1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [TdDcNq] [H] - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 25 janvier 2007

Lai chuyen Tu tuong va dao duc Ho chi Minh (2) TGP

Lại chuyện đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh (Kết)Trần Gia Phụng

Tiếp theo phần I

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh?

Từ đâu xuất hiện “Tư tưởng Hồ Chí Minh”? – Theo ông Dương Trung Quốc, tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ở trong nước, “... tại Đại hội VII, ta bắt đầu đề cập tới khái niệm về “tư tưởng Hồ Chí Minh” thì rồi sau đó mới tập trung triển khai nghiên cứu xem “tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?” (Dương Trung Quốc, “Đóng góp ý kiến văn kiện Đại hội X”, Đàn Chim Việt, ngày 25/11/2005.)
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=852

Đại hội VII đảng CSVN họp từ ngày 24 đến ngày 27-6-1991 tại Hà Nội. Đỗ Mười được bầu làm tổng bí thư. Lúc đó, vừa xảy ra những biến động làm sụp đổ chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu vào năm 1990. Từ đầu năm 1991, Liên Xô bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng, sắp sửa tan rã. Chủ nghĩa Mác-Lê không còn ăn khách. Đảng CSVN lúng túng, không biết làm sao tiếp tục tuyên truyền với đảng viên và dân chúng, liền vội quay qua cầu cứu Hồ Chí Minh lần nữa, đưa thêm “tư tưởng Hồ Chí Minh” tiếp theo sau chủ nghĩa Mác-Lê, nghĩa là từ nay, nền tảng của ý thức hệ cộng sản Hà Nội là chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó mới xuất hiện chuyện “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Để điều chỉnh căn bản ý thức hệ đang bị lung lay, cộng sản Hà Nội cho sửa đổi hiến pháp, và chính thức hợp thực hóa một cách công khai “tư tưởng Hồ Chí Minh” bằng điều 4 Hiến pháp năm 1992.

“Tư tưởng Hồ Chí Minh” theo Đảng Cộng sản Việt Nam – Chữ “tư tưởng” có hai ý nghĩa thông thường: 1) Nghĩa hẹp, tư tưởng là sự suy nghĩ hay ý kiến của một người về các vấn đề trong cuộc sống. Sự suy nghĩ nầy sẽ hướng dẫn người đó hành động hay thực hiện các ý định của họ. 2) Nghĩa rộng, tư tưởng là hệ thống suy tư hay tư duy của các cá nhân hay tổ chức về một số vấn đề trọng đại, có tính cách thuần lý, để giúp đỡ, hướng dẫn, giáo dục con người theo một đường lối nào đó. Trong ý nghĩa thứ nhì nầy, “tư tưởng” đồng nghĩa với “triết lý”; ví dụ “tư tưởng Phật giáo”, “tư tưởng Lão Trang”...

Đảng CSVN sắp hạng tư tưởng Hồ Chí Minh theo nghĩa thứ nhì, tức nghĩa rộng trên đây, nhưng không thấy đảng CSVN trình bày một cách có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Ngược lại, ngay từ Đại hội 2 của đảng CS vào tháng 2 năm 1951 tại Tuyên Quang, để đưa đảng CS ra hoạt động công khai trở lại với danh xưng mới là đảng Lao Động (LĐ) do Stalin đặt, Hồ Chí Minh phát biểu: “Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin... lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam.”. Khi đó, đại biểu miền Nam là Nguyễn Văn Trấn đã trình bày với Hồ Chí Minh rằng: “Có đồng chí còn nói: hay là ta viết “tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Ông Hồ trả lời: “Không, tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lê nin.”(5) Cũng trong Đại hội nầy, Hồ Chí Minh nhiều lần tuyên bố: “Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được.”(6) Một lần khác, có người đã hỏi Hồ Chí Minh vì sao ông không viết sách về lý thuyết cộng sản, thì ông trả lời ông không cần viết, vì đã có Mao Trạch Đông viết rồi.(7)

Đảng CSVN ca ngợi Hồ Chí Minh là nhà “giải phóng dân tộc”. Thật ra Hồ Chí Minh chống Pháp vì người Pháp không biết điều với ông ta. Ngày 15/9/1911, Hồ Chí Minh làm đơn xin vào học Trường Thuộc Địa Paris là trường chuyên đào tạo các quan chức thuộc địa, để ra làm quan cho Pháp. Hồ Chí Minh tình nguyện đặt mình dưới sự sai khiến của người Pháp, nhưng ông bị Pháp từ chối, nên ông chống Pháp. Trong trường hợp Hồ Chí Minh được vào học Trường Thuộc Địa Paris và được ra làm quan cho Pháp, thì ông đâu có chống Pháp.

Giả thiết Hồ Chí Minh là “nhà giải phóng dân tộc” như sách báo CSVN đã viết, thì tư tưởng giải phóng dân tộc không phải là một hệ thống tư duy triết học. Tư tưởng giải phóng dân tộc cũng không do Hồ Chí Minh khởi xướng, mà đã tiềm ẩn trong trí óc của người Việt từ thuở Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm 40, cách đây gần hai ngàn năm, truyền từ đời nầy qua đời khác. Nhờ vậy người Việt và nước Việt mới tồn tại cho đến ngày nay trước bao nhiêu cuộc ngoại xâm. Còn việc Hồ Chí Minh viết rằng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, thì đây chỉ là khẩu hiệu để Hồ Chí Minh và đảng CSVN lợi dụng tinh thần độc lập dân tộc và lòng yêu quý tự do của người Việt để đưa đất nước vào vòng thống trị của chế cộng sản độc tài toàn trị.

Đảng CSVN còn cho Hồ Chí Minh đã có sáng kiến kết hợp công cuộc giải phóng dân tộc với đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa xã hội. Thật ra người đưa ra sự kết hợp nầy là Lenin, nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng cộng sản năm 1917 ở Nga. Liên minh công nông chống thực dân phong kiến, cũng không phải do Hồ Chí Minh nghĩ ra. Ai cũng biết đó là tư tưởng của Mao Trạch Đông, lấy nông thôn bao vây thành thị, khi ông ta muốn ứng dụng chủ nghĩa Mác-Lê vào Trung Hoa. Josip Broz Tito (Yugoslavia) là người chủ trương đảng và chế độ cộng sản Quốc gia độc lập, chứ không nằm trong hệ thống Đệ tam Quốc tế cộng sản từ năm 1948. Hồ Chí Minh chưa hề có tư tưởng như Tito. Nói cho cùng, Hồ Chí Minh không có một hệ thống tư duy nào để trở thành nhà tư tưởng, như đảng CSVN áp đặt.

Vì Hồ Chí Minh không có tư tưởng gì, nên những kẻ thừa kế tha hồ vẽ vời sáng tác mọi chính sách rồi gắn cho nhãn hiệu Hồ Chí Minh. Họ chắp nối một số diễn văn, lời nói của ông ta để hình thành “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Họ giải thích tùy hứng những điều mà họ nói là “tư tưởng Hồ Chí Minh”, không khác gì lối diễn giải tùy thích những sấm truyền bí hiểm của các nhà tiên tri như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo dõi những bài diễn văn, những khẩu hiệu do ông Hồ đưa ra, mọi người đều nhận biết rõ ràng tất cả đều do ông Hồ cóp nhặt từ các nhà tư tưởng, văn hóa và chính trị đông tây.

Ví dụ bài diễn văn khai sinh chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Hồ đọc ngày 2/9/1945, thường được đảng Cộng Sản gọi là bản “Tuyên ngôn độc lập”, hoàn toàn vay mượn của các văn bản Pháp và Mỹ. Mọi người sẽ không lấy làm lạ nếu biết rằng người giúp ông Hồ viết bản văn nầy là một thiếu tá người Hoa Kỳ, Archimedes L. A. Patti.(8)

Trong bài nói chuyện tại lớp học tập chính trị khoảng hơn 3,000 giáo viên cấp 2 và cấp 3 miền Bắc (dạy từ lớp 6 đến lớp 10 trung học, lúc đó hệ trung học ngoài Bắc chỉ có 10 năm), do bộ Giáo Dục tổ chức tại Hà Nội ngày 13-9-1958, Hồ Chí Minh viết: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. (Báo Nhân Dân ngày 14-9-1958) Câu khẩu hiệu nầy được treo ở tất cả các trường đại học và trung tiểu học dưới chế độ cộng sản. Câu khẩu hiệu nầy được sách vở Cộng Sản xem là tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh về kế hoạch đào tạo nhân tài cho đất nước, thật ra là câu nói của Quản Trọng (Quản Di Ngô) cách đây hơn hai ngàn năm. “Nhất niên chi kế tại ư thụ cốc; thập niên chi kế tại ư thụ mộc; bách niên chi kế tại ư thụ nhân.” (Kế một năm trồng lúa, kế mười năm trồng cây, kế trăm năm trồng người.)

Một trong những khẩu hiệu hàng đầu được xem là tư tưởng Hồ Chí Minh, để huấn luyện và giáo dục cán bộ cộng sản là “Chí công vô tư, cần kiệm liêm chính”, được rút từ lời dạy của Nho giáo cũng đã trên 2.000 năm.

Nêu lên vài ví dụ trên đây để thấy rằng những điều gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh (hiểu theo nghĩa rộng là một hệ thống tư duy) chỉ là sự cóp nhặt danh ngôn của những vĩ nhân thế giới, rồi đề tên họ Hồ vào. Sở dĩ Hồ Chí Minh và các thuộc hạ của ông mạnh dạn mượn tư tưởng của người khác làm của riêng ông ta, vì từ năm 1954 đến 1975, Bắc Việt sống hoàn toàn biệt lập, bưng bít. Không có bất cứ một sách vở xưa cũ hay một phương tiện truyền thông nào đến với dân chúng, ngoài sách đảng, báo đảng, và đài phát thanh đảng. Trong tình hình đó, Hồ Chí Minh muốn cóp nhặt của ai thì tha hồ mà cóp nhặt, không ai biết gì để có thể so sánh. Nói cho cùng, người ta có biết, cũng không dám lên tiếng.

Ngay cái tên “Nguyễn Ái Quốc”, ông Hồ mượn của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền;(9) và cái tên “Hồ Chí Minh”, ông Hồ mượn của Hồ Học Lãm.(10) Chẳng những lấy tên “Hồ Chí Minh” của Hồ Học Lãm, năm 1940, Nguyễn Ái Quốc còn chiếm dụng luôn danh xưng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Minh do Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần lập ra ở Nam Kinh (Trung Hoa) vào năm 1936,(11) nhắm đánh lừa những người yêu nước Việt Nam và cả chính quyền Trung Hoa Quốc Dân Đảng, để được giúp đỡ.

Theo tài liệu của đảng CSVN, Bản án chế độ thực dân Pháp xuất bản ở Pháp năm 1925 do chính Nguyễn Ái Quốc khởi viết từ 1921.(12) ) Có tài liệu cho rằng Nguyễn Ái Quốc không viết được sách nầy, vì lúc đó ông ta không đủ trình độ Pháp văn để viết sách.(13) Ông ta đã cóp nội dung bài “Đông Dương chính trị luận” của Phan Châu Trinh (đã được Jules Roux, bạn của Phan Châu Trinh, dịch ra tiếng Pháp để gởi cho chính phủ Pháp và Albert Sarraut sắp qua làm toàn quyền Đông Dương). (14)

Chẳng những Hồ Chí Minh “mượn” tư tưởng vĩ nhân thế giới làm tư tưởng của mình, cóp sách của người khác rồi sửa chửa làm sách của mình, ông ta còn mượn luôn thơ của người khác để làm thơ mình. Tác phẩm được coi là nổi tiếng của họ Hồ là Ngục trung nhật ký [Nhật ký trong tù], đa số là chép lại của một ông già họ Lý người Hoa.(15)

Theo nhiều tài liệu, Hồ Chí Minh không bao giờ là một nhà tư tưởng, cũng không phải là một lý thuyết gia chính trị. Trong sách Ho Chi Minh, Jean Lacouture, sử gia Pháp, đã ít nhất hai lần nói rằng Hồ Chí Minh không phải là một lý thuyết gia, dù lúc viết sách nầy, Lacouture là một ký giả còn thiên tả.(16) Mọi người đều đã từng nghe nói đến Marxism (Mác-xít), Leninism (Lênin-nít), Stalinism (Xìtalin-nít), Titoism (Titô-ít), Maoism (Mao-ít), nhưng không bao giờ nghe nói đến “Hoism” (Hồ-ít).(17) Hồ Chí Minh thật sự chỉ là một nhà chính trị giỏi thực hành, một chiến thuật gia (tactician), ứng biến mau lẹ, có tài đóng kịch, đặc biệt rất sắt máu và tàn ác dị thường.(18)

Như thế, xét theo chiều rộng, Hồ Chí Minh hoàn toàn không có một hệ thống tư duy đáng kể, và đúng như ông Dương Trung Quốc viết, đảng CSVN đã đưa ra khái niệm về “tư tưởng Hồ Chí Minh” trước, rồi sau đó mới tập trung triển khai nghiên cứu xem “tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?” Từ đó, đảng CSVN vẽ rồng vẽ rắn, nhào nặn ra tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tóm lại nếu nói rằng Hồ Chí Minh là một đảng viên cộng sản trung kiên, hết lòng họat động, bành trướng chủ nghĩa cộng sản, hết lòng phục vụ ĐTQT, một cán bộ xuất sắc có ăn lương của Liên Xô, có tài tổ chức, khuynh đảo, đa sát, thì đúng. Tuy nhiên, nếu nói rằng Hồ Chí Minh là người có đạo đức cách mạng với tâm hồn và tinh thần Việt Nam, có hệ thống “tư tưởng” riêng, thì cần phải xét lại.

Đảng CSVN muốn đảng viên học theo lãnh tụ họ Hồ thì tùy ý. Chỉ sợ càng học, đảng CSVN càng đưa đất nước và dân chúng Việt thụt lùi thêm nữa. Nếu đảng CSVN bắt người Việt học tập đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh, thì người Việt có thêm cơ hội trở lại chuyện Hồ Chí Minh, vạch trần thêm những sự thật bên trong huyền thọai Hồ Chí Minh, và có thêm nhiều đề tài tiếu lâm lý thú. Ví dụ vừa qua, CSVN âm thầm đem tượng Hồ Chí Minh vào trong chùa, tưởng rằng để cho dân chúng thờ lạy như cúng Phật. Dân chúng Việt Nam nghĩ khác. Đồng bào nói với nhau rằng Hồ Chí Minh tội lỗi nhiều quá, cần phải sám hối, để cho ông ta vào chùa tu trì, nghe kinh kệ, hóa giải nghiệp chướng, mới hy vọng có cơ hội siêu thoát, chứ để ông chết phơi thây mãi thì biết khi nào được hóa kiếp? Tuy nhiên, nếu những nhà lãnh đạo hiện thời của CSVN đang cầm quyền, vào chùa nghe kinh kệ thì tốt hơn rất nhiều, thay vì gởi đại biểu là ông Hồ Chí Minh!

Để thay thế kết luận, bài nầy xin giới thiệu chương trình lịch sử trung học của CHNDTH mới được áp dụng ở Thượng Hải (Shanghai), mà theo tác giả Joseph Kahn trong bài “Mao ở đâu? Hay Trung Quốc đang viết lại lịch sử” (Phạm Minh Ngọc dịch, Talawas, 27/9/2006), phần mở, có đọan viết: “Chủ nghĩa xã hội được thu vào trong một chương ngắn trong cuốn sách lịch sử dành cho học sinh lớp trên. Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc trước cuộc cải cách kinh tế năm 1979 được rút lại còn có một câu. Mao Trạch Đông chỉ được nhắc tới một lần – trong chương nói về đức dục.” Cần lưu ý, CHNDTH gia nhập WTO ngày 11/12/2001. Từ tháng 12/2001 đến đầu 2006 là hơn bốn năm. Và đó cũng là thời hạn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ chính trị đảng CSVN (3-2-2007 đến 3-2-2011). Có lẽ rồi đây, trường hợp Hồ Chí Minh cũng sẽ không khác Mao Trạch Đông.


Toronto, 12/1/2007

Nguồn: Bài do tác giả gởi đến. DCVOnline biên tập và minh hoạ



(5) Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ & Quốc hội, Nxb. Văn Nghệ [tái bản], California, 1995, tt. 150-152. Theo đoạn văn nầy, trong một cuộc đối thoại ngắn, Hồ Chí Minh hai lần xác nhận mình chẳng có tư tưởng gì ngoài chủ nghĩa Mác-Lê.
(6) Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, California: Nxb. Tuổi Xanh, 2001, tr. 63.
(7) Oliver Todd, “Huyền thoại Hồ Chí Minh”, Nguyễn Văn dịch, đăng trong sách Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, Nxb. Nam Á, Paris, 1990, tr. 277.
(8) Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?, University of California Press, California, 1980, tr. 223.
(9) Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l'Indochine au Vietnam (Hồ Chí Minh, từ Đông Dương đến Vệt Nam), Nxb. Gallimard, Paris, 1990, tt. 44-45.
(10) Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Nxb. Văn Hóa, Houston, 1997, tt. 168-169.
(11) Hồ Học Lãm cùng với Nguyễn Hải Thần (1878-1959), với sự giúp đỡ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, đã thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội tại Nam Kinh vào tháng 1-1936.(Chính Đạo, sđd. tr. 168.)
(12) Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương (BNCLSĐ), Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư (có xem lại và bổ sung), Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1975, tr. 29.
(13) Hứa Hoành, Những phú hộ lừng danh, Nxb. Văn Hóa, Houston, TX, 1999, tr. 226.
(14) Hứa Hoành, sđd. tr. 224.
(15) Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả "Ngục trung nhật ký", Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Canada, 1990, tr. 94. "Ông già họ Lý", người bị giam chung với họ Hồ vào đầu thập niên 30 tại khám lớn Victoria ở Hồng Kông.
(16) Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Peter Wiles bản dịch Anh ngữ từ nguyên văn tiếng Pháp, Harmondswoth: Nxb. Penguin Books, , 1969, tt. 58, 153.
(17) Charles Fenn, Ho Chi Minh: a biographical introduction, London: Studio Vista, 1973, tr. 47.
(18) Vũ Thư Hiên, sđd.. tr. 459. Oliver Todd, bđd., sđd. tr. 276, 295.

Aucun commentaire: