1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 27 janvier 2007

Quoc Ky va Quoc ca VN (gs N Ngoc Huy)

QUỐC KỲ và QUỐC CA VIỆT NAM



NGUYỄN NGỌC HUY


Sau năm 1975, đồng bào Việt Nam ở hải ngoại đã nhiều lần nghe những ý kiến phát biểu bằng lời nói hay bằng những bài báo về quốc kỳ và quốc ca Việt Nam. Trong những dữ kiện và ý kiến được trình bày, có cái không đúng sự thật, có cái đúng sự thật nhưng gây ra một số thắc mắc và hoang mang. Viết bài này, tác giả chỉ có mục đích trình bày một số dữ kiện lịch sử xác thật về quốc kỳ và quốc ca Việt Nam và đánh tan những luận điệu có thể làm cho người quốc gia Việt Nam thắc mắc và hoang mang về lá quốc kỳ và bài quốc ca của chúng ta.

I. QUỐC KỲ VIỆT NAM.

A. SỰ XUẤT HIỆN CỦA Ý NIỆM QUỐC KỲ TRONG LỊCH SỬ NHƠN LOAỊ.
Việc dùng một mảnh hàng hay vải có màu sắc và hình thức nhứt định để biểu tượng cho một nhơn vật, một gia tộc lãnh đạo hay một cộng đồng chánh trị đã có từ ngàn xưa. Trong các cuộc giao tranh dữ dội trên các bãi chiến trường cổ kim, binh sĩ hai bên đối đầu nhau đều lấy cờ của bên mình làm điểm hội tập và đều tận lực tranh đấu, thường khi phải hy sinh cả tánh mạng để bảo vệ nó. Trong lịch sử quân sự của mọi cộng đồng chánh trị, việc cắm được cờ của mình trên đất địch hay cướp đoạt được cờ của quân lực địch đều được xem là một chiến công rạng rỡ.
Tuy nhiên, trước cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, phần lớn các nước trên thế giới đều theo chế độ quân chủ, hoặc là quân chủ chuyên chế trong đó chỉ có một nhà vua nắm trọn quyền lãnh đạo và được xem là sở hữu chủ duy nhứt của quốc gia, hoặc là quân chủ phong kiến trong đó bên dưới nhà vua còn có những nhà quí tộc làm chủ các lãnh địa, và có khi có những thị xã tự trị trong đó quyền điều khiển thuộc một nhóm người hào phú địa phương. Một số cộng đồng chánh trị nhỏ thời đó đã theo chế độ cộng hòa hay dân quốc. Với chế độ này, quyền lãnh đạo cộng đồng thuộc về một vài thế gia cự tộc. Các cộng đồng chánh trị kể trên đây đều độc lập hoàn toàn hay phải tùy thuộc một cộng đồng chánh trị lớn hơn đều có lá cờ làm biểu hiệu cho mình. Nhưng vì cộng đồng được xem là vật sở hữu của một gia tộc hay một thiểu số gia tộc lãnh đạo nên lá cờ của cộng đồng cũng được xem như là lá cờ của gia tộc hay các gia tộc đó.
Ý niệm quốc kỳ biểu tượng cho toàn thể quốc dân chỉ mới xuất hiện với cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789. Với cuộc cách mạng này, quốc gia không còn được xem là vật sở hữu của một gia tộc, mà là vật sở hữu chung của toàn thể mọi ngưoi sống trong cộng đồng. Hệ luận của quan niệm mới này là lá cờ một nước không còn là biểu tượng của gia tộc lãnh đạo, mà là biểu tượng của toàn thể quốc dân. Người Pháp đã dùng từ ngữ drapeau national để chỉ loại cờ này. Quan niệm của người Pháp lần lần được người các nước khác chấp nhận và người thuộc các dân tộc nói tiếng Anh đã dùng từ ngữ national flag khi nói đến lá cờ của mình. Drapeau national của Pháp và national flag theo tiếng Anh đã được người Việt Nam chúng ta dịch là quốc kỳ.
Về mặt thực hiện cụ thể thì lá quốc kỳ đầu tiên trên thế giới là cờ tam sắc của Pháp gồm ba màu xanh, trắng, đỏ, xếp ngang nhau theo thứ tự kể trên đây. Sự hình thành của lá cờ này là kết quả của một sự thương lượng giữa hoàng gia Pháp và nhơn dân thị xã Paris. Lá cờ tiêu biểu cho hoàng gia Pháp từ nhiều đời vốn nền trắng trên có thêu một hoa huệ màu vàng. Thời quân chủ Pháp, Paris là một thị xã được hưởng quyền tự trị và có lá cờ riêng gồm hai màu xanh và đỏ xếp ngang nhau. Khi người dân Paris nổi lên làm cách mạng đòi hỏi chánh quyền cải tổ chế độ, họ vẫn còn chấp nhận nền quân chủ. Nhà vua Pháp lúc đó là Louis XVI một mặt vì nhu nhược, một mặt vì thiếu phương tiện nên không dùng võ lực đối phó một cách quyết liệt với phong trào cách mạng và chịu chấp nhận các yêu sách của nhơn dân Paris. Do đó, hai bên đã đồng ý nhau lấy cờ của hoàng gia và cờ của thị xã Paris trộn lại làm huy hiệu cho nước Pháp. Nhà vua là quốc trưởng nắm quyền Hành Pháp nên màu trắng của cờ hoàng gia được đặt ở giữa, hai màu xanh đỏ của cờ thị xã Paris được ghép hai bên thành một huy hiệu tam sắc. Huy hiệu này lần lần được phổ biến khắp nơi trong nước, và đến năm 1793, Quốc Ước Hội Nghị đã chánh thức biểu quyết lấy cờ tam sắc làm quốc kỳ cho nước Pháp.
Phải nói rằng về mặt thẩm mỹ, cờ tam sắc này rất đẹp. Mặt khác, Cách Mạng Pháp thời đó lấy làm tiêu ngữ ba khẩu hiệu Liberté - Égalité - Fraternité là Tự Do - Bình Ðẳng - Bác Ái. Ba màu của quốc kỳ Pháp được xem là tiêu biểu cho ba tiêu ngữ trên đây: màu xanh tiêu biểu cho Tự Do, màu trắng tiêu biểu cho Bình Ðẳng và màu đỏ tiêu biểu cho Bác Ái. Cờ tam sắc của Pháp đã đẹp mà còn được giải thích một cách đầy đủ ý nghĩa tượng trưng rất phù hợp với lý tưởng chung của nhơn loại nên quốc dân Pháp đã nhiệt liệt hoan nghinh nó và chấp nhận nó làm biểu tượng cho mình. Về sau, nhiều nước Tây Phương khác chịu ảnh hưởng của Cách Mạng Pháp đã chọn ba màu xanh, trắng, đỏ, làm quốc kỳ với những giải thích hơi khác nhau, nhưng vẫn dùng ba màu này làm tiêu biểu cho các lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái là nền tảng chung của các xã hội dân chủ tự do.

B. CÁC LÁ CỜ ÐÃ XUẤT HIỆN Ở VIỆT NAM VỚI TƯ CÁCH LÀ QUỐC KỲ.
1. Quốc kỳ xuất hiện đầu tiên: cờ long tinh của Hoàng Ðế Bảo Ðại.



Ở Việt Nam trước đây cũng như ở các nước quân chủ cổ thời khác, các lá cờ được dùng để biểu tượng cho một nhà lãnh đạo. Hiệu kỳ của một vị tướng cầm đầu một đạo quân thường có màu phù hợp với mạng của vị tướng đó: người mạng kim thì cờ màu trắng, người mạng mộc thì cở màu xanh, người mạng thủy thì cờ màu đen, người mạng hỏa thì cờ màu đỏ, người mạng thổ thì cờ màu vàng. Màu cờ của các triều đại thì được các nhà sáng lập chọn lựa theo sự tính toán dựa vào thuyết của học phái Âm Dương Gia nghiên cứu về sự thạnh suy của ngũ hành lưu chuyển trong vũ trụ sao cho triều đại mình hợp với một hành đang hưng vượng. Ngoài cờ chung của triều đại, mỗi nhà vua đều có thể có lá cờ riêng của mình. Nhưng các lá cờ này chỉ để biểu tượng cho hoàng gia. Về ý niệm quốc kỳ biểu tượng cho cả dân tộc Việt Nam, nó chỉ xuất hiện ở nước ta khi dân tộc ta bị lọt vào ách thực dân Pháp.
Tuy nhiên, trong gần suốt thời kỳ Pháp thuộc, dân Việt Nam vẫn chưa có quốc kỳ. Lúc ấy, Nam Việt (được gọi là Nam Kỳ) là thuộc địa Pháp và phải dùng cờ tam sắc của Pháp, Bắc Việt và Trung Việt (được gọi là Bắc Kỳ và Trung Kỳ) trên lý thuyết là lãnh thổ của nhà Nguyễn. Các nhà vua Việt Nam thời đó đều có lá cờ biểu tượng cho mình như thời còn độc lập, nhưng cờ này chỉ được treo nơi nào có nhà vua ngự đến chớ không phải ở mọi nơi trong nước và dĩ nhiên không có tánh cách một quốc kỳ. Mãi đến thời Thế Chiến II, Hoàng Ðế Bảo Ðại mới ấn định quốc kỳ đầu tiên.
Nguyên lúc đó, người Pháp đã thua Ðức và rất suy kém. Họ không còn đủ quân lực để bảo vệ các thuộc địa xa xôi. Riêng ở Ðông Dương thì người Nhựt lợi dụng sự suy kém của Pháp đòi quyền đem binh vào chiếm đóng đất này để lấy nó làm bàn đạp phong tỏa phía nam Trung Quốc và tiến đánh Ðông Nam Á Châu với dụng ý chinh phục cả Á Châu. Chánh phủ Pháp không thể từ chối lời đòi hỏi của Nhựt và viên Toàn Quyền thời đó là Ðề Ðốc Decoux có nhiệm vụ phải chịu hợp tác với quân chiếm đóng Nhựt, đồng thời cố gắng đến tối đa để bảo vệ quyền lợi Pháp ở Ðông Dương. Ý thức rằng chánh sách thực dân Pháp trước Thế Chiến II làm bất mãn người Việt Nam mọi giới, Toàn Quyền Decoux đã áp dụng một chánh sách hai mặt: một mặt triệt để đàn áp các phần tử cách mạng chống Pháp, một mặt xoa dịu người Việt Nam nói chung. Trong khuôn khổ của mặt thứ nhì trong chánh sách này, ông đã có những biện pháp nâng cao uy tín của các nhà vua Ðông Dương.
Hoàng Ðế Bảo Ðại nhơn cơ hội này đã đưa ra một vài cải cách và ban chiếu ấn định quốc kỳ của nước Ðại Nam. Quốc kỳ này tên là cờ long tinh, nền vàng với một sọc đỏ nằm vắt ngang ở giữa, bề ngang của sọc đỏ này bằng 1/3 bề ngang của cả lá cờ. Cờ long tinh được dùng trên lãnh thổ Ðại Nam, nghĩa là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, vì Nam Kỳ lúc đó vẫn là thuộc địa Pháp và vẫn phải dùng lá cờ tam sắc của Pháp.
2. Quốc kỳ thứ nhì: cờ quẻ Ly của chánh phủ Trần Trọng Kim.



Chánh quyền thuộc địa Pháp ở Ðông Dương đã bị quân đội Nhựt lật đổ ngày 9 tháng 3 năm 1945. Hai ngày sau, Hoàng Ðế Bảo Ðại tuyên bố độc lập. Chánh phủ độc lập đầu tiên được thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1945 do nhà học giả Trần Trọng Kim cầm đầu. Quốc hiệu được đổi là Ðế Quốc Việt Nam và theo chương trình hưng quốc được chánh phủ Trần Trọng Kim ban bố ngày 8 tháng 5 năm 1945 thì quốc kỳ được chọn gọi là cờ quẻ Ly. Cờ này cũng nền vàng, ở chính giữa có một quẻ Ly màu đỏ. Ly là một trong 8 quẻ của bát quái và gồm một vạch liền, một vạch đứt và một vạch liền, bề rộng của các vạch này chỉ bằng một phần bề rộng chung của lá cờ.
Cờ quẻ Ly trên nguyên tắc là cờ của cả nước Việt Nam gồm có ba kỳ. Nhưng trong thực tế, nhà cầm quyền quân sự Nhựt đã không trao trả Nam Kỳ ngay cho triều đình Huế. Việc trao trả này chỉ thực hiện ngày 14 tháng 8 năm 1945, nghĩa là 4 ngày sau khi chánh phủ Nhựt quyết định đầu hàng Ðồng Minh và 10 ngày trước khi Hoàng Ðế Bảo Ðại thoái vị. Do đó, đại diện của triều đình Huế chưa bao giờ được thật sự cầm quyền ở Nam Việt và cờ quẻ Ly đã không được dùng ở đó.
Trong thời gian từ ngày Nhựt đảo chánh Pháp cho đến khi Việt Minh củng cố được chánh quyền cộng sản ở Nam Việt thì cả lãnh thổ này không có quốc kỳ. Lá cờ là điểm hội tập các phần tử quốc gia Nam Việt quyết tâm tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam thời đó là cờ của Thanh Niên Tiền Phong, một tổ chức được thành lập ngày 21 tháng 4 năm 1945, sau khi Nhựt đảo chánh Pháp, để giúp vào việc cứu trợ những nạn nhơn của các cuộc oanh tạc của Ðồng Minh và sau đó, tiếp tay vào việc giúp đỡ đồng bào miền Bắc bị nạn đói. Cờ của Thanh Niên Tiền Phong nền vàng, chính giữa có ngôi sao đỏ. Nó không hề được xem là quốc kỳ, nhưng vì nó là cờ huy động các thanh niên ái quốc Nam Việt cầm tầm vông vạt nhọn đứng lên tranh đấu với Quân Ðội Viễn Chinh Pháp đến xâm chiếm Nam Việt trở lại nên tôi thấy có nhiệm vụ phải nhắc đến nó trong bài khảo cứu này về các lá cờ đã được dùng ở Việt Nam.

3. Cờ đỏ sao vàng của tập đoàn Cộng Sản Việt Nam (CSVN).




Khi cướp chánh quyền ở Bắc Việt hồi tháng 8 năm 1945, tập đoàn CSVN dưới tên Việt Minh đã dùng cờ đỏ sao vàng. Cờ này sau đó được họ dùng ở những nơi họ chiếm đoạt được và cho đến nay, vẫn được họ tiếp tục xem là quốc kỳ.


4. Cờ của Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc.





Khi chiếm lại được các thành phố lớn ở Nam Việt, chánh quyền Pháp đã khuyến khích phong trào Nam Kỳ tự trị. Ngày 26 tháng 3 năm 1946, họ đã cho thành lập Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc, tên Pháp là République de Cochinchine và Cộng Hòa Quốc này đã có một quốc kỳ nền vàng, với 5 sọc vắt ngang ở giữa gần như quốc kỳ của ta hiện tại, nhưng thay vì ba sọc đỏ và hai hai sọc vàng như quốc kỳ của ta, nó gồm ba sọc xanh và hai sọc trắng chen nhau. Xét về mặt thẩm mỹ, cờ này rất khó coi. Bởi đó, trong những bài trào phúng trong báo Ðuốc Việt là cơ quan ngôn luận bán chánh thức của Xứ Bộ Nam Việt Ðại Việt Quốc Dân Ðảng lúc ấy, tôi đã đặt cho nó cái biệt danh là lá cờ sốt rét.

5. Quốc kỳ của chúng ta hiện nay.




Quốc kỳ của chúng ta hiện nay do một họa sĩ nổi tiếng thời Thế Chiến II là Lê Văn Ðệ vẽ và đã được Cựu Hoàng Bảo Ðại chọn trong nhiều mẫu cờ khác nhau được trình cho ông trong một phiên họp ở Hongkong năm 1948, gồm có ông và đại diện các đoàn thể chánh trị và tôn giáo cùng một số thân hào nhơn sĩ về phía người quốc gia Việt Nam. Như mọi người đều biết, nó có nền vàng với ba sọc đỏ và hai sọc vàng chen nhau nằm vắt ngang ở giữa, bề ngang của mỗi sọc đỏ và vàng này bằng nhau và bề ngang chung của năm sọc bằng 1/3 bề ngang chung của lá cờ. Cờ vàng ba sọc đỏ đã được dùng làm quốc kỳ cho quốc gia Việt Nam khi chánh phủ lâm thời Việt Nam được thành lập ngày 2 tháng 6 năm 1948 dưới sự chủ tọa của Tướng Nguyễn Văn Xuân. Nó đã tiếp tục được dùng suốt thời Ðệ Nhứt và Ðệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam, cho đến ngày nay.


Quoc Ky va Quoc ca VN (gs N Ngoc Huy) (2)

Aucun commentaire: