1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 27 janvier 2007

Cong Uoc quoc te ve quyen Kinh te,xa hoi, van hoa

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa (1966)


Lời mở đầu

Các Quốc Gia Hội Viên ký kết Công Ước này:
- Xét rằng, chiếu theo những nguyên tắc công bố trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền móng của tự do, công lý và hòa bình thế giới.
- Nhìn nhận rằng những quyền này xuất phát từ phẩm giá bẩm sinh của con người.
- Nhìn nhận rằng, chiếu theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, lý tưởng về một con người tự do được giải phóng khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, chỉ có thể đạt được nếu hội đủ những điều kiện thuận tiện để con người được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, cũng như những quyền dân sự và chính trị.
- Xét rằng nghĩa vụ của các quốc gia hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do của con người.
- Nhận định rằng con người có nghĩa vụ đối với những người khác cũng như đối với cộng đồng, nên có trách nhiệm phải phát huy và tôn trọng những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này.

Đồng chấp thuận những điều khoản sau đây :

Phần I

Điều 1 :
1/ Các dân tộc đều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
2/ Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp các phương tiện sinh sống của người dân không thể bị tước đoạt.
3/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

Phần II

Điều 2 :
1/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết, sẽ tự mình và do sự tương trợ và hợp tác quốc tế, đặc biệt về kinh tế và kỹ thuật, ban hành những biện pháp tận dụng những nguồn lợi quốc gia vào mục đích thực thi lũy tiến và đầy đủ những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này bằng những phương pháp thích nghi, đặc biệt là bằng việc ban hành các đạo luật.
2/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm thực thi các quyền liệt kê trong Công Ước này không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
3/ Trong chiều hướng tôn trọng nhân quyền và căn cứ vào khả năng kinh tế trong nước, các quốc gia đang phát triển có thể ấn định những quyền kinh tế nào trong Công Ước này sẽ được bảo đảm áp dụng cho những người không có tư cách công dân.
Điều 3 : Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trong việc hành sử những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa liệt kê trong Công Ước này.
Điều 4 : Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận rằng, về việc hành sử những quyền ghi trong Công Ước, họ chỉ có thể ấn định các giới hạn luật định phụ hợp với bản chất của những quyền này và chỉ nhằm mục đích phát huy sự an lạc chung trong một xã hội dân chủ.
Điều 5 :
1/ Không một quốc gia, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền giải thích các điều khoản trong Công Ước này để cho phép họ hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu diệt những quyền tự do đã được Công Ước thừa nhận, hoặc để giới hạn những quyền tự do này quá mức ấn định trong Công Ước.
2/ Các quốc gia nào đã thừa nhận một số nhân quyền căn bản trong luật pháp quốc gia, công ước, quy chế hay tục lệ, sẽ không được quyền giới hạn hay đình chỉ thi hành các nhân quyền căn bản đó, viện cớ rằng Công Ước này không thừa nhận những nhân quyền đó, hay chỉ thừa nhận trong một phạm vi hạn hẹp hơn.

Phần III

Điều 6 :
1/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền làm việc và cam kết sẽ ban hành những biện pháp để bảo đảm quyền này. Quyền làm việc bao gồm quyền có cơ hội sinh sống nhờ công việc, quyền tự do nhận việc hay lựa chọn việc làm.
2/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này sẽ ban hành những biện pháp để thực thi đầy đủ quyền làm việc, như những chương trình huấn luyện, hướng dẫn kỹ thuật và hướng nghiệp, những chính sách và kỹ thuật để phát triển đều đặn về kinh tế, xã hội và văn hóa, cùng sự toàn dụng nhân công vào việc sản xuất trong điều kiện những quyền tự do chính trị và kinh tế căn bản của cá nhân được bảo đảm.
Điều 7 : Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận cho mọi người quyền được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, đặc biệt với những bảo đảm sau đây :
a) Về việc trả lương cho các công nhân, tối thiểu phải có :
i) Tiền lương tương xứng và công bằng cho các công việc có giá trị ngang nhau không phân biệt đối xử. Đặc biệt phụ nữ được bảo đảm có những điều kiện làm việc tương xứng như nam giới, làm việc ngang nhau được trả lương ngang nhau.
ii) Một mức sống xứng đáng cho bản thân và gia đình phù hợp với những điều khoản của Công Ước này.
b) Có điều kiện làm việc an toàn và không hại đến sức khỏe.
c) Có cơ hội thăng tiến đồng điều cho mọi người và chỉ căn cứ vào thâm niên và khả năng.
d) Có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được ấn định hợp lý số giờ làm việc, kể cả những ngày nghỉ định kỳ có trả lương.
Điều 8 :
1/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm :
a) Quyền tự do thành lập nghiệp đoàn và tham gia nghiệp đoàn (theo nội quy và điều lệ), để bảo vệ và gia tăng quyền lợi kinh tế và xã hội của mình. Sự hành sử quyền này chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu sinh hoạt trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, hay sự hành sử quyền tự do của người khác.
b) Quyền của các nghiệp đoàn được kết hợp thành các tổng liên đoàn quốc gia, và từ đó thành lập hay gia nhập các tổ chức tổng liên đoàn quốc tế.
c) Các nghiệp đoàn được quyền tự do hoạt động và chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu sinh hoạt trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, hay sự hành sử quyền tự do của những người khác.
d) Quyền đình công được hành xử theo luật quốc gia.
2/ Điều luật này không có tác dụng ngăn cấm việc ban hành các giới hạn luật định liên quan đến sự hành sử những quyền này của các giới quân nhân, cảnh sát và công chức quốc gia.
3/ Điều luật này không có hiệu lực cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước Lao Động Quốc Tế năm 1948 về Quyền Tự Do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Lập Hội được ban hành những đạo luật có tác dụng vi phạm những bảo đảm ghi trong Công Ước Lao Động Quốc Tế.
Điều 9 : Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận quyền của mọi người được hưởng an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội.
Điều 10 : Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận rằng :
1/ Vì gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản trong xã hội nên phải được bảo vệ và hỗ trợ mạnh mẽ nhất, đặc biệt trong giai đoạn thành lập và trong khi thi hành nghĩa vụ chăm sóc và giáo dục các trẻ em. Hôn thú được thành lập do sự ưng thuận tự do của những người kết hôn.
2/ Xã hội phải đặc biệt giúp đỡ các sản phụ trong một thời gian hợp lý trước và sau khi sinh nở. Trong thời gian này, các bà mẹ đi làm được nghỉ phép có trả lương hay được hưởng trợ cấp an sinh xã hội cần thiết.
3/ Quốc gia phải ban hành những biện pháp đặc biệt để bảo vệ và hỗ trợ các trẻ em và thiếu niên không phân biệt tình trạng phụ hệ hay bất cứ thân trạng nào khác. Trẻ em và thiếu niên phải được bảo vệ chống mọi hình thức bóc lột về kinh tế và xã hội. Các thiếu niên không được tuyển dụng vào các công việc nguy hiểm đến đời sống hay phương hại đến đạo lý, sức khỏe hay đến sự phát triển bình thường của tuổi trẻ. Vi phạm điều này phải bị truy tố theo luật. Quốc gia cũng phải ấn định số tuổi tối thiểu cho các thiếu niên làm việc lao động có trả lương. Tuyển dụng các thiếu niên dưới tuổi luật định phải bị cấm chỉ và truy tố theo luật.
Điều 11 :
1/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng một mức sống khả quan cho bản thân và gia đình, đủ cơm ăn, áo mặc và nhà ở. Mức sống này phải được nâng cao liên tục. Các quốc gia hội viên kết ước sẽ ban hành những biện pháp thích nghi để quyền này được thực hiện, ý thức rằng sự hợp tác quốc tế trên căn bản tự nguyện giữ vai trò thiết yếu trong việc này.
2/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền căn bản được giải thoát khỏi sự đói khổ, và cam kết sẽ ban hành những biện pháp do quốc gia và do sự hợp tác quốc tế, để thực hiện những chương trình đặc biệt cần thiết như :
a) Cải tiến những phương pháp sản xuất, tồn trữ và phân phối thực phẩm bằng cách tận dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật, phổ biến các kiến thức về dinh dưỡng, phát triển hay canh tân nông nghiệp để đạt được năng suất tối đa về phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
b) Trên phạm vi toàn cầu, phải tiến tới sự phân phối công bằng và hợp lý các thực phẩm trên thế giới tùy theo khả năng của các quốc gia suất cảng thực phẩm và nhu cầu của các quốc gia nhập cảng thực phẩm.
Điều 12 :
1/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người được hưởng tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tâm thần.
2/ Để quyền này được thực thi đầy đủ, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này sẽ ban hành những biện pháp cần thiết sau đây :
a) Giảm bớt tỷ lệ tử vong của thai nhi và hài nhi, bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.
b) Cải thiện những điều kiện vệ sinh trong môi trường sinh thái và môi trường kỹ nghệ.
c) Ngăn ngừa, điều trị và kiểm soát các bệnh dịch, các bệnh đặc biệt tại một địa phương hay tại một loại nghề nghiệp, cũng như các bệnh khác.
d) Tạo điều kiện để bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ y tế và chăm sóc bệnh nhân khi đau yếu.
Điều 13 :
1/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách và nhân phẩm, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; cho mọi người được thực sự tham gia sinh hoạt trong một xã hội tự do, đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo, và yểm trợ các hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hòa bình.
2/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận rằng, đường hướng sau đây sẽ giúp việc thực hiện đầy đủ quyền giáo dục :
a) Giáo dục tiểu học phải có tính cách cưỡng bách và miễn phí cho tất cả mọi người.
b) Giáo dục trung học kể cả các ngành phổ thông, kỹ thuật và hướng nghiệp phải được phổ cập cho tất cả mọi người bằng những phương pháp thích nghi và đặc biệt phải tiến dần đến miễn phí.
c) Giáo dục đại học phải được phổ cập bình đẳng cho mọi sinh viên bằng những phương pháp thích nghi, căn cứ vào khả năng, và đặc biệt phải tiến dần đến miễn phí.
d) Giáo dục căn bản tráng niên được khuyến khích và tăng cường tối đa cho những người chưa tốt nghiệp tiểu học.
e) Hệ thống giáo dục các cấp phải được tích cực phát triển, hệ thống học bỗng tu nghiệp phải được thiết lập và điều kiện vật chất của các nhân viên giảng huấn phải được cải thiện liên tục.
3/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền tự do của phụ huynh học sinh hay người giám hộ, được lựa chọn trường cho con em ngoài hệ thống giáo dục công lập, nếu trường này hội đủ những tiêu chuẩn giáo dục tối thiểu do quốc gia ấn định. Các phụ huynh hay người giám hộ cũng được quyền phụ trách về giáo dục tôn giáo và đạo lý cho con em theo tín ngưỡng của họ.
4/ Điều luật này không có tác dụng can thiệp vào quyền tự do của các cá nhân hay tổ chức trong việc thiết lập và điều hành các định chế giáo dục tư thục với điều kiện cùng theo đuổi những mục tiêu giáo dục nêu ở khoản 1 điều này, và nếu hội đủ tiêu chuẩn giaó dục tối thiểu do quốc gia ấn định.
Điều 14 : Trong thời gian ký kết hay gia nhập Công Ước này, nếu các quốc gia hội viên nào chưa tổ chức được hệ thống tiểu học cưỡng bách và miễn phí trong quản hạt quốc gia (hay trong các lãnh thổ mà họ bảo hộ hay giám hộ), họ cam kết sẽ thiết lập trong vòng hai năm một chương trình hành động với đầy đủ chi tiết để tuần tự ban hành trong một thời gian hợp lý có ghi rõ trong chương trình, một hệ thống giáo dục cưỡng bách và miễn phí cho tất cả các học sinh tiểu học.
Điều 15 :
1/ Các quốc gia hội viên ký kết công ước này thừa nhận quyền của mọi người :
a) Được tham gia vào đời sống văn hóa.
b) Được hưởng các lợi ích của những tiến bộ và sáng chế khoa học.
c) Được bảo vệ những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.
2/ Để thực thi đầy đủ quyền này, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết sẽ ban hành những biện pháp cần thiết trong việc bảo tồn, phát triển và phổ biến khoa học và văn hóa.
3/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền tự do cần thiết cho việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo văn học nghệ thuật.
4/ Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này ghi nhận những lợi ích trong việc khuyến khích và phát triển những liên lạc và hợp tác quốc tế trên lãnh vực khoa học và văn hóa.

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự Và Chính Trị (1966 )

Lời Mở Đầu
Các Quốc Gia Hội Viên ký kết Công Ước này :
- Xét rằng, chiếu theo những nguyên tắc công bố trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền móng của tự do, công lý và hoà bình thế giới.
- Nhìn nhận rằng những quyền này xuất phát từ phẩm giá bẩm sinh của con người.
- Nhìn nhận rằng, chiếu theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, lý tưởng về một con người tự do được hành sử những quyền dân sự và chính trị cũng như được giải phóng khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, chỉ có thể đạt được nếu hội đủ những điều kiện thuận tiện để con người được hưởng những quyền dân sự và chính trị cũng như những kinh tế, xã hội và văn hóa.
- Xét rằng nghĩa vụ của các quốc gia hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do của con người.
- Nhận định rằng con người có nghĩa vụ dối với những người khác cũng như đối với cộng đồng, nên có trách nhiệm phải phát huy và tôn trọng những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này,

Đồng chấp thuận những điều khoản sau đây :

Phần I

Điều 1:
1) Các dân tộc điều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
2) Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp các phương tiện sinh sống của người dân không thể bị tước đoạt.
3) Các quốc gia hội viên ký Công Ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

Phần II

Điều 2:
1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được trong Công Ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh tổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
2) Trong trường hợp những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này chưa được qui định thành văn trong luật pháp quốc gia, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước cam kết sẽ ban hành các đạo luật theo thủ tục lập pháp quốc gia và theo các điều khoản của Công Ước để các quyền này có hiệu lực.
3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước cam kết này:
a) Bảo đảm cho các nạn nhân quyền được đền bù hay được bồi thường thỏa đáng khi những quyền tự do của họ bị vi phạm, dù rằng người vi phạm là một viên chức chính quyền,
b) Bảo đảm cho nạn nhân được quyền khiếu nại tại các tư pháp, hành chánh hay lập pháp quốc gia, hay tại các cơ quan có thẩm quyền và phát triển quyền khiếu tố trước toà án,
c) Bảo đảm các cơ quan có thẩm quyền phải thi hành ngiêm chỉnh những sự đền bù hay bồi thường đã tuyên bố.
Điều 3 : Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trong việc hành sử những quyền dân sự và chính trị ghi trong Công Ước.
Điều 4 :
1) Trong khi tuyên bố tình trạng khẩn trương công cộng vì lý do quốc gia bị đe dọa, các quốc gia hội viên ký Công Ước này có thể ban hành một số biện pháp đình chỉ thi hành các nghĩa vụ của quốc gia ấn định trong Công Ước này. Tuy nhiên những biện pháp này phải có tính cách thật cần thiết vì nhu cầu của tình thế, và không vi phạm các nghĩa vụ của các quốc gia phát sinh từ luật pháp quốc tế, và cũng không được dùng để kỳ thị chủng tộc, màu da, nam nữ, tôn giáo, hay nguồn gốc xã hội.
2) Trong mọi trường hợp những quyền dân sự và chính trị ghi trong các điều 6, 7, 8 ( khoản 1 và 2) và trong các điều 11, 15, 16, 18 của Công Ước không thể bị đình chỉ thi hành.
3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này phải lập tức thông báo qua vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cho các quốc gia hội viên kết ước khác hay biết những điều khoản nào trong Công Ước bị đình chỉ thi hành và vì lý do gì. Ngay sau khi chấm dứt tình trạng khẩn trương công cộng, họ cũng phải thông báo theo thủ tục nói trên.
Điều 5 :
1) Không một quốc gia, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền giải thích các điều khoảng trong Công Ước này để cho phép họ hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu diệt những quyền tự do đã được Công Ước thừa nhận, hoặt để giới hạn những quyền tự do này quá mức ấn định trong Công Ước.
2) Các quốc gia hội viên kết ước nào đã thừa nhận một số nhân quyền cơ bản trong luật pháp quốc gia, công ước, quy chế hay tục lệ, sẽ không được quyền giới hạn hay đình chỉ thi hành các nhân quyền cơ bản đó, viện cớ rằng Công Ước này không thừa nhận những nhân quyền đó, hay chỉ thừa nhận trong một phạm vi hạn hẹp hơn.

Phần III

Điều 6 :
1) Mọi người đều có quyền sống. Đây là một quyền bẩm sinh đượt luật pháp bảo vệ. Không ai có thể bị tước đoạt quyền sống một cách độc đoán.
2) Trong các quốc gia chưa bãi bỏ hình phạt tử hình, tòa án chỉ được tuyên án tử hình với những tội hình sự nghiêm trọng nhất chiếu theo luật pháp áp dụng trong thời gian phạm pháp và không trái với những điều khoản của Công Ước này và của Công Ước Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng. Hình phạt tử hình chỉ có thể được thi hành chiếu theo một bản án chung thẩm của một tòa án có thẩm quyền.
3) Điều luật này không cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này được giải trừ các nghĩa vụ ghi trong Công Ước Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng trong trường hợp sự hành quyết hay sát nhân cấu thành tội diệt chủng.
4) Các bị cáo bị tuyên án tử hình có quyền xin ân xá hay ân giảm hình phạt. Lệnh đại xá, ân xá hay ân giảm hình phạt có thể được ban hành trong mọi trường hợp.
5) Án tử hình không được tuyên án đối với các bị cáo chưa đủ 18 tuổi khi phạm pháp, và cũng không được thi hành đối với các phụ nữ mang thai.
6) Điều luật này không thể được viện dẫn để trì hoãn hay ngăn cản việc bãi bỏ hình phạt tử hình tại các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này.
Điều 7 : Không ai có thể bị tra tấn, hoặc phải chịu những hình phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp phẩm giá con người. Đặc biệt là, nếu không có sự ưng thuận tự do của đương sự, không ai có thể bị dùng vào những cuộc thí nghiệm y học hay khoa học.
Điều 8 :
1) Không ai có thể bị bắt làm nô lệ; chế độ nô lệ và mọi hình thức buôn bán nô lệ đều bị cấm chỉ.
2) Không ai có thể bị bắt làm nô dịch.
3)
a) Không ai có thể bị cưỡng bách lao động.
b) Khoản 3(a) nói trên không được áp dụng tại các quốc gia trong đó luật pháp cho phép tòa án có thẩm quyền tuyên án khổ sai.
c) Trong phạm vi khoản này, không được coi là “lao động cưỡng bách”:
i) Ngoài trường hợp nêu ở khoản (b) trên đây, những công tác hay dịch vụ mà các tù nhân phải làm trong thời gian bị giam giữ chiếu theo một bản án hợp pháp của tòa án, hay phải làm trong thời gian được phóng thích có điều kiện.
ii) Nghĩa vụ quân sự, hay nghĩa vụ quốc gia áp dụng cho những người được luật pháp cho miễn thi hành nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm.
iii) Nghĩa vụ cộng đồng trong trường hợp khẩn trương hay thiên tai đe dọa đời sống hay sự an lạc của cộng đồng.
iv) Nghĩa vụ dân sự thông thường.
Điều 9 :
1) Ai cũng có quyền tự do thân thể và an ninh thân thể. Không ai có thể bị bắt giữ hay giam cầm độc đoán. Không ai có thể bị tước đoạt tự do thân thể ngoại trừ những trường hợp và theo những thủ tục luật định.
2) Khi bị bắt giữ, bị cáo phải được tức thì thông báo về lý do bắt giữ, và phải được thông báo không chậm trễ về tội trạng bị cáo buộc.
3) Bị cáo bị bắt giữ hay giam cầm về một tội hình sự phải được dẫn giải không chậm trễ tới một vị thẩm phán (hay một viên chức có thẩm quyền tư pháp theo luật), để được xét xử trong một thời hạn hợp lý hay được phóng thích. Theo thông lệ, không nhất thiết phải câu lưu bị cáo trước ngày tòa xử. Tuy nhiên để bảo đảm sự hiện diện của bị cáo trong phiên xử hay trong các giai đoạn thẩm vấn, và để thi hành bản án, nếu cần, sự phóng thích tạm bị cáo đòi hỏi phải có bảo đảm.
4) Những người bị bắt giữ hay giam cầm đều có quyền yêu cầu tòa án thụ lý không chậm trễ về tính hợp pháp của sự giam giữ, và được phóng thích nếu sự giam giữ được xem là bất hợp pháp.
5) Các nạn nhân trong những vụ bắt giữ hay giam cầm bất hợp pháp có quyền khiếu tố đòi bồi thường thiệt hại.
Điều 10 :
1) Những người mất tự do vẫn phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm.
2)
a) Ngoại trừ những trường hợp đặt biệt, các bị cáo chưa được xét xử phải được giam giữ cách biệt với những người đã can án và phải được đối xử theo quy chế những người không can án.
b) Các bị cáo thiếu nhi phải được giam giữ cách biệt với người lớn và phải được xét xử trong thời hạn sớm nhất.
c) Chế độ lao tù phải đặt trọng tâm vào việc cải huấn tù nhân, tạo cho họ cơ hội cải hóa và hội nhập vào đời sống xã hội. Các thiếu nhi phạm pháp phải được giam giữ cách biệt với người lớn, và phải được đối xử tùy theo tuổi tác và tình trạng pháp lý của chúng.
Điều 11 : không ai có thể bị giam giữ chỉ vì không có khả năng thi hàng một nghĩa vụ khế ước.
Điều 12 :
1) Những người cư trú hợp pháp trong lãnh thổ một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong lãnh thổ.
2) Mọi người đều được quyền tự do rời khỏi một quốc gia, kể cả quốc gia của mình.
3) Những quyền tự do ghi trên không thể bị giới hạn, ngoại trừ những trường hợp luật định vì nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác, và nếu không trái với những quyền tự do khác được thừa nhận trong Công Ước này.
4) Không ai có thể bị tước đoạt quyền hồi hương một cách độc đoán.
Điều 13 : Ngoại kiều cư trú hợp pháp trong lãnh thổ các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này chỉ có thể bị trục xuất do một quyết định hợp pháp. Trừ trường hợp có lý cưỡng thúc về an ninh quốc gia, người bị trục xuất có quyền trình bày lý do để chống lại quyết định trục xuất, và có quyền nhờ người biện hộ nạp đơn xin tái xét hồ sơ trục xuất tại các cơ quan hay người đại diện cơ quan có thẩm quyền.
Điều 14 :
1) Mọi người đều bình đẳng trước tòa án. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập, vô tư và có thẩm quyền theo luật, để phán xử về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc hay về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong các vụ tranh tụng khác. Báo chí và công chúng có thể không được tham dự một phần hay toàn thể phiên xử, vì nhu cầu đạo lý, trật tự công cộng hay an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hay dể bảo vệ đời sống riêng tư của các đương sự tranh tụng, hay, trong những trường hợp thật cần thiết, khi tòa án quyết định rằng xét xử công khai sẽ làm thiệt hại quyền lợi của công lý, tuy nhiên các bản án hình sự và các bản án khác phải được tuyên đọc công khai trước tòa, ngoại trừ trường hợp để bảo vệ quyền lợi của thiếu nhi hay của gia đình trong những vụ tranh tụng về hôn nhân hay về việc giám hộ các con.
2) Bị cáo về các tội hình sự có quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật.
3) Trong các vụ hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những bảo đảm tối thiểu sau đây:
a) Được tức thì thông báo tội trạng với đầy đủ chi tiết bằng ngôn ngữ mà họ thông hiểu.
b) Quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị sự biện hộ và được quyền liên lạc với luật sư do mình lựa chọn.
c) Được xét xử mau chóng, không diên trì quá đáng.
d) Được hiện diện trong phiên xử để tự biện hộ hay nhờ luật sư biện hộ do mình lựa chọn; được thông báo về quyền này trong trường hợp tự biện hộ; và được quyền có luật sư biện hộ miễn phí vì nhu cầu công lý nếu bị cáo không có phương tiện mướn luật sư.
e) Được đối chất với các nhân chứng buộc tội và được quyền đòi nhân chứng và chất vấn các nhân chứng gỡ tội cho mình, theo cùng một thủ tục.
f) Được quyền có thông dịch viên miễn phí, nếu bị cáo không nói hay không hiểu ngôn ngữ của tòa.
g) Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.
4) Trong các vụ án thiếu nhi, thủ tục xét xử phải căn cứ vào tuổi tác của các bị cáo và hướng về mục tiêu cải huấn can phạm.
5) Các bị cáo bị tuyên phạt có quyền kháng cáo lên tòa trên thủ tục luật định.
6) Trong trường hợp bị cáo bị tuyên hình phạt chung thẩm và sau này bản án bị tiêu hủy hay đương sự được ân xá vì có sự kiện mới phát giác cho biết bị cáo đã bị phạt oan uổng, người bị kết án có quyền đòi bồi thường thiệt hại theo luật, trừ phi có bằng chứng cho biết, sở dĩ sự kiện mới này không được phát giác trong thời gian xử án, một phần hay hoàn toàn tại vì bị cáo.
7) Không ai có thể bị tái thẩm hay bị tuyên phạt một lần nữa về một tội trạng đã được tòa án phán xử chung thẩm bằng cách tuyên phạt hay tha bổng, chiếu theo luật pháp và thủ tục hình sự hiện hành.
Điều 15 :
1) Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay quốc tế áp dụng hồi đó; mà cũng không bị tuyên cáo một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp. Tuy nhiên bị cáo được quyền hưởng hình phạt khoan hồng hơn chiếu theo luật mới ban hành sau ngày phạm pháp.
2) Điều luật này không có tác dụng ngăn cản việc xét xử hay tuyên phạt một bị cáo vì đã làm hay không làm những hành vi cấu thành tội hình sự chiếu theo những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia trong thời gian đương sự phạm pháp.
Điều 16 : Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 17 :
1) Không ai có thể bị xâm phạm trái phép hay độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xúc phạm trái phép đến danh dự và thanh danh.
2) Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 18 :
1) Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền tự do theo một tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự thờ phụng, hành đạo, nghi lễ hay giảng dạy, hoặc riêng tư hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
2) Không ai bị cưỡng bách tước đoạt quyền tự do lựa chọn tôn giáo hay tín ngưỡng.
3) Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.
4) Các quốc gia hội viên ký Công Ước này cam kết tôn trọng quyền của cha mẹ hay người giám hộ trong việc giáo dục các con về tôn giáo hay đạo lý theo tín ngưỡng của họ.
Điều 19 :
1) Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.
2) Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
3) Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu :
a) Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b) Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.
Điều 20 :
1) Mọi hình thức tuyên truyền, cổ võ chiến tranh phải bị luật pháp cấm chỉ.
2) Mọi hình thức gieo rắc căm hờn, xúi giục kỳ thị, hiềm khích, kích thích bạo động giữa các quốc gia hay các tôn giáo phải bị luật pháp cấm chỉ.
Điều 21 : Quyền hội họp có tính cách hòa bình phải được thừa nhận. Việc hành sử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác.
Điều 22 :
1) Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
2) Việc hành sử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác. Điều luật này không có tác dụng ngăn cấm việc ban hành các giới hạn luật định liên quan đến sự hành sử quyền tự do lập hội của các giới quân nhân và cảnh sát.
3) Điều luật này không có hiệu lực cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước Lao Động Quốc Tế năm 1948 về Quyền Tự Do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Lập Hội, được ban hành hay áp dụng những đạo luật có tác dụng vi phạm những bảo đảm về những quyền tự do ghi trong Công Ước Lao Động Quốc Tế.
Điều 23 :
1) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản trong xã hội và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
2) Thanh niên nam nữ đến tuổi thành hôn có quyền kết hôn và lập gia đình.
3) Hôn thú chỉ được thành lập nếu có sự ưng thuận hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
4) Các quốc gia hội viên ký kết công ước này phải ban hành những biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm của vợ chồng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú, cũng như khi ly hôn. Trong trườg hợp ly hôn phải quy định những biện pháp bảo vệ quyền lợi của các con.
Điều 24 :
1) Không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản hay dòng dõi, các trẻ em, với tư cách vị thành niên, phải được gia đình, xã hội và quốc gia bảo vệ.
2) Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi sinh, và được đặt tên họ.
3) Trẻ em có quyền thủ đắc quốc tịch.
Điều 25 :
1) Không bị kỳ thị (như đã quy định ở điều 2) và không bị giới hạn bất hợp lý, mọi công dân đều có quyền và có cơ hội :
a) Được tham gia vào việc điều hành chính quyền, hoặc trực tiếp hoặc qua những đại biểu do mình tự do tuyển chọn.
b) Được bầu cử và ứng cử trong những cuộc tuyển cử tự do và công bằng theo định kỳ, bằng phổ thông đầu phiếu kín, bảo đảm trung thực ý nguyện của cử tri.
c) Được quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
Điều 26 : Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Trên phương diện này, luật pháp cấm mọi kỳ thị và bảo đảm cho tất cả mọi người quyền được bảo vệ một cách bình đẳng và hữu hiệu chống mọi kỳ thị về chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào.
Điều 27 : Đối với các cộng đồng thiểu số về chủng tộc, tôn giáo, hay ngôn ngữ tại các quốc gia hội viên, Công Ước này bảo đảm cho các thành phần thiểu số cùng với những người khác trong cộng đồng của họ được quyền hưởng văn hóa riêng, được truyền giáo và hành đạo riêng, và được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.

Aucun commentaire: