1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 27 janvier 2007

The nao la Dan Chu (2) (Pham Hong Son)

Thế Nào Là Dân Chủ? (phần 2)

Phạm Hồng Sơn

------------------------------------------------

(Tiếp theo phần 1)

CÁC QUYỀN CON NGƯỜI
CÁC QUYỀN KHÔNG THỂ CHUYỂN NHƯỢNG

Chúng ta coi những sự thật sau đây là hiển nhiên: mọi con người được sinh ra đều bình đẳng, họ đã được tạo hóa ban cho một số quyền không thể chuyển nhượng được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền được theo đuổi hạnh phúc. Để bảo đảm cho các quyền đó, các chính phủ được thiết lập nên với quyền lực chính đáng dựa trên sự nhất trí của những người bị quản lý ( người dân).

Trong những lời đáng ghi nhớ này của bản Tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ, Thomas Jefferson đã đưa ra một nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho sự thành lập chính phủ dân chủ. Các chính phủ trong thể chế dân chủ không ban phát các quyền tự do cơ bản mà Jefferson đã nêu, mà chính các chính phủ đó được lập ra để bảo vệ các quyền tự do đó - các quyền mà mọi con người cá nhân hiển nhiên có do sự tồn tại của cá nhân đó.

Theo quan điểm của các nhà triết học ánh sáng của thế kỷ 17 và 18 thì các quyền không thể chuyển nhượng được là các quyền tự nhiên do Tạo hóa ban cho họ. Các quyền này không bị phá hủy khi xã hội dân sự được thiết lập và không một xã hội hay một chính phủ nào có thể xóa bỏ hoặc “ chuyển nhượng” chúng.

Các quyền không thể chuyển nhượng bao gồm các quyền tự do ngôn luận và thể hiện, tự do tín ngưỡng và nhận thức, tự do hội họp và quyền được bảo hộ bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, đây chưa phải là bản liệt kê đầy đủ các quyền mà các công dân có được trong một nền dân chủ. Các xã hội dân chủ đồng thời thừa nhận các quyền dân sự như quyền được xét xử công bằng, và còn lập nên các quyền chủ chốt mà bất kỳ chính phủ dân chủ nào cũng phải duy trì. Vì các quyền này tồn tại không phụ thuộc vào chính phủ, do đó chúng không thể bị luật pháp bãi bỏ cũng như không phụ thuộc vào ý muốn nhất thời của đa số cử tri nào đó. Ví dụ như điều bổ xung đầu tiên của Hiến pháp Hoa kỳ không đưa ra quyền tự do tín ngưỡng hay tự to báo chí cho dân chúng. Điều bổ xung đó nghiêm cấm quốc hội thông qua các luật vi phạm tới tự do ngôn lụân, tự do tín ngưỡng và quyền hội họp ôn hòa. Nhà sử học, Leonard Levy đã phát biểu:“ Các cá nhân có thể trở nên tự do khi chính phủ của họ không tự do .“

Các nội dung chi tiết và các thủ tục của luật pháp liên quan tới quyền con người cần phải thay đổi tùy theo xã hội, nhưng tất cả các nền dân chủ đều được giao trọng trách trong việc xây dựng một cấu trúc xã hội lập hiến, lập pháp để bảo đảm cho các quyền con người đó.

NGÔN LUẬN

Tự do ngôn luận và thể hiện là huyết mạch của bất kỳ xã hội dân chủ nào. Tranh luận, bỏ phiếu, hội họp và phản kháng, thờ phụng và bảo đảm công lý cho mọi người - tất cả những điều này có được đều dựa trên sự tự do và thông suốt của ngôn luận và thông tin. Patrick Wilson, người Canađa, sáng lập ra chương trình truyền hình Đấu tranh cho Dân chủ đã quan sát thấy:” Dân chủ là trao đổi thông tin: mọi người trao đổi với người khác về các vấn đề chung của họ và gây dựng nên một số phận chung. Trước khi con người tự quản được mình thì họ cần phải được tự do để tự thể hiện mình đã.”

Các công dân trong thể chế dân chủ được sống với một niềm tin chắc chắn là thông qua trao đổi cởi mở về các tư tưởng và quan điểm, chân lý và sự thật sẽ được tìm thấy để chiến thắng sai lầm hay dối trá, đồng thời các quan điểm hay các tư tưởng khác sẽ được nhận biết giá trị rõ hơn, các vấn đề thỏa hiệp cũng được xác định rõ ràng và khi đó con đường dẫn tới tiến bộ, phát triển sẽ được khai thông. Sự cởi mở trong trao đổi càng lớn thì kết quả càng tốt đẹp. Nhà bình luận người Mỹ F.B White đã diễn tả điều đó theo cách sau:” Báo chí trong đất nước tự do của chúng ta được tin cậy và hữu ích cho mọi người không phải vì nó có đặc điểm tốt đẹp nào đó mà chính vì sự đa dạng rất lớn của nó. Chừng nào càng có nhiều chủ thể, mỗi chủ thể đều theo đuổi một sự thật riêng của họ thì chúng ta - những người dân càng có cơ hội đạt tới chân lý và mọi vấn đề luôn được sáng tỏ. Đó là sự an toàn của số đông.”

Trái hẳn với các chế độ độc tài, các chính phủ dân chủ không kiểm soát, ra lệnh hay đánh giá nội dung của ngôn luận viết hoặc nói. Thể chế dân chủ dựa trên các công dân có học vấn và hiểu biết mà khả năng tiếp cận của họ đối với thông tin càng lớn thì càng làm cho họ có nhiều khả năng tham gia đầy đủ hơn vào các hoạt động xã hội. Sự dốt nát sinh ra sự thờ ơ. Thể chế dân chủ đạt được thịnh vượng dựa trên sức mạnh của các công dân luôn được tắm trong các dòng tư tưởng, dữ kiện, ý kiến và sự xét đoán một cách tự do. Nhưng chính phủ nên làm gì trong trường hợp các phương tiện thông tin hoặc một số tổ chức khác lạm dụng quyền tự do ngôn luận để tạo ra các thông tin mà theo đa số là không đúng sự thật, phản cảm, vô trách nhiệm hoặc đơn giản chỉ là khó chấp nhận? Nói chung, câu trả lời sẽ là: không làm gì cả! đơn giản chỉ là: công việc của chính phủ không phải để xử lý những vấn đề như thế. Nói chung, phương thuốc cho tự do ngôn luận chính là ngôn luận tự do hơn. Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng nhân danh ngôn luận tự do, thể chế dân chủ đôi khi phải bảo vệ quyền của các cá nhân và các tổ chức khi họ tự cho rằng các chính sách phi dân chủ đang đàn áp ngôn luận tự do. Các công dân của xã hội dân chủ bảo vệ các quyền này với một niềm tin tưởng là sự tranh luận cởi mở cuối cùng sẽ dẫn tới sự thật lớn hơn và các hành động của dân chúng sẽ khôn ngoan hơn so với khi ngôn luận hay sự bất đồng bị bóp nghẹt.

Hơn thế nữa, lý do cần phải có ngôn luận tự do còn ở chỗ sự đàn áp ngôn luận tự do mà ta thấy đối với ai đó hôm nay sẽ có khả năng là mối đe dọa tới ngôn luận tự do của chính chúng ta vào ngày mai. Một trong những biện luận kinh điển cho quan điểm này là của nhà triết học người Anh John Stuart Mill, ông đã chỉ ra từ năm 1859 trong luận văn “ Bàn về Tự do” rằng toàn dân bị tổn hại khi ngôn luận bị đàn áp. “Nếu dư luận là đúng, họ bị tước đoạt mất cơ hội chuyển sự nhầm lẫn thành sự thật, nếu dư luận là sai, họ mất cơ hội để có được nhận thức rõ ràng hơn và mất cơ hội nhìn nhận sự thật sâu sắc hơn khi được đối chiếu với sai lầm.”

Hệ quả của tự do ngôn luận là quyền của nhân dân được nhóm họp và đòi hỏi một cách ôn hòa chính phủ phải lắng nghe những mối bất bình của họ. Không có quyền hội họp, không có quyền được lắng nghe, khi đó tự do ngôn luận không còn giá trị nữa. Do đó, tự do ngôn luận coi như là vô nghĩa nếu không được gắn bó mật thiết với quyền hội họp, phản kháng và quyền đòi hỏi thay đổi. Các chính phủ dân chủ có thể qui định một cách hợp pháp về thời gian và địa điểm của các cuộc tập hợp và tuần hành chính trị để duy trì hòa bình, nhưng họ cũng không thể sử dụng quyền lực để đàn áp sự phản kháng hoặc ngăn cản các nhóm, các tổ chức phản đối lên tiếng cho công luận nghe rõ.

TỰ DO VÀ NIỀM TIN

Tự do tín ngưỡng, hay nói rộng hơn là tự do về nhận thức có nghĩa là không ai bị đòi hỏi phải tin theo một tôn giáo hoặc một niềm tin nào ngược lại với mong muốn của riêng họ. Hơn nữa, không ai bị trừng phạt hay ngược đãi bằng bất kỳ hình thức nào chỉ vì họ chọn lựa một tôn giáo này chứ không phải tôn giáo khác, hoặc không chọn lựa một tôn giáo nào cả. Nhà nước dân chủ công nhận niềm tin tôn giáo của con người là vấn đề hết sức riêng tư. Theo một nghĩa liên quan, tự do tôn giáo có nghĩa là không một người nào bị chính phủ bắt buộc phải chấp nhận một nhà thờ hoặc một niềm tin chính thức nào cả. Trẻ em không bị bắt buộc phải theo học ở một trường tôn giáo và không một ai bị đòi hỏi phải tham dự các công việc tôn giáo, cầu nguyện hoặc tham gia vào các hoạt động tôn giáo ngược với ý nguyện của họ. Trải qua lịch sử và truyền thống lâu đời, rất nhiều các quốc gia dân chủ đã thiết lập một cách chính thống các nhà thờ hoặc tôn giáo với sự bảo trợ của nhà nước. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm nhẹ trách nhiệm của các chính phủ dân chủ trong vai trò bảo vệ tự do cho các cá nhân mà tín ngưỡng của họ khác với tôn giáo được khuyến khích một cách chính thống.

QUYỀN CÔNG DÂN: QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM

Các thể chế dân chủ dựa trên nguyên tắc là chính phủ tồn tại để phục vụ nhân dân, còn nhân dân không tồn tại để phục vụ chính phủ. Nói cách khác, nhân dân là các công dân của nhà nước dân chủ chứ không phải là đối tượng của nhà nước dân chủ. Khi nhà nước bảo vệ những quyền của các công dân, thì đáp lại, các công dân cho nhà nước lòng trung thành của họ. Dưới một chế độ độc tài, nhà nước tồn tại như một thực thể tách rời xã hội, đòi hỏi lòng trung thành và sự phục vụ từ những người dân của họ mà không có một bổn phận tương xứng nào đối với dân chúng để đảm bảo có được sự nhất trí của người dân đối với các hành động của họ.

Chẳng hạn, khi các công dân trong một xã hội dân chủ đi bầu cử là họ thực thi quyền và trách nhiệm của họ để nhằm xác định ai sẽ là người thay mặt họ thực hiện quản lý xã hội. Trái lại, trong một nhà nước độc tài, những hoạt động bầu cử chỉ nhằm hợp pháp hóa sự lựa chọn đã định sẵn của chế độ. Sự bầu cử trong một xã hội như thế không dính líu gì tới các quyền cũng như trách nhiệm của các công dân, mà chỉ là một sự bày tỏ cưỡng bức sự ủng hộ của công chúng cho chính phủ.

Tương tự, các công dân trong một xã hội dân chủ được tận hưởng quyền tham dự vào các tổ chức không phụ thuộc vào chính phủ và được tự do tham gia vào các hoạt động của xã hội. Đồng thời họ cũng phải chấp nhận nghĩa vụ như quyền tham gia đó: Tự tìm hiểu và học hỏi các vấn đề nảy sinh, biết dung hòa khi xử sự với những người có quan điểm trái ngược, và biết thỏa hiệp khi cần thiết để đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, trong một nhà nước độc tài chỉ có rất ít hoặc không có các tổ chức hoặc các nhóm tình nguyện tư nhân. Các tổ chức đó, nếu có, không đóng vai trò như các phương tiện cho các cá nhân để tranh luận các vấn đề hay thực hiện các công việc riêng của họ mà họ chỉ phục vụ như một cánh tay của nhà nước để bắt các đối tượng của nhà nước phải phục tùng.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự cho ta một ví dụ khác nhau và trái ngược nhau về quyền và trách nhiệm trong các xã hội dân chủ và phi dân chủ. Cả hai loại xã hội đó đều yêu cầu các thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự trong thời bình. Trong nhà nước độc tài, sự bắt buộc này được áp đặt một cách đơn phương. Trong nhà nước dân chủ, thời hạn phục vụ trong quân đội là một nhiệm vụ mà các công dân phải thực hiện thông qua luật của chính phủ do chính các công dân đó bầu ra. Trong mọi xã hội, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thời bình có thể không được các cá nhân hoan nghênh. Nhưng người lính-công dân trong một xã hội dân chủ thực hiện nghĩa vụ đó với một nhận thức là họ đang đảm nhiệm một bổn phận mà xã hội của anh ta đã tự cam kết phải thực hiện. Hơn thế nữa, các thành viên trong một xã hội dân chủ có quyền thực hiện nghĩa vụ đó theo cách tập thể hoặc thay đổi bổn phận đó: giải trừ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và thành lập quân đội tự nguyện như Hoa kỳ và một số nước khác đã làm; thay đổi thời hạn phục vụ trong quân đội như ở Đức; hoặc ở Thụy sĩ, duy trì một đội ngũ nam giới dự bị cho nghĩa vụ quân sự như một phần cơ bản của quyền công dân.

Quyền công dân trong những ví dụ kể trên dẫn đến một định nghĩa rộng hơn về quyền và nghĩa vụ, bởi lẽ chúng là hai mặt đối lập của một vấn đề. Việc thực hiện các quyền của một cá nhân cũng đồng thời là trách nhiệm của họ phải bảo vệ và nâng cao các quyền đó của chính họ và của người khác. Ngay cả các công dân trong các thể chế dân chủ đã được thiết lập vững mạnh cũng thường hiểu sai mối quan hệ đó và thường chỉ chú ý tới lợi ích của các quyền trong khi phớt lờ các trách nhiệm, nghĩa vụ. Như nhà chính trị học Benjamin Barber ghi nhận:” Dân chủ thường được hiểu như là sự thống trị của số đông và quyền càng được hiểu như sự sở hữu của các cá nhân và dẫn đến như là sự đối lập tất yếu đối với dân chủ số đông. Nhưng như thế là hiểu sai cả về quyền lẫn dân chủ.”

Chúng ta nhận thấy một sự thật chắc chắn là khi các công dân thực hiện các quyền cơ bản hay quyền không thể chuyển nhượng được - như tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo thì chính các quyền đó sẽ thiết lập nên các giới hạn đối với mọi chính phủ được xây dựng trên cơ sở dân chủ. Do đó những quyền cá nhân chính là bức tường thành ngăn chặn sự lạm dụng của chính phủ hoặc bất kỳ số đông chính trị nhất thời nào.

Nhưng theo một nghĩa khác, các quyền cũng như các cá nhân con người, không hoạt động một cách cô lập. Quyền không phải là sự sở hữu riêng của cá nhân mà nó chỉ tồn tại khi nó được thừa nhận bởi các công dân khác của xã hội. Cử tri, như nhà triết học người Mỹ Sidney Hook đã diễn tả đó là “ người trông coi sau chót đối với sự tự do của chính họ.”. Với quan điểm này thì chính phủ dân chủ do dân bầu và có trách nhiệm trước dân không thể là kẻ đối lập với các quyền cá nhân mà phải là người bảo hộ các quyền đó. Chính khi nâng cao các quyền lợi của họ mà các công dân trong một thể chế dân chủ thực hiện các nghĩa vụ và bổn phận của họ.

Nói rộng ra thì các nghĩa vụ này bao gồm cả sự tham gia vào các hoạt động dân chủ để đảm bảo dân chủ được thực hiện. Ở mức tối thiểu, các công dân nên tự tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề bức xúc đang diễn ra trong xã hội của họ, như việc bỏ phiếu bầu cho các vị trí lãnh đạo cao cấp sao cho sáng suốt. Và thực hiện một số nghĩa vụ khác như tham gia đoàn hội thẩm trong các phiên tòa dân sự hoặc hình sự một cách tự nguyện hoặc đôi khi tuân theo luật qui định.

Cốt lõi của hành động dân chủ là sự tham gia của các công dân một cách tích cực và tự do lựa chọn vào trong đời sống công cộng của cộng đồng hay quốc gia của họ. Nếu không duy trì được sự tham gia rộng rãi này, dân chủ sẽ tàn lụi và trở thành đặc quyền cho một nhóm nhỏ đã được lựa chọn trong các tổ chức. Nhưng với sự cam kết tích cực của các cá nhân trong toàn xã hội, các thể chế dân chủ có thể vượt qua các cơn bão chính trị hay kinh tế - là các vấn đề không thể tránh khỏi đối với mọi xã hội, mà không phải hy sinh các quyền lợi và sự tự do mà họ đã tuyên thệ gìn giữ.

Sự tham gia tích cực vào đời sống xã hội thường được hiểu một cách hạn hẹp như là sự tranh giành các vị trí chính trị. Nhưng sự tham gia của các công dân trong một xã hội dân chủ mang ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều việc chỉ tham gia vào các cuộc tranh cử. Ở mức độ tỉnh hoặc địa phương, các công dân có thể tham gia vào những việc như họat động trong các ủy ban trường học, thành lập các nhóm cộng đồng hoặc kể cả giữ các vị trí lãnh đạo ở địa phương. Ở mức độ bang, tỉnh, hoặc quốc gia, các công dân có thể đóng góp ý kiến của họ bằng cách phát biểu hoặc gửi văn bản tới các cuộc tranh luận về các vấn đề công cộng hoặc họ có thể tham gia vào các đảng chính trị, liên đoàn lao động hoặc các tổ chức tình nguyện. Cho dù ở mức độ nào, một nền dân chủ lành mạnh cũng dựa trên sự tham gia liên tục, công khai của số đông công dân.

Diane Ravitch đã viết:” Dân chủ là một quá trình, một cách thức sống và làm việc cùng nhau. Đó là một quá trình luôn phát triển chứ không đứng im. Nó đòi hỏi sự hợp tác, thỏa hiệp, và dung hòa giữa các công dân. Làm cho dân chủ được thực hiện là một điều khó khăn chứ không dễ dàng. Tự do đồng nghĩa với nghĩa vụ chứ không phải tự do từ nghĩa vụ.”

Thể chế dân chủ là sự biểu hiện các lý tưởng về tự do và tự thể hiện, nhưng nó cũng là sự thể hiện rõ ràng về bản chất của loài người. Nó không đòi hỏi con người phải có một đạo đức toàn diện, nó chỉ đòi hỏi con người phải có trách nhiệm. Như nhà thần học người Mỹ Reinhold Nieburh đã phát biểu:” Khả năng của con người đấu tranh cho sự công bằng sẽ tạo nên dân chủ, nhưng sự suy đồi của con người dẫn tới bất công sẽ tạo nên đòi hỏi tất yếu của dân chủ.”

CÁC QUYỀN CON NGƯỜI VÀ CÁC MỤC TIÊU CHÍNH TRỊ

Như một nguyên lý, sự bảo vệ quyền con người được ủng hộ ở khắp nơi: được đưa vào hiến pháp của các nước trên khắp thế giới cũng như được đưa vào trong Hiến chương Liên hợp quốc hoặc trong các thỏa thuận quốc tế như thỏa ước Helsinki ( hội nghị về an ninh và hợp tác châu Âu - CSCE ).

Nhưng việc phân biệt các loại quyền khác nhau của con người lại là một vấn đề khác. Gần đây, có một xu thế, đặc biệt lưu hành trong các tổ chức quốc tế, là mở rộng các quyền cơ bản của con người. Từ các tự do cơ bản về ngôn luận và đối xử bình đẳng trước pháp luật, các tổ chức đó bổ xung thêm các quyền có việc làm, quyền được hưởng giáo dục, quyền có tính văn hóa riêng hay quốc tịch và có điều kiện sống thích hợp.

Các đề nghị đó đều là những nguyện vọng có ý nghĩa, nhưng khi những yêu cầu như thế trở thành quyền sẽ có nguy cơ làm giảm giá trị ý nghĩa của các quyền cơ bản của người công dân, của con người . Hơn nữa, chúng làm giảm đi sự phân biệt giữa các quyền mà mọi cá nhân đều có và cũng làm sao nhãng mục tiêu mà mọi cá nhân, mọi tổ chức, mọi chính phủ quyết tâm phấn đấu để đạt được.

Để bảo vệ các quyền không thể chuyển nhượng được, như quyền tự do ngôn luận, các chính phủ phải biết kiềm chế bằng cách tự giới hạn các hành động của mình. Trong khi để khuyến khích giáo dục, phát triển y tế và đảm bảo công ăn việc làm lại đòi hỏi chính phủ điều ngược lại: chính phủ phải tích cực tham gia trong việc thúc đẩy một số chính sách và chương trình xã hội. Sự chăm sóc đầy đủ về sức khỏe và các cơ hội giáo dục phải là quyền lợi đương nhiên của mọi trẻ em. Nhưng điều đáng buồn là trên thực tế không phải như vậy, và khả năng của mỗi xã hội để đạt được mục tiêu này cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, trong khi mong muốn biến tất cả mọi khát vọng của loài người trở thành quyền của con người, vô hình chung các chính phủ đang có nguy cơ làm tăng thêm chủ nghĩa hoài nghi và mang lại sự coi nhẹ đối với tất cả các quyền của con người.

CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI




Tự do ngôn luận, thể hiện và tự do báo chí.

Tự do tôn giáo.

Tự do hội họp và lập hội.

Quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật.

Quyền được tố tụng đúng đắn và xét xử công bằng.


The nao la Dan Chu (3) (Pham Hong Son)

Aucun commentaire: