc làm chỉ vì mình là công giáo. Việc bổ nhiệm, thuyên chuyển Linh mục càng ngày càng khó khăn. Giữa năm 1975, Ngài phong chức được 2 linh mục, đầu năm 1976, được 4 Linh mục và sau đó đành chịu. Mãi 18 năm sau, năm 1994, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể mới phong chức được thêm 5 linh mục khác. Từ một người rất sợ cộng sản, nhưng trong Đức Tin và Đức Ái, Đức TGM Điền cố gắng sống cởi mở, hài hòa, tích cực. Nhưng dần dần Ngài nhận thức rõ, CSVN thực sự muốn tiêu diệt các Tôn giáo và nhất là công giáo.
Năm 1977, nhân 2 cuộc họp do Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tổ chức, Đức TGM Điền đã phát biểu 2 bài đòi Tự do Tôn giáo, trong đó Ngài xác nhận, người công giáo bị đối xử là "công dân hạng hai". Tôi đánh máy ra và phổ biến cho các Linh mục Gp Huế. Ít lâu sau, 2 bài nầy được in ra khá nhiều ở Sài Gòn và báo chí nước ngoài đăng lại. Cuối tháng 08.77, Linh mục Hồ Văn Quý, Giám đốc Đại chủng viện Huế và tôi bị bắt, các tòa án nhân dân của các tổ chức quần chúng kết án chúng tôi 20 năm, nhưng năm 1977, Việt Nam vừa nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, nên chiều 24.12.77, hai chúng tôi được đột ngột thả ra. CSVN buộc Đức TGM Huế phải bổ nhiệm 2 anh em chúng tôi đi làm việc, không cho ở Nhà Chung, nhưng không được bổ nhiệm ở thành phố, giáo xứ lớn, ở vùng núi, ở vùng biển ; chỉ được ở giáo xứ nhỏ vùng quê mà thôi. Đầu tháng 7. 1978, Linh mục Augustinô Hồ Văn Quý đi Bố Liêu, Quảng Trị ; còn tôi đi Đốc Sơ, gần Tp Huế.
Trước Giáng Sinh 1979, CSVN dùng bạo lực cưỡng chiếm Tiểu chủng viện Hoan Thiện, đuổi 3 Linh mục đang dạy trong đó phải đi làm việc khác và hơn 80 chủng sinh phải về sống với gia đình. Giáng Sinh năm đó, Đức TGM Điền ra lệnh cho cả Giáo phận Huế phải để tang cho đứa con yêu 149 tuổi nầy đã bị giết. Ngài nói : "Chủng viện là con mắt của Giám mục, nay tôi đã bị móc mắt rồi". Cả Giáo phận quá đau lòng về việc Tiểu chủng viện bị cưỡng chiếm. Lúc bấy giờ, CSVN không muốn giáo hữu đi hành hương kính Đức Mẹ La Vang, ngăn chận xe khách dọc đường, đuổi tất cả những ai muốn đi La Vang xuống. Nên việc hành hương kính Đức Mẹ La Vang rất khó khăn. Cha Tôma Trần Văn Cầu, Quản xứ Trí Bưu phụ trách Trung Tâm La Vang ; về sau Cha Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, Quản xứ Diên Sanh phụ trách La Vang, và tất cả các Linh mục vùng Quảng Trị đã phải kiên trì đấu tranh bằng nhiều cách để có thể đưa giáo hữu đến La Vang. Dịp 15-08-1981, tôi phải hướng dẫn khách hành hương La Vang bị chận dọc đường, đứng tại chỗ mà hướng về La Vang mà nguyện kinh 4 lần 4 nơi khác nhau, mới có thể khai thông tuyến đường.
Năm đó, lần đầu tiên sau 75, số người hành hương La Vang lên đến 10 ngàn người. Sau đó, CSVN kết án 5 chủng sinh từ 2 đến 5 năm tù và đuổi 5 chủng sinh khác về nhà. Từ 1976, Đức TGM Huế không truyền chức linh mục được thêm cho một chủng sinh nào. Đại chủng viện Huế coi như bị đóng cửa với 1 Linh mục giám đốc duy nhất. Các Dòng tu liên tiếp gặp quá nhiều khó khăn. Phải tu chui, khấn chui, một cách vô lý và rất ấm ức. Các giáo xứ kinh tế mới và xa xôi quá khó khăn mới có một Thánh Lễ dịp Giáng Sinh, Phục Sinh,...
Năm 1980, cùng với Đức TGM Phó Têphanô Nguyễn Như Thể, Ngài đi dự buổi họp đầu tiên của HĐGMVN tại Hà Nội. Khi về lại, cả 2 Vị TGM đều rất buồn về Bức Thư Chung không được vừa ý, nhưng vì muốn bày tỏ tính hiệp nhất của Giáo hội mà đành lòng ký chung. Sau đó, Ngài được đi Rôma. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Ngài là "TGM anh dũng", chia sẻ với Ngài công thức lừng danh để sống trong chế độ cộng sản : "cộng tác trong tình trạng luôn luôn đề kháng" (collaborer en résistant). Năm 1983, CSVN kết án tôi 10 năm tù ở và 4 năm tù quản chế rồi đưa tôi ra Thanh Hóa. Đức TGM Điền càng đau buồn. Nhiều lần, Ngài viết thư cho Linh mục Nguyễn Hữu Vịnh, Chủ tịch Ủy Ban Đoàn Kết Công giáo chứng minh rằng Giáo Hội Công giáo VN đang bị bách hại thực sự ; và GHCGVN đã có Hội Đồng Giám mục VN là cơ quan chính thức để điều hành sinh hoạt Giáo hội, liên lạc với Chính quyền Cộng Sản, không cần có thêm một Ủy ban nào hết. Nếu UBĐKCG hoạt động thì UB ấy cao hơn HĐGMVN, tạo nên sự bất hợp lý trong Giáo hội. (Tại nhiều giáo phận, việc thuyên chuyển, bổ nhiệm linh mục, việc du học và du lịch nước ngoài do UBĐKCG nầy lèo lái).
Ngài phải tìm cách chuyển các tài liệu ấy ra nước ngoài. Vì thế, Ngài đã bị CSVN gây ra bao nhiêu đau khổ.
1_3. Đức Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền đã Tử Đạo thế nào ?
Năm 1975, Đức TGM Điền không hề bị một bệnh nào, chỉ thỉnh thoảng bị cảm lạnh. Nhưng chịu quá nhiều phiền toái do CSVN gây ra như bị ép buộc ký giấy trao cho CSVN sử dụng hầu hết các cơ sở giáo dục và từ thiện của Giáo phận, bị triệu tập làm việc suốt hơn 100 ngày, suốt ngày bị nghe những lời thóa mạ, bị buộc viết các lời khai, bị buộc ăn năn sám hối vì đã đấu tranh các quyền lợi chính đáng của Giáo Hội, bị buộc tố cáo chê bai các linh mục, tu sĩ con cái của mình, không thể truyền chức linh mục cho các chủng sinh đã học xong từ lâu, không thể bổ nhiệm các linh mục, có thời gian không thể đi cử hành Nhiệm tích Thêm sức trong giáo phận, nên từ 1981, Ngài bị bệnh nhồi máu cơ tim, thỉnh thoảng tim ngừng đập vài giây, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, suy thận, cột sống và đái đường, mỗi thứ một ít, nhưng chưa có bệnh nào nặng đến nỗi gây ra cái chết đột ngột.
Đức TGM Điền qua đời ngày 08-06-1988, lúc bấy giờ tôi đang ở trại giam Nam Hà, Hà Nam Ninh. Khoảng 1 tuần sau đó, tôi chỉ biết tin Ngài qua đời qua nhật báo Nhân dân. Các điện tín và các thư thân nhân (nay còn sống và tạm dấu tên) viết báo tin cho tôi Ngài qua đời đều không đến tay tôi. Cuối năm 1992, tôi ra khỏi tù. Nghe nhiều người bàn tán về cái chết "đầy bí ẩn" của Đức TGM Điền và về các "ơn lạ" mà nhiều người đã xin được nhờ cầu nguyện với Ngài. Tôi quì trước mộ Ngài cầu nguyện rất lâu rằng : "Nếu việc làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của Đức Tổng làm sáng danh Chúa và có lợi cho Hội Thánh CGVN, thì xin Đức Tổng cầu bầu cùng Chúa phù trợ cho con đủ điều kiện làm xong việc quá khó khăn nầy". Sau đó, tôi bắt đầu âm thầm tiến hành điều tra. Sau đây là kết quả bước đầu. Kính xin mọi người bổ sung đầy đủ hơn :
Cuối tháng 05-1988, Ngài xin vào điều trị tại bệnh viện Nguyễn Trãi, sao cho tạm ổn định để có thể đi Rôma. Ngài rất nôn nóng đi Rôma để báo cáo về Đức TGM Phó mà Ngài định đặt, về Đức GM Phụ tá Giacôbê Lê Văn Mẫn mà Ngài đã tấn phong "bí mật" và về GHCGVN, về GP Huế. Có 2 bác sĩ quen săn sóc, 1 bác sĩ ở đường Sương Nguyệt Ánh, gần Nhà thờ Chợ Đũi và một bác sĩ bạn của bác sĩ nầy. Theo họ, Đức TGM bị ung thư đường tiểu, không thể chữa. Ngài có bị nhỗ 2 răng : 1 răng vàng và một răng khôn, có đem 2 răng ấy đến 42 Tú Xương nhờ em ruột của Nha sĩ Phạm Thị Thân khám. Cô Y tá ở phòng khám nầy có quen cô Bích Hồng. Cô Nguyễn Thị Kim Anh 12 A Trương Quốc Dung, F.10 Phú Nhuận ĐT 08. 8350482 ố 08. 8449472 quen biết cô Bích Hồng, Thị Nghè, thuộc Tu hội Trợ Tá Tông Đồ, người săn sóc Đức Tổng vào những giờ cuối.
Hai Lm Stanilaô Nguyễn Đức Vệ và Gioakim Lê Thanh Hoàng đi theo Đức TGM Điền để săn sóc Ngài biết cô Hồng nầy. Không biết có sự gợi ý của CSVN hay không, nhưng cho dù có, thì cũng chỉ vì chân tình và ngay tình, có hai Đức Giám mục (tạm thời xin dấu tên) thăm Ngài hai lần khác nhau tại bệnh viện Nguyễn Trãi khuyên Ngài xin vào bệnh viện Chợ Rẫy để có thể xét nghiệm làm hồ sơ xin đi nước ngoài chữa bệnh vì theo hai Đức Giám mục nầy cho biết trên nguyên tắc CQ CSVN đã đồng ý. Ngài nghe lời và xin chuyển qua bệnh viện Chợ Rẫy đầu tháng 06.1988, mục đích là để được khám nghiệm trước khi lên máy bay đi Rôma. Tại đây, các bác sĩ cho rằng bệnh Ngài quá nặng, không chữa được. Có một lần, Ngài đau đớn quá, Ngài bấm chuông gọi 2 Cha Vệ và Hoàng đưa Ngài về, vì không chữa được, nhưng sau đó, có một điện tín báo : Nhà Nước đã cho đi chữa bệnh nước ngoài, giấy tờ đã xong. Ngài rất mừng, vui, ăn hết một tô xúp, nhưng bí tiểu. Sáng 6-6-1986, cả 2 Linh mục Huế Vệ và Hoàng theo chăm sóc Ngài đều vắng mặt. Ngài có người em ruột là Nguyễn Thị Thủy, Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán (quen gọi là Dì Sáu) thường trực bên cạnh Ngài rất chu đáo, cẩn thận, không để Ngài uống thuốc gì mà không kiểm tra chặt chẽ.
Nhưng sáng hôm đó, Nữ tu Nguyễn Thị Quí, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế, xin phép thay Nữ tu Thủy để được săn sóc Ngài. Bà Thủy không chịu, hai người dằng co nhau, nên Đức Tổng nói : "Thôi em để cho người ta săn sóc một lát, em về nghỉ ngơi đôi chút". Lợi dụng chỗ sơ hở nầy, khoảng từ 10 giờ đến 11 giờ ngày 06-06-1988, một cô y tá đến trao cho Ngài một nắm thuốc. Ngài hỏi cô y tá : "Cô cho tôi uống thuốc gì vậy ?". Cô trả lời rất cộc cằn lỗ mãng : "Nhiệm vụ của ông là phải uống những gì chúng tôi điều trị ông, không được hỏi lôi thôi gì cả". Ngài rất phân vân. Cuối cùng Ngài bằng lòng uống. Uống xong, Ngài cảm thấy rất đau đớn. Ngài hỏi cô y tá : "Cô biết tôi mấy giờ nữa thì chết không ?". Cô y tá ấy hốt hoảng và run sợ trả lời: "Con lạy cụ, xin cụ tha lỗi cho con. Việc nầy là do cấp trên". Đức Tổng trả lời : "Không những tôi tha lỗi cho cô mà thôi, tôi còn tha thứ cho cả cấp trên sai cô làm, tôi tha thứ hết". Sau đó, thấy dì Sáu vào, Ngài nói với Dì Sáu : "Chén đắng Chúa trao anh đã uống xong. Xin trọn theo ý Chúa". Dì Sáu báo cho cô y tá biết Ngài đau đớn lắm. Khoảng 12 giờ 30 trưa, cô y tá ấy trở lại cho Ngài uống một liều thuốc khác. Sau đó Ngài bị tiêu chảy liên tục cho đến chết, không cầm lại được. Các nhân chứng hiện nay đều còn sống, một số Nữ tu cần tạm dấu tên một thời gian. Khoảng 13 giờ ngày 8-6-1988, Ngài bấm chuông gọi cấp cứu, nhưng không có ai đến cả. Vài phút sau, Ngài qua đời tại phòng Ngài nằm điều trị bệnh, phòng nầy nay đã thay đổi số, (lúc đó, người thân không ai nhớ số phòng), chỉ nhớ ở tầng lầu thứ 2, bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, lúc ấy chỉ có Dì Sáu bên cạnh.
Lúc Ngài qua đời xong, cô y tá gọi điện thoại nói : "Vụ việc đã hoàn thành". Vì muốn đưa ra Huế, bệnh viện đã mổ bộ ruột của Ngài. Bộ ruột nát bầy nhầy khác thường. Một bác sĩ tên Bình, bệnh viện Chợ Rẫy trao cho thân nhân, và đề nghị không nên đưa về nhà nữa. Lúc đó, các thân nhân quá đau lòng, không ai còn bình tĩnh để nhận lãnh cả. Bệnh viện đã đem chôn, nay chưa tìm ra dấu vết. Thật là đáng tiếc. Sau đó, cô y tá ấy thanhminh rằng cô không biết Vị mà cô cho uống thuốc là ai, và cô đã xin lỗi thân nhân. Cô được gửi đi du học ngay tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức) theo thời hạn là sẽ trở về Việt Nam tháng 3-1995. Không rõ nay đang ở đâu.
Xác Ngài được đưa về Tòa TGM Sài Gòn. Tin tức về cái chết của Ngài bị bưng bít. Tất cả các đường điện thoại gọi ra Huế đều bị cắt. Lúc bấy giờ chưa có FAX, chưa có E-mail. Nội bộ Giáo hội không ai có điện thoại di động. Cho đến nỗi, Giáo phận Huế đã thành lập một phái đoàn vào Sài Gòn để tiễn đưa Đức Tổng đi Rôma. Khi phái đoàn Gp Huế vào đến Tòa TGM Sài Gòn, hỏi Đức Tổng Huế ở đâu ? Nhân viên chỉ 1 phòng, Gp Huế tưởng Đức Tổng còn sống, không ngờ nhân viên chỉ phòng đang quàng xác Ngài ! Các linh mục Gp Huế tại Huế chỉ biết tin nhờ Radio Veritas, Philippines. Sau đó mới tổ chức để đưa xác Ngài về Huế. Nhà Nước gây rất nhiều trở ngại để việc đưa xác Ngài về Huế bị chậm lại. Dầu vậy, giáo dân GP Huế quá thương tiếc Ngài đã đón tiếp xác Ngài rất trọng thể. Xác Ngài được liệm trong hòm bọc kẻm, phần mặt có lồng kính để thấy được mặt. Môi ngài tím bầm, mũi trương sình bong bóng máu, làm cho giáo dân thắc mắc, mặc dù đã được điểm trang kỹ lưỡng, nhưng môi Ngài vẫn tím bầm. Đoàn xe tang chở thi hài Đức Tổng Giám mục về Toà Giám Mục Huế lúc 21 giờ 30, ngày 13 tháng 06, và sáng 14-06 được đưa lên an vị tại Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam để Tín hữu và quan khách kính viếng Ngài suốt ngày đêm.
Tối 14-06, vì mặt Ngài biến dạng khác thường, nên ban tẩm liệm đã đậy nắp hòm gỗ che mặt Ngài lại. Sáng 15-6, Thánh Lễ Đồng tế an táng trọng thể do Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn TGM Hà Nội chủ tế cùng với hầu hết các Đức Giám mục trong HĐGMVN và rất đông các linh mục các giáo phận của 3 giáo tỉnh và của giáo phận Huế. Vì số giáo hữu quá đông, nên mãi đến tối 15-06 mới hạ huyệt được, rồi ban tẩm liệm đã khoan 5 lỗ quanh hòm kẻm để dễ phân hủy và an táng Ngài tại phía trái Cung Thánh Nhà Thờ Phủ Cam. Linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính, Hạt trưởng Thành phố Huế, Chánh sở Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam trang hoàng mộ Ngài rất lộng lẫy như mộ một Vị Thánh Tử Đạo. Sau đó, phái đoàn Tòa Thánh thăm Nhà Thờ Phủ Cam, thấy vậy có ý kiến rằng : không nên đi trước ý kiến của Tòa Thánh, nên Lm Kim Bính đã trang hoàng đơn giản như hiện nay : phần mộ sát với nền Nhà Thờ, bên trên có một tấm đá cẩm thạch đen, có khắc vài dòng về Ngài.
Dì Sáu, em ruột Ngài là Nữ tu Mến Thánh Giá Chợ Quán, 118 Trần Bình Trọng, Q. 5, Sài Gòn. ĐT 08. 8350482. Nay ở Nhà Hưu dưỡng Dòng MTG Chợ Quán, 30/1 ấp Truông Tre, xã Linh Xuân, Thủ Đức, Sài Gòn. ĐT 08. 8964116. Còn cô y tá đã cho Ngài uống thuốc là nhân viên cũ của NBS Dương Quỳnh Hoa, hôn thê của BS Trần Văn Thọ, 117 CM 1-11 cũ, nay là 1 cơ quan Nhà nước. Cô có làm việc cho BS Nguyễn Văn Thọ, 99 Võ Tánh, gần cổng xe lửa số 6, đối diện với Nhà thờ Cô Đốc Phục Lâm. Cô có 1 người bạn công giáo, đã trọ học ở 40/5 Ngô Tùng Châu, Gia Định., đối diện với phòng mạch bác sĩ Hoàng Văn Đức, khoa trưởng Y khoa Minh Đức. Lm Đỗ Quang Biên, dạy trường Trí Đức do Lm Nguyễn Văn Ngà làm hiệu trưởng, Lm, Nguyễn Văn Hòa (nay là GM Nha Trang và đã được bổ nhiệm TGM Phó Hà Nội) làm hiệu phó, biết anh nầy, anh hiện ở Đà Lạt.
1_4. Kết luận
Liều thuốc Ngài bị buộc uống sáng 6-6 là liều thuốc độc. Liều thuốc Ngài bị uống sau trưa ngày 6-6 là liều thuốc xổ để giúp tẩy bớt các dấu vết chất độc trong ruột, tạo nên cơn tiêu chảy cho đến ngày 8-6 mà bệnh viện cố tình không cho cầm lại, mặc dù Chợ Rẫy là một bệnh viện lớn nhất nhì ở Sài Gòn. Bộ ruột nát bầy nhầy khác thường ; miệng Ngài tím bầm, hai bàn tay Ngài cũng bị bầm tím, 2 hốc mắt trái và phải đều bị tím bầm và có 2 bong bóng máu đen sẫm rất lớn tại 2 lỗ mũi, vỡ rồi lại hiện, làm gương mặt Ngài biến dị khác thường, khiến tối 14-6 một giáo hữu trong ban tẩm liệm (nay còn sống, nhưng tạm dấu tên) phải xin Lm Nguyễn Kim Bính cho phép đậy nắp hòm gỗ bên ngoài hòm kẻm, không để khách đến viếng thấy mặt Ngài nữa, vì quá đau lòng và khó nhìn. Kèm theo những diễn biến chung quanh việc Ngài bị buộc uống thuốc sáng 06-06 nói trên, các điều nầy không phải là những bằng chứng Ngài đã thực sự bị ngộ độc sao ?
Năm 1997, khi thả Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải ra khỏi tù, CSVN nói với Lm Giải rằng : "CQ không đầu độc TGM Điền". Khi không tại sao CSVN lại tự buột miệng phải thanh minh một điều không ai chất vấn cả ? Trong Tuyên ngôn 24-11-1994, tôi ghi rõ : "Đức TGM Điền đã khổ vì đạo và đã chết vì đạo", mà CSVN trong suốt 5 tuần làm việc liên tiếp, không hề dám đả động gì đến chuyện ấy. Vì sự thực là thế. Chắc chắn một điều, kể cả cho dù chưa đưa ra bằng chứng khoa học 100 % Ngài đã bị cho uống thuốc độc đi nữa, vì một đàng bộ ruột Ngài chưa tìm được, một đàng việc khai quật mộ Đức Cố TGM Điền lên là điều chưa thật sự cần thiết trong lúc nầy, thì việc Ngài suốt 11 năm liên tiếp chịu khổ vì Giáo hội từ 1975 đến khi chết (1986), cũng đủ cho mọi người thành tâm ngay thẳng xác nhận Ngài Đã Chết Vì Đạo rồi. Ngày 26.12.2000, Lễ Thánh Têphanô Tử Đạo tiên khởi, tôi nằm sấp trên mộ Ngài, khóc rất nhiều và cầu nguyện thiết tha khá lâu giờ, xin Ngài phù trợ cho công việc đấu tranh tự do tôn giáo của một nhóm linh mục Huế và tôi được thành công theo ý Chúa. Tôi xin Ngài cầu bầu cùng Chúa cho tôi một dấu chỉ từ trời trong ngày hôm đó. Và tôi đã được nhận lời mau lẹ ngay sáng hôm đó.
Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý °Quản Xứ An Truyền
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire