Thế Nào Là Dân Chủ? (phần 1)
Phạm Hồng Sơn
---------------------------------------------------
Bản dịch của Phạm Hồng Sơn và Thư Lê
(Tác giả giữ bản quyền và chịu mọi trách nhiệm về bản dịch)
-Hà nội 01/2002-
Xin kính tặng tất cả những người khao khát Tự do, Hòa bình và mưu cầu một Cuộc sống đầy đủ trên đất nước Việt nam
Chúng tôi xin bày tỏ tấm lòng tri kỷ, tri ân với những người dám thể hiện sự yêu chuộng tự do và dân chủ đã mang lại nhiều gợi mở cho chúng tôi trong cuộc sống.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam đã giúp đỡ về tư liệu và thiện chí cho bản dịch này được hoàn thành.
Vài dòng tâm sự: Những năm gần đây tại Việt nam chúng ta, từ “Dân chủ” đã xuất hiện trở lại trong một số nghị quyết, khẩu hiệu của đảng cộng sản, tuy nhiên vẫn thể hiện một cách dè dặt và trong dân chúng vẫn có gì đó e ngại khi đề cập. Điều này cũng tương tự như trước đây đối với các từ hoặc tập hợp từ “khoán nông nghiệp”, “buôn bán tư nhân”. Trong lĩnh vực kinh doanh hiện nay đã có rất nhiều giáo trình cơ sở về quản trị, giao tiếp, marketing mà phần lớn được soạn hoặc dịch hoặc nguyên bản từ các nước kinh tế tư bản phát triển nhất như Hoa kỳ, Pháp, Nhật bản, Canada,... giúp cho chúng ta tìm hiểu, học hỏi để thực hành kinh doanh thành công. Đó là một điều đáng mừng! Tuy nhiên, trong lĩnh vực xã hội và chính trị, hầu như chưa có sự trao đổi tương tự. Chúng tôi thiển nghĩ, một đất nước phát triển, phải là một đất nước phát triển cả về kinh tế và tư tưởng cũng như một con người không thể chỉ chú ý đến việc bồi bổ thể lực cơ bắp mà quên đi phát triển tinh thần, trí tuệ. Mà để phát triển tinh thần, trí tuệ thì không có con đường nào khác tốt hơn là để con người đó được tiếp xúc, trao đổi, va chạm với xã hội xung quanh trong đó có các cá thể khác và thiên nhiên rộng lớn. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã cố gắng hoàn thành sớm bản dịch “What is Democracy?” từ trang web của đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam, với sự nóng lòng của chính bản thân chúng tôi và hy vọng cũng là mong đợi của quí vị, như một kiến thức cơ sở tham khảo cho những người quan tâm tới vấn đề chính trị, xã hội của Việt nam. Mong muốn thì nhiều, nhưng hạn chế về kiến thức chính trị, luật pháp, cũng như ngôn ngữ Việt và Anh của chúng tôi, có thể sẽ dẫn đến một số sai sót ngoài ý muốn hoặc chưa làm vừa lòng quí vị, mong quí vị hết sức thông cảm và chúng tôi mong đón nhận sự chỉ bảo, góp ý.
Cuối cùng, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quí vị đã lưu tâm tới bản dịch này và chúc quí vị sức khỏe, hạnh phúc.
Hà nội, ngày 04/02/2002
Phạm Hồng Sơn
Mọi ý kiến xin gửi về:
Phạm Hồng Sơn 72B Thụy Khuê - Tây hồ - Hà nội
ĐT: 847 35 83; 0903 21 3776
E-mail: sonhqv@hn.vnn.vn
------------------------------------------------
MỤC LỤC
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
ÐỊNH NGHĨA DÂN CHỦ
-CHÍNH PHỦ CỦA DÂN
-NGUYÊN TẮC ÐA SỐ VÀ CÁC QUYỀN THIỂU SỐ
-XÃ HỘI DÂN CHỦ
-CÁC CỘT TRỤ CỦA NỀN DÂN CHỦ
CÁC QUYỀN CON NGƯỜI
-CÁC QUYỀN KHÔNG THỂ CHUYỂN NHƯỢNG
-NGÔN LUẬN
-TỰ DO VÀ NIỀM TIN
-QUYỀN CÔNG DÂN: QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM
-CÁC QUYỀN CON NGƯỜI VÀ CÁC MỤC TIÊU CHÍNH TRỊ
-CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
NGUYÊN TẮC CỦA LUẬT PHÁP
-SỰ BÌNH ÐẲNG VÀ LUẬT PHÁP
-THỰC THI ÐÚNG CÁCH
-CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN ÐỂ THỰC THI LUẬT ÐÚNG CÁCH TRONG MỘT THỂ CHẾ DÂN CHỦ
-HIẾN PHÁP
BẦU CỬ
-MẤU CHỐT CỦA BẦU CỬ
-THẾ NÀO LÀ BẦU CỬ DÂN CHỦ ?
-ÐẠO ÐỨC DÂN CHỦ VÀ PHE ÐỐI LẬP TRUNG THÀNH
VĂN HÓA DÂN CHỦ
-MỘT NỀN VĂN HÓA CỦA CÔNG DÂN
-DÂN CHỦ VÀ GIÁO DỤC
-XUNG ÐỘT, THỎA HIỆP, ÐỒNG THUẬN
CHÍNH PHỦ DÂN CHỦ
-DÂN CHỦ VÀ QUYỀN LỰC
-KIỂM TRA VÀ CÂN BẰNG
-THỦ TƯỚNG VÀ TỔNG THỐNG
-NHỮNG NGƯỜI ÐẠI DIỆN
-NGHỊ VIỆN VÀ TỔNG THỐNG
CHÍNH TRỊ, KINH TẾ VÀ ÐA NGUYÊN
-SỰ THAM GIA HOẠT ÐỘNG XÃ HỘI
-HOẠT ÐỘNG BỎ PHIẾU
-CÁC ÐẢNG CHÍNH TRỊ
-PHẢN ÐỐI
-CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN
-DÂN CHỦ VÀ KINH TẾ
-TIẾNG NÓI
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
LỜI GIỚI THIỆU
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà tiếng gọi cho tự do và dân chủ đang vang lên trên khắp địa cầu. Đông Âu vừa vứt bỏ các chính phủ chuyên chế tồn tại gần nửa thế kỷ và các nước cộng hòa trong khối Xô-viết cũ cũng đang tranh đấu để thay thế chế độ cộng sản tồn tại gần 75 năm bằng một trật tự dân chủ mới- cái mà trước đây có thể họ chưa bao giờ trải qua. Tuy nhiên, bi kịch xảy ra xung quanh các thay đổi đáng kinh ngạc trong hệ thống chính trị tại châu Âu đang phủ một bóng đen lên viễn cảnh tươi sáng mà dân chủ hứa sẽ đem lại - chính sự hứa hẹn này đang liên kết và huy động sức mạnh của mọi người trên khắp thế giới. Nam Mỹ và Bắc Mỹ hiện nay thực sự đang là một bán cầu của dân chủ; châu Phi đang trải qua một kỷ nguyên vô tiền của cải cách dân chủ và các thể chế dân chủ mới và năng động hiện đang bén rễ tại châu Á.
Hiện tượng toàn cầu này đang làm cho những người hoài nghi phải suy nghĩ lại, những người hoài nghi cho rằng dân chủ tự do hiện đại chỉ là một sản phẩm nhân tạo độc nhất của phương Tây và không thể tái tạo thành công được ở các nền văn hóa không phải phương Tây. Trong một thế giới mà dân chủ đã được thực thi ở nhiều dân tộc khác nhau như Nhật bản, Italia và Vênezuêla, các định chế dân chủ có thể lên tiếng một cách chính thức cho các khát vọng mang tính nhân loại toàn cầu về tự do và tự quản.
Làn sóng dâng trào mạnh mẽ vì tự do trong suốt thập kỷ qua đã đảm bảo cho sự thành công tối hậu của nó. Chester E. Finn, Jr.- giáo sư về chính sách giáo dục và cộng đồng thuộc trường đại học Vanderbilt và là giám đốc của Tổ chức giáo dục xuất sắc ( Educational Excellence Network), đã phát biểu trước một nhóm các nhà giáo dục và các thành viên chính phủ tại Managua, Nicaragua:” Con người tự nhiên đã ưa thích tự do hơn áp bức, giả dụ điều đó có thể thực sự được mang lại, thì điều đó không có nghĩa là các hệ thống chính trị dân chủ có thể được xây dựng nên và được duy trì bằng sự mong đợi. Ngược lại, các ý tưởng dân chủ luôn tồn tại nhưng việc thực hiện dân chủ lại lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố.”
Ngày nay, các giá trị dân chủ có thể đang được xem lại, nhưng được xem lại theo suốt quá trình lịch sử lâu dài của loài người, từ cuộc cách mạng Pháp cuối thế kỷ 18 cho tới sự xuất hiện của các chế độ một đảng vào giữa thế kỷ 20, phần lớn các thể chế dân chủ còn ít và tồn tại không lâu. Thực tế này không làm cho chúng ta bi quan hay thất vọng, mà ngược lại đó là sự thách thức chúng ta phải vượt qua. Trong khi các khát vọng tự do là điều tự nhiên bẩm sinh của con người thì việc thực hiện dân chủ lại đòi hỏi phải được giáo dục và huấn luyện. Liệu bản lề của lịch sử có còn tiếp tục mở các cánh cửa của tự do nữa không? điều này phụ thuộc vào sự quyết tâm cống hiến và sự khôn ngoan tập thể của chính bản thân người dân chứ không dựa trên bất kỳ qui luật nào của lịch sử và chắc chắn cũng không dựa trên lòng nhân từ được mong mỏi từ các nhà lãnh đạo độc đoán.
Khác với một số nhận thức, một xã hội dân chủ lành mạnh không chỉ đơn giản là một đấu trường cho các cá nhân theo đuổi các mục đích của cá nhân họ. Dân chủ sẽ chỉ được thực hiện khi dân chủ là mong muốn của các công dân có quyết tâm sử dụng quyền tự do mà họ vất vả mới giành được để tham gia vào đời sống của xã hội - góp tiếng nói của họ vào các tranh luận tập thể, bầu ra các vị đại diện có trách nhiệm đối với các hành động của họ và chấp nhận đòi hỏi sự dung hòa và thỏa hiệp trong đời sống công cộng. Các công dân của nền dân chủ được tận hưởng quyền tự do cá nhân, nhưng họ cũng phải chia sẻ trách nhiệm cùng mọi người khác xây dựng một tương lai trong đó các giá trị cơ bản của tự do và tự quản vẫn tiếp tục được theo đuổi.
ÐỊNH NGHĨA DÂN CHỦ
CHÍNH PHỦ CỦA DÂN
Dân chủ có thể là một từ quen thuộc với nhiều người, nhưng nó là một khái niệm vẫn bị hiểu sai và sử dụng sai khi các chế độ chuyên chính và các chính thể quân sự độc tài lợi dụng để kêu gọi sự ủng hộ của quần chúng bằng các nhãn hiệu dân chủ giả hiệu cưỡng ép.Tuy thế, sức mạnh của tư tưởng dân chủ cũng đã tạo nên những biểu hiện sâu sắc nhất và nhanh chóng nhất trong lịch sử của ý chí và trí tuệ con người: từ Pericle(1) thời Aten cổ đại tới Vaclav Havel(2) ở cộng hòa Séc hiện đại, từ Tuyên ngôn độc lập của Thomas Jefferson năm 1776 tới các bài diễn văn của Andrei Sakharov(3) năm 1989.
Theo định nghĩa trong từ điển, dân chủ “là chính phủ được thành lập bởi nhân dân trong đó quyền lực tối cao được trao cho nhân dân và được thực hiện bởi nhân dân hoặc bởi các đại diện được bầu ra từ một hệ thống bầu cử tự do”. Theo Abrham Lincoln, dân chủ là một chính phủ “của dân, do dân và vì dân”.
Tự do và dân chủ thường hay được sử dụng thay lẫn nhau nhưng hai từ này không đồng nghĩa với nhau. Dân chủ thực tế là một tập hợp những tư tưởng và nguyên tắc về tự do và cũng bao gồm một tập hợp các thông lệ và các thủ tục đã được đúc kết lại từ quá trình lâu dài, thường không bằng phẳng, của lịch sử. Một cách ngắn gọn, dân chủ là sự thể chế hóa sự tự do. Trên cơ sở này chúng ta có thể định rõ được các nguyên tắc cơ bản đã được thử thách qua thời gian đối với một chính phủ lập hiến, vấn đề nhân quyền, vấn đề bình đẳng trước pháp luật mà bất cứ một xã hội nào được gọi là dân chủ theo đúng nghĩa của nó cũng cần phải có.
Các thể chế dân chủ được phân ra hai loại cơ bản: Trực tiếp và Đại diện. Trong nền dân chủ trực tiếp, mọi công dân, không cần thông qua trung gian là các đại diện được bầu hay chỉ định, có thể tham gia vào quá trình tạo nên các quyết định cho các vấn đề xã hội/công cộng. Một hệ thống như thế rõ ràng chỉ có thể thực hiện được với một số ít người- ví dụ:trong một tổ chức cộng đồng hay một hội đồng bộ lạc nào đó hay một đơn vị địa phương của một liên đoàn lao động khi mà các thành viên có thể gặp gỡ nhau trong một phòng họp để bàn bạc, thảo luận các vấn đề và đi tới quyết định bằng sự đồng thuận hoặc theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số. Những người Aten cổ đại, là thể chế dân chủ đầu tiên, đã thực hiện kiểu dân chủ trực tiếp với một hội đồng bao gồm số lượng thành viên chỉ tới 5000 đến 6000 - có thể đây là số lượng tối đa để có thể tập hợp được ở một địa điểm và thực hiện sự dân chủ trực tiếp.
Xã hội hiện đại, với kích thước và tính phức tạp rất lớn của nó, ít có cơ hội cho loại dân chủ trực tiếp. Ngay như ở vùng đông bắc Hoa kỳ, cuộc họp thị trấn New England đã thành một truyền thống thiêng liêng, thì hiện nay các cộng đồng đã phát triển lớn tới mức không thể tập hợp được tất cả các cư dân ở một nơi để tiến hành bầu, biểu quyết trực tiếp cho các vấn đề có tác động tới cuộc sống của chính họ.
Ngày nay hình thức dân chủ phổ biến nhất, dù là một thị trấn 50.000 người hay một dân tộc trên 50 triệu người, là hình thức dân chủ đại diện: trong đó các công dân bầu ra các công chức là những người đưa ra các quyết định chính trị, xây dựng luật và quản lý các chương trình vì lợi ích công cộng. Nhân danh nhân dân, các công chức đó phải cân nhắc kỹ càng các vấn đề công cộng phức tạp theo một quá trình có tính hệ thống và tính trí tuệ, quá trình này đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, sức lực và vật chất mà thường không thể thực hiện được đối với một số đông các công dân đơn lẻ. Có nhiều cách rất khác nhau để bầu ra các vị công chức. Ví dụ, ở mức độ quốc gia, các nhà lập pháp có thể được chọn lựa từ các bang mà mỗi bang bầu một đại diện ứng cử duy nhất. Theo một cách khác gọi là hệ thống đại diện theo tỷ lệ, mỗi đảng chính trị được đại diện trong cơ quan lập pháp theo tỷ lệ đạt được trong tổng bầu cử quốc gia. Bầu cử tại tỉnh hay địa phương cũng có thể theo mẫu như mức độ quốc gia hoặc bằng cách thân tình hơn thông qua sự đồng thuận của các nhóm thay cho bầu cử. Dù được bầu theo cách nào thì các vị công chức trong nền dân chủ đại diện cũng phải hoạt động và làm việc nhân danh nhân dân và luôn phải chịu trách nhiệm cho các hành động của họ trước nhân dân.
NGUYÊN TẮC ÐA SỐ VÀ CÁC QUYỀN THIỂU SỐ
Các thể chế dân chủ là các hệ thống trong đó mọi công dân được tự do đưa ra các quyết định chính trị theo nguyên tắc đa số. Nhưng nguyên tắc đa số cũng chưa phải là dân chủ: ví dụ, không ai có thể gọi một hệ thống nào đó là công bằng hoặc bình đẳng nếu hệ thống đó chấp nhận cho 51% dân số đàn áp 49% dân số còn lại với nhân danh đa số cả. Trong một xã hội dân chủ, nguyên tắc đa số phải được ràng buộc với sự đảm bảo cho các quyền con người của cá nhân, các quyền này, đổi lại, lại đóng vai trò bảo vệ quyền lợi cho bên thiểu số dù đó là dân tộc ít người, nhóm tôn giáo hay chính trị hoặc chỉ đơn giản là những người thua cuộc trong tranh luận về một vấn đề lập pháp nào đó. Các quyền của thiểu số không phụ thuộc vào ý nguyện của bên đa số và cũng không thể bị loại bỏ bởi biểu quyết đa số. Các quyền lợi của thiểu số được bảo vệ bởi vì các luật dân chủ và các định chế của nó bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân.
Diane Ravitch, nhà nghiên cứu, tác giả và là cựu trợ lý cho bộ trưởng giáo dục Hoa kỳ đã viết trong một bản tham luận cho hội thảo giáo dục tại Ba lan:” khi một thể chế dân chủ kiểu đại diện hoạt động đúng theo hiến pháp mà hiến pháp đó có qui định giới hạn cho quyền lực của chính phủ đồng thời đảm bảo các quyền cơ bản cho mọi công dân, thì chính phủ đó gọi là nền dân chủ lập hiến. Trong một xã hội như thế, các nguyên tắc đa số và các quyền thiểu số được bảo vệ bởi luật và thông qua sự thể chế hóa các điều luật”. Đây chính là các thành phần cơ bản cho mọi thể chế dân chủ hiện đại cho dù nó có thể thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử, văn hóa hay kinh tế. Mặc dù có nhiều sự khác biệt rất lớn giữa các dân tộc và xã hội, các yếu tố cơ bản như chính phủ lập hiến, nguyên tắc đa số kết hợp với quyền thiểu số, quyền cá nhân và nguyên tắc tuân theo luật đều có thể tìm thấy ở Canađa và Côxtarica, Pháp và Bốtsoana, Nhật bản và Ấn độ.
XÃ HỘI DÂN CHỦ
Dân chủ không chỉ là một tập hợp các điều luật hợp hiến và các thủ tục để xác định cách thức hoạt động cho chính phủ. Trong một thể chế dân chủ, chính phủ chỉ là một thành phần cùng tồn tại trong một kết cấu xã hội bao gồm rất nhiều các định chế khác nhau, các đảng chính trị, các tổ chức và các hiệp hội. Tính chất đa dạng này được gọi là đa nguyên và thể chế dân chủ đó qui định sự tồn tại, tính pháp lý hay quyền lực của cáùc tổ chức và các định chế khác trong một xã hội dân chủ không phụ thuộc vào chính phủ. Trong một xã hội dân chủ luôn có hàng ngàn các tổ chức tư nhân hoạt động ở mức độ địa phương hay quốc gia. Rất nhiều trong số tổ chức đó đóng vai trò trung gian giữa các cá nhân và các định chế của chính phủ hay các tổ chức xã hội phức tạp khác mà họ cũng là một thành phần, hoặc thực hiện các vai trò, nhiệm vụ mà chính phủ không được giao và tạo cơ hội cho các cá nhân thực hiện quyền và trách nhiệm của mình với tư cách là công dân của một thể chế dân chủ.
Các nhóm này thể hiện quyền lợi cho các thành viên của họ theo rất nhiều cách: ủng hộ các ứng cử viên vào các vị trí trong các cơ quan công quyền, tranh luận các vấn đề, và cố gắng tạo ảnh hưởng lên các quyết định chính trị. Chỉ thông qua các nhóm như thế, các cá nhân mới có được con đường để tham gia một cách có ý nghĩa vào cả chính phủ và các cộng đồng của chính họ. Có rất nhiều ví dụ cho các nhóm như thế: các tổ chức nhân đạo và nhà thờ, các nhóm môi trường và thân hữu, các tổ chức kinh doanh và các liên đoàn lao động.
Trong một xã hội độc đoán, các tổ chức như thế bị kiểm soát, phải có giấy phép hoạt động và bị theo rõi hoặc phải chịu trách nhiệm đối với chính phủ. Trong một thể chế dân chủ, quyền lực của chính phủ được xác định rõ ràng và bị giới hạn chặt chẽ bởi luật. Và kết quả là các tổ chức tư nhân như thế được tự do, không bị chính phủ kiểm soát; mà ngược lại, rất nhiều các tổ chức đó vận động chính phủ và tìm cách làm nâng cao trách nhiệm của chính phủ đối với các hành động của chính phủ. Một số tổ chức khác quan tâm tới các vấn đề nghệ thuật, thực hiện đức tin tôn giáo, nghiên cứu học thuật hoặc các vấn đề khác có thể có tiếp xúc ít hay hoàn toàn không với chính phủ.
Trong một vương quốc riêng tư sôi nổi của thể chế dân chủ như thế, các công dân đều có mọi khả năng tự do và trách nhiệm đối với vấn đề tự quản lý - không bị sức ép của bất kỳ bàn tay quyền lực nào của nhà nước.
CÁC CỘT TRỤ CỦA NỀN DÂN CHỦ
Quyền tối cao của nhân dân.
Chính phủ thành lập dựa trên sự nhất trí của người dân.
Nguyên tắc đa số.
Các quyền thiểu số.
Đảm bảo các quyền cơ bản của con người.
Bầu cử tự do và công bằng.
Bình đẳng trước pháp luật.
Thực hiện đúng luật.
Hiến pháp đặt ra các giới hạn quyền lực đối với chính phủ.
Đa nguyên về chính trị, kinh tế và xã hội.
Thúc đẩy các giá trị của dung hòa, thực dụng, hợp tác và thỏa hiệp.
The nao la Dan Chu (2) (Pham Hong Son)
http://www.vietdemocracynetwork.net/quocnoi/index.php?cat=vietvoice&id=16
---
Tin hieu dang mung cho dan chu VN ?
The nao la Dan Chu (Pham Hong Son)
The nao la Dan Chu (2) (Pham Hong Son)
The nao la Dan Chu (3) (Pham Hong Son)
The nao la Dan Chu (4) (Pham Hong Son)
The nao la Dan Chu (5) (Pham Hong Son)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire