jeudi 25 janvier 2007
Lai chuyen Tu tuong va dao duc Ho chi Minh (1) TGP
Lại chuyện đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh (I)
Trần Gia Phụng
Đài BBC ngày 11/2/2007 loan tin rằng ở trong nước, đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) vừa đưa ra chỉ thị số 06-CT/TW, tổ chức cuộc vận động dân chúng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhắm làm cho toàn dân nắm vững “nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động sẽ khởi diễn từ ngày 3/2/2007 và tổng kết vào ngày 3/2/2011. Hàng năm, cuộc vận động sẽ được sơ kết vào ngày 19-5. (Theo đảng CSVN, ngày 3-2 là ngày kỷ niệm thành lập đảng, và ngày 19-5 là ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh.)
“Đây là một chủ trương lớn vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong tòan xã hội, đặc biệt trong cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đòan viên, thanh niên học sinh… nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.” (Nguyên văn chỉ thị do BBC trích)
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao có chỉ thị nầy và tại sao chỉ vận động trong bốn năm? Đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?
1. Tại sao có chỉ thị này?
Ai cũng biết, từ lâu nay, đảng CSVN luôn bắt mọi người ở trong nước học tập đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trẻ em tiểu học tới trường đã bị buộc phải học thuộc lòng “Năm điều bác Hồ dạy”. Đó là: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt. Lao động động tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.” Nhắc lại một ví dụ nhỏ như thế để cho thấy là từ lâu, học tập Hồ Chí Minh hầu như là một điều tất yếu cho mọi công dân Việt Nam, từ trẻ em, đến sinh viên, đòan viên thanh niên, phụ nữ, quân đội… Thế thì tại sao nay đảng CSVN lại phải ra chỉ thị tổ chức cuộc vận động dân chúng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”?
Trước khi đi vào vấn đề, cần phải chú ý đến hoàn cảnh mới của Việt Nam. Việt Nam chính thức trở nên thành viên thứ 150 của tổ chức WTO từ ngày 11/1/2007. Có thể nói, hiện nay là thời kỳ quá độ của nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa khi Việt Nam tiến lên hội nhập vào nền kinh tế thị trường trên thế giới, trước khi Việt Nam từ bỏ hẳn các lý tưởng kinh tế của chủ nghĩa Mác Lê trước đây.
Thực tế hiện nay ở trong nước, mà hầu như không ai phủ nhận, đó là đại đa số cán bộ đảng viên quá tham nhũng và tham nhũng có hệ thống. Không tham nhũng thì không thể tồn tại được, vì lấy tiền đâu mà “đóng hụi chết” cho thượng cấp? Theo nhiều người, bệnh tham nhũng trong chế độ Việt Nam hiện nay là bệnh nan y, hết thuốc chữa!
Cán bộ đảng viên là thành phần lãnh đạo xã hội, mà tham nhũng thì toàn bộ sinh họat xã hội sẽ bị ảnh hưởng, nhiễu xạ, băng họai, từ văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế, y tế … đến thể dục, thể thao. Với đội ngũ cán bộ như thế, nhà nước Việt Nam làm thế nào có thể điều động guồng máy kinh tế cho kịp với đà vận hành của nền kinh tế thị trường? Nếu trong giai đọan quá độ, mà cán bộ tham nhũng, vô kỷ luật, thì có thể sẽ đi đến chỗ quá đà, quá trớn, bước ra ngoài tầm kiểm soát của đảng CSVN. Phải chăng vì khủng hoảng đạo đức trầm trọng nên đảng CSVN phải phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”?
Thứ đến, trước đây lãnh đạo đảng CSVN thường là những lãnh tụ trong hai cuộc chiến tranh 1946-1954 hay 1956-1975. Sau giới nầy, đến những nhà lãnh đạo do Liên Xô đào tạo như Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh. Nay chiến tranh chấm dứt đã hơn 30 năm. Liên Xô sụp đổ được một phần tư thế kỷ. Giới lãnh đạo ngày nay không thuộc hai thành phần trên, mà có thể nói đa số là những nhà hành chánh “văn phòng phẩm”, xuất thân từ hệ thống văn phòng đảng CSVN sau năm 1975. Ưu điểm của những nhà lãnh đạo nầy là trẻ trung, ít vướng mắc vào những vấn đề quá khứ như Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm … Tuy nhiên uu điểm nầy cũng chính là khuyết điểm của họ, vì họ không đủ thành tích chiến đấu, thử thách trong chiến tranh và trong “tù tội”, nên tiếng nói của họ thiếu trọng lượng đối với cán bộ, đảng viên. Theo nhà văn Trần Vàng Sao, sau 1975, ông Nguyễn Khoa Điềm còn là nhân viên trong văn phòng một huyện ở Huế, mà nhờ gia thế (con của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn) nên chỉ hơn 20 năm, lên tới ủy viện bộ Chính trị, Trưởng ban văn hóa tư tưởng đảng. Do đó ông thật sự không đủ uy tín chính trị như những nhân vật trước ông ta đã vào tù ra khám, hoặc xuất thân từ các trường đảng ở Liên Xô. Các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng cũng thế mà thôi.
Nói cách khác, sau đại hội X đảng CSVN từ 18/4 đến 25/4/2006 tại Hà Nội, Việt Nam lâm vào bế tắc lãnh đạo nếu không muốn nói là khủng hoảng lãnh đạo, nhất là trong giai đọan biến chuyển từ kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập vào nền kinh tế tự do trên thế giới. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy, mỗi lần có biến chuyển khó khăn, khủng hoảng chánh trị hay kinh tế, thì CSVN thường nhờ đến hình tượng Hồ Chí Minh.
Từ sau năm 1975, tình hình kinh tế Việt Nam suy sụp dần dần do thực hiện chính sách kinh tế chỉ huy. Sự suy thoái lên cao điểm năm 1978 khi ông Đỗ Mười, ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN, chỉ huy cuộc cải tạo công thương nghiệp miền Nam, đánh tư sản, ngăn sông cấm chợ, cấm cản tiểu thương, đày ải dân chúng đi các vùng “kinh tế mới”, cưỡng bách lao động trong những công tác thủy lợi thiếu nghiên cứu, tung quân xâm lăng Cambodia. Dân chúng đói khổ ta thán, tinh thấn cán bộ đảng viên cũng chán nản, sa sút theo.
Trong tình hình đen tối đó, để lấy lại khí thế (từ ngữ của cộng sản), đảng CSVN tổ chức “Rước đuốc bác Hồ” vào tháng 10-1980, tuyên truyền làm sống lại hình tượng Hồ Chí Minh. Cuộc rước đuốc từ lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, lên các tỉnh phía Bắc và vào miền Trung, nhưng đến khoảng Nha Trang thì dân chúng không hưởng ứng, nên ngưng hẳn. Dân chúng miền Nam rất tiếc không thấy đuốc bác Hồ!
Lần thứ hai, khi các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, câu khẩu hiệu chiến lược hàng đầu của đảng CSVN là “Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm”, không còn giá trị. Mới có 70 năm mà đã sụp đổ thì sao gọi là muôn năm? Vì vậy đảng CSVN phải từ bỏ câu khẩu hiệu nầy và đảng CSVN quay qua cầu cứu Hồ Chí Minh, sáng tác ra “tư tưởng Hồ Chí Minh”, đưa vào điều 4 hiến pháp năm 1992.
Trong năm vừa qua, một biến cố quan trọng xảy ra ở Âu Châu. Ngày 25-1-2006, tại Strasbourg, một thành phố miền đông bắc nước Pháp, Quốc hội Âu Châu, với đa số áp đảo, 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống, đã đưa ra nghị quyết số 1481, lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại, và các chế độ toàn trị cộng sản đã vi phạm nhân quyền tập thể. Nghị quyết nầy, một lần nữa nhận sâu thêm xuống vực thẳm con thuyền chủ nghĩa cộng sản, vốn đã bị bão táp thời đại đánh cho tơi tả.
Dầu báo Nhân Dân của CSVN đã cho người viết bài lên tiếng phản đối nghị quyết nầy, và gọi đây là một hành động sai trái của Quốc hội Âu Châu, nhưng CSVN không thể “lấy thúng úp miệng voi”, nên không thể phủ nhận một thực tế, là chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Mác-Lênin càng ngày càng bị xa lánh, và chế độ cộng sản toàn trị rõ ràng không còn hợp thời, nhất là với các nước đối tác với Việt Nam trong WTO, là những nước tự do dân chủ. Phải chăng vì vậy, qua đầu năm 2007, đảng CSVN tập trung đánh bóng trở lại lãnh tụ Hồ Chí Minh, tuyên truyền rằng ông ta không phải chỉ là người học trò trung thành của Mác-Lê, mà còn là một lãnh tụ dân tộc, và dùng hình ảnh của ông ta thu hút các nước trên thế giới?
Một điểm đáng chú ý nữa là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sẽ bắt đầu từ ngày 3-2-2007 và tổng kết vào ngày 3-2-2011, tức trong bốn năm tròn. Học tập đạo đức thì phải học suốt đời, chứ sao chỉ học bốn năm? Phải chăng đây là chương trình tiểu học, trung hay đại học? Hay đây là kế họach kinh tế tứ niên, kế họach ngũ niên…? Xa hơn nữa, là trùng với nhiệm kỳ năm năm của Bộ chính trị đảng CSVN, hay nhiệm kỳ của Quốc hội Cộng Hòa Xã Hội Chú Nghĩa Việt Nam? Chỉ có nơi nào đưa ra chỉ thị mới có thể trả lời câu hỏi nầy, nhưng rất tiếc không thấy giải thích cụ thể từ phía đã đưa ra chỉ thị, vì sao chỉ học tập trong bốn năm?
Cuối cùng, chỉ thị số 06-CT/TW, tổ chức cuộc vận động dân chúng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cũng giống như chỉ thị ngày 29-11-2006 của Nguyễn Tấn Dũng về việc tăng cường lãnh đạo và quản báo chí, cấm tuyệt đối không cho báo chí tư nhân, đều do Bộ chính trị đảng CSVN ra lệnh thi hành. Điều nầy theo đúng nguyên tắc của CSVN là “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, (không biết làm chủ cái gì?), nhưng không theo đúng vận hành trong một chế độ dân chủ tự do thật sự, là chỉ có hành pháp (tổng thống hay thủ tướng) và lập pháp (quốc hội) mới có quyền ra chỉ thị bắt nhà nước thi hành.
2. Đạo đức Hồ Chí Minh?
Đã nói học tập đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh thì phải biết sơ qua đạo đức và tư tưởng của Hồ Chí Minh là gì?
Đạo đức gia đình – Trước hết, thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau nầy là Hồ Chí Minh), rời Sài Gòn ngày 5-6-1911 để mưu sinh. Giành giụm được một số tiền, từ New York, ngày 15-12-1912, Nguyễn Tất Thành gởi về nhờ viên khâm sứ Pháp tại Huế, giao lại cho cha mình. Như thế Nguyễn Tất Thành có thể được xem là người mở đầu phong trào vượt biên và chuyển ngân về giúp gia đình mà ngày nay đang thịnh hành. Đây là tấm gương đáng khuyến khích để giúp phát triển kinh tế gia đình và cũng là kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, Nguyễn Tất Thành còn xin viên khâm sứ Pháp kiếm cho cha mình một công việc như giáo thụ (giáo viên), để đủ sống qua ngày. Hành động hiếu đễ của cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành thật đáng khen. Rất tiếc, khi gia nhập đảng Cộng Sản, Nguyễn Tất Thành từ bỏ luân lý truyền thống dân tộc, chuyển lòng trung hiếu thành lý tưởng phục vụ đảng và chủ nghĩa cộng sản, đến nổi chính phụ thân của Nguyễn Tất Thành, ông Nguyễn Sinh Sắc, rất bực mình “không muốn nghe nói đến người con hư của mình… mà các chủ thuyết chẳng những đả phá uy quyền của nhà vua, mà còn đả phá luôn uy quyền của người gia trưởng”.(1) Trong di chúc trước khi chết, Hồ Chí Minh viết : “…tôi để sẵn mấy lời nầy, phòng khi tôi đi gặp cụ Cac Mac, cụ Lênin…”(2) Không biết Hồ Chí Minh có gặp được các ông tổ cộng sản nầy hay không, nhưng chắc chắn ông không đề cập gì đến việc gặp phụ thân của ông là Nguyễn Sinh Sắc, đang yên nghỉ ở Sa Đec (Nam phần), và tổ tiên ông ở Nghệ An. Điều nầy sẽ giảI thích vì sao trong “Năm điều bác Hồ dạy”, không có điều nào ông Hồ dạy trẻ em phải có hiếu với cha mẹ, thuận thảo với anh em, lễ độ với người lớn tuổi.
Cũng trong đạo đức gia đình, khi lấy vợ, Hồ Chí Minh chẳng những không trung thành với vợ mà còn tàn ác với vợ. Không kể những mối tình lẻ tẻ, Hồ Chí Minh có hai cuộc sống vợ chồng rõ ràng là cuộc hôn nhân với bà Tăng Tuyết Minh và cuộc sống chung với bà Nông Thị Xuân.
Tăng Tuyết Minh: thời xuân sắc và lúc tuổi già mòn mỏi đợi chờ (với ảnh vẫn trên tường)
Nguồn: dprk-cn.com
Tháng 10 năm 1926 tại Quảng Châu (Trung Hoa), Hồ Chí Minh, lúc đó có tên là Lý Thụy, làm lễ thành hôn với một phụ nữ Trung Hoa là bà Tăng Tuyết Minh (1905-1991), tại nhà hàng Thái Bình, ở trung tâm thành phố, với sự hiện diện của bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai), Bào La Đình, Thái Sương. Khi chiến tranh Quốc Cộng bùng nổ năm 1927, Lý Thụy phải trốn tránh nên phải xa Tăng Tuyết Minh. Tháng 5-1950, nhìn thấy hình Hồ Chí Minh trên báo Nhân Dân (Trung Hoa), Tăng Tuyết Minh gởi nhiều lá thư cho Hồ Chí Minh, thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh là Hoàng Văn Hoan, nhưng đều không được trả lời.(3)
Khi về Hà Nội cầm quyền sau năm 1954, Hồ Chí Minh vui duyên mới, với một phụ nữ trẻ đẹp là bà Nông Thị Xuân năm 1955. Lúc đó Hồ Chí Minh khoảng 65 tuổi, Nông Thị Xuân khoảng 22 tuổi. Hai người có một con trai là Nguyễn Tất Trung. Một thời gian sau, bà Xuân bị Hồ Chí Minh bỏ, và bị thủ tiêu một cách tàn nhẫn. Nguyễn Tất Trung được giao cho người khác nuôi, ngay khi Hồ Chí Minh còn sống.(4a)
Với những tài liệu rõ ràng không thể chối cãi như thế, bất hiếu với cha, giết vợ bỏ con, Hồ Chí Minh có phải là tấm gương đạo đức gia đình cho cán bộ đảng viên hay không? Trước khi bắt cán bộ đảng viên học tập, mong các quan chức trong Bộ Chính trị hãy can đảm kể sự thật những chuyện trên đây cho vợ con trong gia đình các ông nghe, và hỏi ý kiến của vợ con các ông, như thế Hồ Chí Minh có xứng đáng cho các ông học tập và noi theo gương đối xử với vợ con như thế hay không? Nếu cán bộ đảng viên CSVN theo gương Hồ Chí Minh, giết vợ, bỏ con thì xã hội Việt Nam sẽ ra sao?
Đạo đức cách mạng – Thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Marseille khoảng ngày 10-7-1911. Hơn hai tháng sau, thanh niên Nguyễn Tất Thành cùng một lần viết hai lá đơn đề ngày 15-9-1911, gởi cho tổng thống Pháp và gởi cho bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, xin vào học trường Thuộc Địa Paris, là trường chuyên đào tạo quan chức cho các thuộc địa Pháp. Lá đơn nầy đều bị cả hai nơi từ chối. (Hồ sơ hiện còn lưu trữ trong thư khố Pháp.) Như thế thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi vì lý do kinh tế, mưu sinh, là việc thường tình trong đời sống, nhưng chắc chắn không phải là ra đi tìm đường cứu nước. Cứu nước sao lại xin vào học trường Thuộc địa để ra làm quan cho thực dân Pháp?
Khi Đệ tam Quốc tế (ĐTQT) chuẩn bị gởi Hồ Chí Minh, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc, từ Liên Xô qua Viễn đông hoạt đông, Nguyễn Ái Quốc viết thư đề ngày 11-4-1924 gởi cho Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đề nghị cấp cho ông ta “một ngân sách xấp xỉ 100 đô la mỗi tháng không kể hành trì Nga-Trung Quốc”.(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tt. 251-252.)
Sau khi qua Trung Hoa, tuy được cấp lương chi dùng nhưng không đủ, Nguyễn Ái Quốc phải làm đơn ngày 19-2-1925 xin các đồng chí ĐTQT vui lòng cấp thêm cho một số tiền. (Báo Điện tử đảng Cộng Sản Việt Nam, trích ngày 8/1/2007.)
Ông Hồ ghé Beijing thăm Mao trên đường đến Moscow dự Đại hội Đảng Công sản Sô Viết
Nguồn/Ảnh: sinophilia.org/Báo La Chine 1959
Đây là những tài liệu do chính đảng CSVN đưa ra, cho thấy Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) tự nguyện biến thành một cán bộ chính trị chuyên nghiệp của ĐTQT, lãnh lương của ĐTQT mà từ ngữ dân sự gọi là công chức hay cán bộ, và từ ngữ quân sự gọi là lính đánh thuê cho ĐTQT, dưới sự điều khiển của Liên Xô. Một khi lãnh lương nước ngoài để họat động cách mạng ở Việt Nam, thì sau khi thành công, người công chức hay cán bộ đó, hoặc kẻ đánh thuê đó, chắn chắn phải có bổn phận hay nghĩa vụ đóng góp trở lại cho nước ngoài. Phải chăng vì vậy, khi Hồ Chí Minh mở cuộc xâm lăng miền Nam, vào đầu thập niên 60, Lê Duẩn đã phát biểu: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc…”(4b) Đó là có phải là đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh không?
Học được phương pháp tổ chức và khuynh đảo của Học viện Thợ thuyền Đông phương tại Moscow, Nguyễn Ái Quốc lấy phương châm “cùng đích biện minh cho phương tiện”, đã sử dụng mọi phương tiện, thủ đọan, bất chấp đạo lý, tình nghĩa, để phát triển tổ chức cộng sản, bành trướng chủ nghĩa ĐTQT theo kiểu Lenin và Stalin.
Nhận lãnh sứ mạng của ĐTQT, Hồ Chí Minh lợi dụng lòng yêu nước của người Việt, mở cuộc chiến tranh gọi là giải phóng đất nước thoát ách ngọai xâm, rồi lại tiêu diệt tự do của dân chúng. Giải phóng đất nước là đưa đất nước ra khỏi tình trạng bị nô dịch, đem lại tự do cho đất nước. Đàng nầy, đất nước tránh vỏ dưa, lại trợt vỏ dừa. Thoát khỏi tay Pháp thì bị cộng sản toàn trị, còn độc tài, độc ác và bóc lột hơn cả thời Pháp thuộc. Thời Pháp thuộc đâu có Cải cách ruộng đất giết hại cả hàng trăm ngàn nạn nhân vô tội? Đâu có Nhân văn Giai phẩm tiêu diệt biết bao nhiêu nhân tài? Dầu thực dân Pháp nổi tiếng bóc lột, nền kinh tế Việt Nam thời Pháp thuộc vẫn đứng hàng đầu ở Đông Nam Á, dân chúng Việt Nam đâu có nghèo đói cơ cực như “thời đại Hồ Chí Minh”. Sau năm 1975, dân chúng miền Nam Việt Nam có một câu tục ngữ mộc mạc: “Đả đảo Thiệu Kỳ, cái gì cũng có. Hoan hô Hồ Chí Minh, một cái đinh cũng không có.” Ai cũng biết, ngày nay
Phải chăng do di sản đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, mà ngày nay Bộ chính trị đảng CSVN đưa ra thông báo số 41-TB/TW ngày 11-10-2006 về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, nghĩa là triệt để cấm tư nhân được quyền ra báo? Cho đến đầu thế kỷ 21 mà tư nhân ở Việt Nam chưa được quyền ra báo, thì Tây thực dân cũng phải chào thua CSVN! (Còn tiếp)
Toronto, 12/1/2007
Nguồn: Bài do tác giả gởi đến. DCVOnline biên tập và minh hoạ
(3) Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l’Indochine au Vietnam [Hồ Chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam], Paris: Nxb. Gallimard, Paris, 1990, tr. 134.
(3) Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng Trung Ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư, có xem lại và bổ sung, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1975, tr. 171. (Phía cuối phóng ảnh)
(3) Hoàng Tranh [Huang Zheng], “Hồ Chí Minh và người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, tạp chí Đông Nam Á Tung Hoành, Nam Ninh (CHNDTH), tháng 11-2001. Báo Diễn Đàn, Paris, số 121, tháng 9-2002, dịch đăng lại, tt. 17-22.
(4) Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tt. 605-609 (4a), tr. 422 phần chú thích (4b).
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire